Singtel muốn mua cổ phần của MobiFone
Ngày 19/8/2016, đại diện Singtel đã có buổi làm việc với Bộ TT&TT liên quan đến việc cổ phần hóa MobiFone. Ông Oliver Foo, Phó Chủ tịch mảng Phát triển Kinh doanh và Văn phòng của Singtel đã trình bày chiến lược đầu tư nước ngoài và thế mạnh của Singtel. Ông Oliver Foo bày tỏ mong muốn được mua cổ phần và trở thành đối tác chiến lược của MobiFone khi mạng di động này cổ phần hóa.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đã hoan nghênh Singtel khi muốn đầu tư vào MobiFone. Thứ trưởng cho biết, MobiFone là 1 trong 3 mạng di động lớn của Việt Nam. MobiFone cũng là mạng viễn thông đầu tiên của Việt Nam sẽ cổ phần hóa. Sau khi tiến hành định giá MobiFone và lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ TT&TT đã trình phương án cổ phần hóa MobiFone lên Chính phủ.
“Singtel sẽ phải làm việc với MobiFone để nắm tình hình về việc cổ phần hóa, sau đó MobiFone sẽ trình Bộ TT&TT về vấn đề này”, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nói.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2016 của MobiFone, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 của MobiFone là thực hiện cổ phần hóa. MobiFone đã tích cực triển khai cổ phần hóa và tuân thủ đúng pháp luật của nhà nước nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước, cho doanh nghiệp, người lao động và hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ.
Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, mục tiêu cổ phần hóa là để MobiFone phát triển mạnh hơn. Năm 2016 MobiFone phải chủ động triển khai cổ phần hóa sau khi được Chính phủ phê duyệt.
MobiFone đã ký hợp đồng với Công ty Chứng khoán Bản Việt để tư vấn định giá và chuẩn bị cho IPO. Trước đó, MobiFone đã làm việc với đơn vị tư vấn trước đây là Credit Suisse - Thuỵ Sỹ để tiếp tục tư vấn cổ phần hóa cho MobiFone. Tuy nhiên, mức phí tư vấn để tiến hành cổ phần hóa quá cao nên việc thương thảo với Credit Suisse đã không thành.
Bình luận về vấn đề cổ phần hóa MobiFone, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT (nay là Bộ TT&TT) cho biết: “Thị trường viễn thông của chúng ta cạnh tranh và người dân được nhờ. Thế nhưng, về nguyên tắc mà nói thì không nên tổ chức các đơn vị cạnh tranh trong một chủ sở hữu. Nói nôm na là cạnh tranh của Việt Nam như ông bố cho 3 con ra ở riêng. Thậm chí, 3 đứa con ra ở riêng nếu hoàn toàn tự chủ về tài chính thì khác, bố không can thiệp vào tài sản của con nếu cạnh tranh. Đằng này ông bố của chúng ta lại vẫn can thiệp, vẫn làm chủ khối tài sản, vẫn là chủ sở hữu của cả 3 đứa con, vì vậy thị trường chỉ có doanh nghiệp Nhà nước, 1 chủ sở hữu nên phải nói là chưa hoàn chỉnh, cạnh tranh chưa hoàn chỉnh”.
Phát biểu tại Hội nghị 4G ngày 18/8/2016, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cũng nhấn mạnh, hiện thị trường di động Việt Nam vẫn cạnh tranh chưa hoàn chỉnh khi chủ yếu là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp của 1 ông chủ là Nhà nước. Ông Lê Nam Thắng khuyến nghị rằng phải có nhiều thành phần kinh tế tham gia vào thị trường này để tạo ra thị trường cạnh tranh thực sự.
“Trong các chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng ghi rõ là phải tạo điều kiện cho nhiều thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực viễn thông. Vì vậy, cần tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia được vào lĩnh vực này… Khi cấp phép công nghệ mới như 4G có thể xem xét cấp phép thêm cho 1 doanh nghiệp mới để tham gia thị trường này”, nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.
Nguồn ICTNews
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Quảng Định