Hủy
Kinh Doanh

Thị trường cầm đồ “nóng” với sự chen chân của nhà đầu tư ngoại

Minh Anh Thứ Ba | 08/09/2020 10:54

Thêm nhà đầu tư ngoại tham gia vào lĩnh vực dịch vụ cầm đồ tại Việt Nam. Ảnh: Vietmoney.vn.

Thị trường “cầm cố” đã được nâng cấp thành một lĩnh vực kinh doanh quy mô lớn với nhiều tên tuổi có tiềm lực.
 

Tại thị trường Việt Nam, trước đây các dịch vụ cầm đồ vốn chỉ có tư nhân nhỏ lẻ tham gia, nhưng trước sức hút của ngành này quá lớn, nhiều tên tuổi lớn đã tích cực tham gia và mở rộng thị trường.

Các nhà đầu tư ngoại tích cực tham gia

Mới đây, chuỗi cầm đồ Viet Money (Vietmoney) công bố hoàn thành vòng gọi vốn Series A từ Quỹ đầu tư Probus Opportunities (Probus) và Digi Ventures (DV). Theo đó, Probus và Digi Ventures sẽ đồng nắm giữ 30% cổ phần tại Vietmoney và cùng tham gia vào Hội đồng Quản trị. Hai bên từ chối công bố giá trị thương vụ.

Đại diện Vietmoney cho biết hệ thống cầm đồ hoạt động theo mô hình O2O (Online to Offline) được thành lập từ năm 2016, hiện có 16 chi nhánh hoạt động tại TP.HCM, phục vụ hơn 20.000 khách hàng thường xuyên.

Ông Trịnh Văn Phương, nhà sáng lập và CEO của Vietmoney cho biết nguồn vốn đầu tư lần này sẽ giúp Vietmoney đẩy nhanh tốc độ phát triển trong lĩnh vực cầm đồ vốn còn nhiều định kiến tại Việt Nam.

Theo giới thiệu, quỹ đầu tư Probus có trụ sở tại Thụy Sĩ, thuộc Probus Group, là nhà đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp niêm yết và chưa niêm yết tại các thị trường mới nổi với quan điểm đầu tư nắm giữ.

Đáng chú ý, Probus Opportunities đã có hơn 10 năm đầu tư tại Việt Nam với danh mục đầu tư gồm một số doanh nghiệp đã niêm yết như: Công ty Cổ Phần FPT, Công ty Cổ Phần Thế Giới Số (Digiworld). Đối với lĩnh vực cầm đồ Probus hiện là cổ đông lớn của Chuỗi cầm đồ Srisawad tại Thái Lan.

Ảnh:
Chuỗi cầm đồ Viet Money (Vietmoney) công bố hoàn thành vòng gọi vốn Series A từ Quỹ đầu tư Probus Opportunities (Probus) và Digi Ventures (DV). Ảnh:Vietmoney.vn.

Còn danh mục của quỹ đầu tư vốn tư nhân Digi Ventures là các công ty khởi nghiệp trong giai đoạn bắt đầu tăng trưởng; thuộc các lĩnh vực tài chính, hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe và mô hình kinh doanh đã chứng minh được tính khả thi và hiệu quả bằng số liệu.

Ông Marc Sebastien Lavoie, Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư Probus Opportunities, đánh giá cao về tiềm năng phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam nói chung và ngành cầm đồ nói riêng. Trong đó, với hơn 50% dân số Việt Nam nằm ở phân phúc dưới chuẩn cần được tiếp cận các dịch vụ tài chính minh bạch, đảm bảo với chi phí hợp lý hơn. Ở các quốc gia mà Quỹ đầu tư, ngành dịch vụ cầm đồ phát triển khá phổ biến và có nhiều chuỗi quy mô lớn đã hoàn thành IPO. 

Còn ông Nguyễn Hải Khôi, Tổng Giám đốc của Digi Ventures cho biết khoản đầu tư này phù hợp với định hướng của Digi Ventures đầu tư vào các Startup tiềm năng có sản phẩm giúp giải quyết được các bài toán của thị trường, các doanh nghiệp sở hữu những giải pháp mang tính đột phá hoặc có thể lợi thế cạnh tranh bền vững.

Đại diện Vietmoney, cho biết Công ty ghi nhận lợi nhuận từ kết quả kinh doanh trong 3 năm liên tiếp, tỉ lệ nợ quá hạn bình quân luôn thấp hơn 2%. Hiện Vietmoney phát triển theo hướng áp dụng công nghệ vào mô hình cầm đồ truyền thống, trong bối cảnh thị trường cầm đồ phân mảnh đáng kể.

Ảnh: facebook Nguoibanvang

Trong cửa hiệu của PNJ cũng xuất hiện thương hiệu Người bạn vàng, nhận cầm cố nhiều loại tài sản, nhấn mạnh vào phân khúc trang sức, đá quý. Ảnh: facebook Nguoibanvang.

Thị trường cầm đồ trong vài năm gần đây cũng có nhiều sự thay đổi khi xuất hiện nhiều tiệm cầm đồ được đầu tư theo chuỗi. Chẳng hạn như thương hiệu Sawad từ Thái Lan, hay thương hiệu Camdonhanh được quảng cáo là sáng lập bởi quỹ đầu tư John Galt Ventures (Mỹ), hay Đồng Shop Sun (được quảng cáo là có dòng vốn từ nhà đầu tư Nhật). Đáng chú ý là trong cửa hiệu bán hàng của PNJ cũng xuất hiện thương hiệu Người bạn vàng, nhận cầm cố nhiều loại tài sản nhưng nhấn mạnh vào phân khúc trang sức và đá quý.

Dù vậy, nhiều chuyên gia nhận định rằng thị trường cầm đồ hiện vẫn còn khá sơ khai, thị trường phân mảnh với nhiều tiệm cầm đồ nhỏ lẻ truyền thống, đó là chưa kể đến định kiến không tốt về lĩnh vực cho vay ở phân khúc dưới chuẩn ngân hàng.

Doanh nghiệp nội tích cực tìm thêm vốn

Đầu tháng 6 vừa qua, chuỗi cho vay cầm cố tài sản F88 vừa thông báo nhận thêm 140 tỉ đồng trong vòng đầu tư tăng trưởng thứ 3 từ 2 quỹ tài chính quốc tế Mekong Enterprise Fund III (do Mekong Capital tư vấn quản lý) và Granite Oak với định giá xấp xỉ 2.100 tỉ đồng tại thời điểm cuối năm 2019.

Ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty F88, cho biết, khoản đầu tư mới từ 2 cổ đông chiến lược sẽ được sử dụng cho việc mở rộng chuỗi phòng giao dịch của F88 cũng như việc tăng dư nợ cho vay trên 180 phòng giao dịch hiện có. Từ số 11 phòng giao dịch vào tháng 12.2016 khi Mekong Capital đầu tư, đến nay F88 đã có 180 phòng giao dịch.

Ông Simon Wagner, Tổng Giám đốc của Granite Oak, đánh giá, F88 đã là tổ chức hàng đầu tại thị trường Việt Nam về cho vay tiêu dùng có bảo đảm bằng tài sản; vững chắc vươn tới tầm nhìn trở thành chuỗi cửa hàng tiện ích tài chính được tin cậy.

Ảnh:
Chuỗi cầm đồ F88 cũng liên tục gọi vốn và phát hành trái phiếu. Ảnh: TL.

Ngoài nhận được nguồn vốn đầu tư từ 2 quỹ, thời gian qua F88 đã thực hiện phát hành trái phiếu huy động 200 tỉ đồng cho hoạt động kinh doanh cầm đồ. Hệ thống chuỗi cầm đồ F88 thực hiện cho vay cầm cố xe, triển khai các dịch vụ như nạp, thanh toán tiền điện nước, mua bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ và nạp tiền vào ví điện tử

Ông Simon Wagner, Tổng Giám Đốc của Granite Oak, cho biết: “Từ lần đầu rót vốn vào F88 năm 2018, kết quả hoạt động của Công ty đã liên tiếp vượt qua những kỳ vọng của chúng tôi về tăng trưởng, chất lượng danh mục cho vay và khả năng sinh lời. Chúng tôi tiếp tục rót vốn trong vòng đầu tư tăng trưởng này nhằm tìm kiếm thêm cơ hội đầu tư”.

Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ước tính cho vay tiêu dùng không chính thức chiếm khoảng 15-20% tổng dư nợ nền kinh tế (1,16-1,55 triệu tỉ đồng). Cho vay tiêu dùng qua ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 1 triệu tỉ đồng cuối năm 2019, bằng 11,4% tổng dư nợ, ngoài ra các kênh khác chưa có thống kê chính thức. Theo thông lệ, dư nợ cho vay tiêu dùng chính thức vào khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, do đó dư địa sẽ còn khá lớn khoảng 1,5-2 triệu tỉ đồng, chưa kể hằng năm tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng thêm khoảng 14%, thì cho vay tiêu dùng cũng sẽ tăng theo.

 

Ước tính riêng ở Hà Nội hiện có khoảng 1.700 cửa hàng cầm đồ, ở TP.HCM có 2.300 cửa hàng. Ở khu vực miền Nam, các chuỗi cầm đồ khác cũng đang nổi lên với hàng chục cửa hàng như Vietmoney, Camdonhanh.vn hay Người bạn vàng... Mỗi tỉnh, thành phố đều có các cửa hàng cầm đồ rải rác từ thành phố cho tới nông thôn. Theo ước tính của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành năm 2013, dịch vụ cầm đồ nằm trong lĩnh vực tín dụng phi chính thức với quy mô thị trường khoảng 30 tỉ USD.

► Người Thái mở tiệm cầm đồ ở Việt Nam


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới