Hủy
Kinh Doanh

PNJ góp vốn vào chuỗi chuyên cầm cố trang sức, đồng hồ

Minh Anh Thứ Sáu | 15/01/2021 13:27

Tại thị trường Việt Nam, trước đây các dịch vụ cầm đồ vốn chỉ có tư nhân nhỏ lẻ tham gia, nhưng trước sức hút của ngành này quá lớn, nhiều tên tuổi lớn đã tích cực tham gia. Ảnh: tinnhanhchungkhoan

 
 
Lĩnh vực cầm đồ đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư và được dự báo còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Sau tân binh cầm đồ có sự góp vốn của Hoa hậu Ngọc Hân thì PNJ vừa thông qua chủ trương góp dưới 30% vốn điều lệ hiện tại của chuỗi cầm đồ Người Bạn Vàng. 

PNJ tích cực đầu tư cho dịch vụ "cầm vàng"

Theo đó, khoản góp vốn của PNJ không quá 3 tỉ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp này khai thác nguồn vốn cần thiết trong quá trình hoạt động.

Tổng Giám đốc Lê Trí Thông được giao quyết định thời điểm góp vốn và mức góp cụ thể vào Công ty Người Bạn Vàng, nhưng con số không vượt quá 30% vốn điều lệ tại thời điểm tham gia. Tổng Giám đốc thực hiện việc đánh giá, đàm phán hợp đồng, phân công nhân sự quản lý, giám sát thực hiện để bảo toàn vốn và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả.

Công ty Cổ phần Người Bạn Vàng được thành lập giữa năm 2017 với vốn điều lệ 1 tỉ đồng. Nửa năm sau, Công ty tăng vốn lên 10 tỉ đồng và giữ nguyên đến nay. Ông Lê Trung Hiếu làm người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc và là cổ đông nắm giữ 35% vốn.

Ảnh:
Người Bạn Vàng là một startup, liên kết với PNJ trong lĩnh vực cầm trang sức. Ảnh: tinnhanhchungkhoan.

Người Bạn Vàng là một startup, liên kết với PNJ trong lĩnh vực cầm trang sức. Công ty có 21 điểm giao dịch ở TP.HCM và các tỉnh miền Nam. Tất cả điểm giao dịch đều đặt bên trong cửa hàng PNJ. Chuỗi nhận cầm những trang sức quý như vàng, kim cương và các thương hiệu đồng hồ nổi tiếng như Rolex, Hublot, Patek Philippe...

Dữ liệu tài chính cuối năm 2019, startup này có tổng tài sản gần 38 tỉ đồng. Quy mô doanh thu đạt 7,9 tỉ đồng, gấp 2,2 lần năm 2018. Tuy nhiên Công ty vẫn lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 2,1 tỉ đồng.   

Bùng nổ dịch vụ cầm đồ cao cấp

Tại thị trường Việt Nam, trước đây các dịch vụ cầm đồ vốn chỉ có tư nhân nhỏ lẻ tham gia, nhưng trước sức hút của ngành này quá lớn, nhiều tên tuổi lớn đã tích cực tham gia và mở rộng thị trường.

Thương hiệu cầm đồ T99 có sự góp vốn 20 tỉ đồng của Hoa hậu Ngọc Hân cũng vừa ra mắt, hệ thống này hiện có nguồn lực tài chính dồi dào lên đến 1.300 tỉ đồng.

Mới đây, chuỗi cầm đồ Viet Money (Vietmoney) công bố hoàn thành vòng gọi vốn Series A từ Quỹ đầu tư Probus Opportunities (Probus) và Digi Ventures (DV). Theo đó, Probus và Digi Ventures sẽ đồng nắm giữ 30% cổ phần tại Vietmoney và cùng tham gia vào Hội đồng Quản trị. Hai bên từ chối công bố giá trị thương vụ.

Đầu tháng 6.2020, chuỗi cho vay cầm cố tài sản F88 thông báo nhận thêm 140 tỉ đồng trong vòng đầu tư tăng trưởng thứ 3 từ 2 quỹ tài chính quốc tế Mekong Enterprise Fund III (do Mekong Capital tư vấn quản lý) và Granite Oak với định giá xấp xỉ 2.100 tỉ đồng tại thời điểm cuối năm 2019.

Ảnh:
Ước tính cho vay tiêu dùng không chính thức chiếm khoảng 15-20% tổng dư nợ nền kinh tế (1,16-1,55 triệu tỉ đồng). Ảnh: TL.

Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ước tính cho vay tiêu dùng không chính thức chiếm khoảng 15-20% tổng dư nợ nền kinh tế (1,16-1,55 triệu tỉ đồng). Cho vay tiêu dùng qua ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 1 triệu tỉ đồng cuối năm 2019, bằng 11,4% tổng dư nợ, ngoài ra các kênh khác chưa có thống kê chính thức. Theo thông lệ, dư nợ cho vay tiêu dùng chính thức vào khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, do đó dư địa sẽ còn khá lớn khoảng 1,5-2 triệu tỉ đồng, chưa kể hằng năm tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng thêm khoảng 14%, thì cho vay tiêu dùng cũng sẽ tăng theo.

Ước tính ở Hà Nội hiện có khoảng 1.700 cửa hàng cầm đồ, TP.HCM có 2.300 cửa hàng. Ở khu vực miền Nam, các chuỗi cầm đồ khác cũng đang nổi lên với hàng chục cửa hàng như Vietmoney, Camdonhanh.vn hay Người Bạn Vàng... Mỗi tỉnh, thành phố đều có các cửa hàng cầm đồ rải rác từ thành phố cho tới nông thôn. Theo ước tính của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành năm 2013, dịch vụ cầm đồ nằm trong lĩnh vực tín dụng phi chính thức với quy mô thị trường khoảng 30 tỉ USD.

►Thị trường cầm đồ “nóng” với sự chen chân của nhà đầu tư ngoại


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới