Nông dân cao su Thái Lan xoay sở vượt khó, kiến nghị giảm thuế xuất khẩu
Ngành cao su Thái Lan đang vật lộn với tình trạng giá bán liên tục giảm – giá cao su Thái Lan đã giảm năm thứ 3 liên tiếp từ 100 baht/kg năm 2012 xuống 50 baht/kg hiện nay. Giá giảm đã khiến ngành cao su Thái Lan thiệt hại 36 tỷ baht trong năm nay, theo các nhà nghiên cứu cao su.
Chi phí sản xuất cao su ở Thái Lan hiện ở mức 64,14 baht/kg trong khi giá bán trung bình cao su tờ hun khói là 55,19 baht, kết quả là nông dân cao su thua lỗ 9 baht/kg. Với nguồn cung 4,2 triệu tấn cao su, ngành cao su Thái Lan sẽ thua lỗ 36 tỷ baht trong năm nay hoặc 3 tỷ baht mỗi tháng.
Nông dân cao su đang cố gắng chống chọi với tình trạng giá giảm kéo dài, chủ yếu bằng cách chế biến cao su và bán đấu giá. Một mạng lưới những người trồng cao su, mua đến 200.000 kg mủ cao su mỗi ngày, đã vay 50 triệu baht từ một quỹ nhà nước để xây nhà máy chế biến.
Vithoon Koopanthawee, giám đốc cửa hàng buôn bán xe gắn máy ở miền Nam, cho biết, việc chế biến cao su để sử dụng nội địa và tìm thị trường mới có thể giải quyết được vấn đề. “Giảm chi phí sản xuất cũng có thể hỗ trợ, nhưng không đủ bù đắp vì giá giảm là hiện tượng toàn cầu”, ông Vithoon Koopanthawee cho biết.
Charn Leela-aporn, cựu cố vấn Hội đồng Cố vấn Kinh tế Xã hội Quốc gia, cho biết, tình hình vẫn rất đáng lo ngại.
“Diện tích trồng cao su ở Thái Lan và các nước khác, nhất là Indonesia – chi phí sản xuất và nguyên liệu thô thấp hơn Thái Lan – ngày một tăng. Giá thuê đất thấp hơn cũng đang khiến nhiều công ty Thái Lan đầu tư vào các nước láng giềng”, ông Charn nói.
Tại tỉnh Phayao, Văn phòng Quỹ Hỗ trợ Tái canh Cao su đã tổ chức các phiên đấu giá cao su mủ chén (cuplump) nhằm hỗ trợ nông dân cao su giải phóng lượng tồn kho.
Văn phòng, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp, đã tổ chức nhiều phiên đấu giá với khối lượng dưới 15 tấn/phiên. Phiên gần đây tổ chức ở huyện Pong, cao su mủ chén được bán với giá 25 baht/kg, cao hơn 2-3 baht so với giá thị trường.
Sai Income, chủ tịch hội người trồng cao su ở Phayao, cho biết, người trồng cao su đã chuyển sang sản xuất cao su mủ chén và ngừng sản xuất cao su tờ.
Theo Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG), dư thừa cao su toàn cầu có thể giảm 46% trong năm 2015 khi nhu cầu tăng lên và nông dân giảm khai thác mủ do giá giảm. Cũng theo IRSG, năm 2014 sản lượng cao su sẽ vượt nhu cầu 371.000 tấn, và năm 2015 là 202.000 tấn.
Kiến nghị giảm thuế xuất khẩu
Trong một động thái khác, các nhà sản xuất cao su đang vận động chính phủ quân sự thay đổi hệ thống thuế xuất khẩu hàng hóa mềm nhằm giúp họ cạnh tranh với đối thủ như Malaysia và Indonesia.
Các nhà xuất khẩu cao su Thái Lan mong muốn chính phủ giảm thuế hoặc chuyển sang cơ chế đánh thuế cố định từ hệ thống hiện tại, theo đó mức thuế sẽ thay đổi theo giá thị trường.
Bundit Kerdvongbundi, tổng thư ký Hiệp hội Cao su Thái Lan, cho biết “Chúng tôi muốn chính phủ đưa ra hệ thống thuế linh hoạt. Sẽ tốt hơn nếu chính phủ giảm thuế hoặc đánh thuế với mức cố định. Khi đó, chúng tôi có thể quản lý chi phí và chào bán cao su với giá cạnh tranh hơn”.
Hệ thống thuế hiện nay được đưa ra vào năm 2012 khi giá cao su lên mức kỷ lục. Thuế suất là 3 baht/kg nếu giá cao su ở 80-100 baht, thuế là 2 baht nếu giá bán giảm dưới mức vừa nêu, hoặc 5 baht nếu giá bán tăng lên trên 100 baht/kg.
Giá cao su toàn cầu đã giảm hơn 25% trong năm nay do lo ngai về nhu cầu của Trung Quốc và dư cung.
Luckchai Kittipol, chủ tịch danh dự Hiệp hội Cao su Thái Lan, cho biết, nhà xuất khẩu muốn được hưởng thuế suất 1,4 baht/kg như trước kia, tương tương với thuế suất của Malaysia.
Trong khi đó, Indonesia – nước xuất khẩu cao su lớn thứ 2 thế giới - không đánh thuế xuất khẩu cao su.
Nguồn Theo DVO/Bangkokpost
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư