Hủy
Kinh Doanh

PVN: Độc quyền và yêu sách

Thứ Hai | 21/09/2015 12:30

Tâm lý ỷ lại rất dễ nảy sinh trong các doanh nghiệp Nhà nước khi họ vừa nắm giữ độc quyền thị trường vừa nhận được nhiều ưu đãi từ Chính phủ.
 

Độc quyền thường dẫn đến cạnh tranh không công bằng và kéo giảm động lực của doanh nghiệp trong cải thiện chất lượng, giảm giá sản phẩm dịch vụ. Hệ quả tiêu cực của độc quyền gây ra nhiều thiệt hại cho người tiêu dùng và xã hội.

Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đề xuất Chính phủ hạn chế nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu do lo ngại không thể cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập, một hành động được cho là nhằm bảo vệ lợi nhuận cho Tập đoàn.

Cụ thể, PVN cho rằng vào năm 2017-2018, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn mà PVN là một trong những cổ đông chính sẽ đi vào hoạt động, đưa tổng nguồn cung xăng dầu nội địa mỗi năm lên tới 17.589 nghìn m3, vượt nhu cầu nội địa vào thời điểm đó, khoảng 17.329 nghìn m3. Tính toán này chỉ mới dựa trên công suất của Dung Quất, Nghi Sơn và 4 cơ sở pha chế xăng hiện nay. Nếu một số dự án lọc hóa dầu khác như dự án Vũng Rô (Phú Yên),Victory ở Nhơn Hội (Bình Định) được hoàn thành đúng tiến độ, nguồn cung xăng dầu càng vượt xa nhu cầu, tạo ra áp lực giảm giá trên thị trường và khiến doanh thu của PVN giảm sút.

Các hiệp định kinh tế tự do mà Việt Nam đang đàm phán tham gia cũng yêu cầu giảm thuế suất đối với sản phẩm xăng dầu nhập khẩu, gây bất lợi đến khả năng cạnh tranh và vị thế độc quyền hiện nay của PVN. “Giá bán sản phẩm của lọc dầu Nghi Sơn sẽ cao hơn đối với xăng dầu nhập khẩu nếu áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do”, PVN nói.

Trước viễn cảnh cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt trong các năm tới, PVN đáng lẽ phải nhanh chóng nghĩ đến những chiến lược cạnh tranh mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, cải tiến công nghệ để giảm giá thành sản phẩm; thay vì trông chờ vào chính sách hạn chế nhập khẩu xăng dầu của Nhà nước. Vì vậy, “yêu sách“của PVN chẳng khác nào một cú đấm vào nỗ lực hướng đến thị trường cạnh tranh của Việt Nam, đồng thời gia tăng tâm lý ỷ lại trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mỗi khi gặp khó khăn.

Việc giá xăng dầu trong nước không thể giảm theo quy luật thị trường sẽ khiến các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chịu thiệt hại đầu tiên. Họ sẽ  gặp khó trong việc cạnh tranh về giá với các đối thủ bên ngoài. Túi tiền của người tiêu dùng cũng sẽ bị bòn rút để trở thành các khoản lợi nhuận khủng cho PVN. Tổng thể nền kinh tế, vì vậy, đứng trước nguy cơ thiệt hại nếu Chính phủ thuận theo đề xuất của PVN.

Hơn nữa, nếu chấp nhận đề xuất hạn chế nhập khẩu của PVN, ngân sách nhà nước cũng chịu tác động bất lợi vì các khoản thuế phí liên quan đến các sản phẩm nhập khẩu cũng sẽ giảm theo quy mô hạn ngạch.

Việc đưa ra các chính sách ưu đãi cho PVN cũng đưa Việt Nam vào thế khó ăn nói với các đối tác, thậm chí có thể bị kiện nếu vi phạm các hiệp định thương mại tự do đã ký kết hay các điều khoản về thương mại tự do trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

“Nếu đề xuất này được chấp thuận, đến khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, những quy định đó chắc chắn bị kiện cáo vì đó là cạnh tranh không bình đẳng. Tốt nhất là lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn phải giảm giá thành để cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu”, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói.

Tại Việt Nam, tác động tích cực của thị trường cạnh tranh đối với các doanh nghiệp nhà nước cũng như lợi ích tổng thể nền kinh tế đã thể hiện rất rõ trong trường hợp mở cửa thị trường viễn thông vào thập niên 1990.

Chính sách mở cửa này đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia, phá bỏ vị thế độc quyền trước đó của Tập đoàn Viễn thông Việt Nam (VNPT), tạo nên một thị trường viễn thông sôi động và mang lại những lợi ích lớn. Trong đó, người dân được tiếp cận với các dịch vụ điện thoại có giá hấp dẫn hơn, điện thoại di động không còn là thứ xa xỉ. Còn các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, Mobifone, Vinaphone, vẫn thu được khoản lợi nhuận lớn nhờ không ngừng cải tiến chất lượng dịch vụ, phục vụ khách hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Thực tế, PVN không phải là không có những thuận lợi để giảm giá thành sản phẩm. Khác biệt so với nhiều doanh nghiệp, PVN là doanh nghiệp độc quyền trong nước và nhận được các khoản ưu đãi lớn về vốn, đất đai, thuế…trong thời gian dài. Với vị thế quá lớn của mình, PVN có thể giảm giá thành sản phẩm, cải thiện hiệu quả hoạt động toàn hệ thống nhờ vào tính kinh tế theo quy mô. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thể hiện rõ trong thực tế.

Trong khi liên tục đòi hỏi các chính sách ưu đãi để củng cố vị thế thống trị ngành năng lượng trong nước, PVN lại là một trong những doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành lớn nhất trong khối các doanh nghiệp nhà nước.

Báo cáo tài chính của tập đoàn này vào tháng 6.2014 cho thấy, tổng số tiền đầu tư vào các lĩnh vực tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư lên tới hơn 6.000 tỉ đồng và không phải các khoản đầu tư này đều hiệu quả. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại Ngân hàng OceanBank với giá 0 đồng, khiến 800 tỉ đồng góp vốn của PVN tại ngân hàng này có nguy cơ không thể thu hồi. Nguyên Chủ tịch Tập đoàn PVN, ông Nguyễn Xuân Sơn đang đối diện với các cáo buộc sai phạm trong việc sử dụng vốn nhà nước.

Tâm lý ỷ lại rất dễ nảy sinh trong các doanh nghiệp nhà nước khi họ vừa nắm giữ độc quyền thị trường vừa nhận được nhiều ưu đãi từ Chính phủ. Mới đây 3 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ vị trí độc quyền trong ngành năng lượng là PVN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đồng loạt kiến nghị Chính phủ cho phép tăng giá bán điện với lý do lỗ vì tiền đồng bị mất giá khá nhanh thời gian qua. Ngoài ra, Bộ Tài chính dự kiến sẽ xóa nợ thuế cho một số doanh nghiệp nhà nước trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung với quy mô có thể lên đến 1.000 tỉ đồng. Trong khi ngân sách nhà nước đang gặp vô vàn thách thức thì việc này tiếp tục gây sức ép lớn lên nguồn thu ngân sách trong năm nay.

Sơn Nguyễn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới