Sóng ở thị trường đồ uống
Tập đoàn Swire ở Hồng Kông đã đạt các thỏa thuận mua lại mảng kinh doanh của Coca-Cola tại Việt Nam và Campuchia. Ảnh: Quý Hòa
Thị trường đồ uống không cồn nói chung và nước tăng lực nói riêng đang có những chuyển biến mới từ các tay chơi.
Coca-Cola Việt Nam đổi chủ
Theo Reuters, Tập đoàn Swire ở Hồng Kông đã đạt các thỏa thuận mua lại mảng kinh doanh của Coca-Cola tại Việt Nam và Campuchia, với giá hơn 1 tỉ USD. Đây là khoản đầu tư đầu tiên của Swire Coca-Cola vào Đông Nam Á.
Phía Coca-Cola Việt Nam cũng có xác nhận về thương vụ. Quá trình chuyển giao có thể sẽ diễn ra trong quý III năm nay. Theo đại diện Công ty, việc tái cấu trúc này hoàn toàn không ảnh hưởng đến đầu tư, kinh doanh của Coca-Cola Việt Nam.
Coca-Cola Việt Nam đã trải qua 3 lần tái cấu trúc. Lần đầu vào năm 2001 khi Coca-Cola chuyển lên mô hình công ty 100% vốn nước ngoài. Lần 2, năm 2012 Coca-Cola tuyên bố rót 300 triệu USD mở rộng đầu tư tại Việt Nam và bây giờ là chuyển nhượng quyền sở hữu, vận hành cho Swire Coca-Cola.
Theo các báo cáo, Coca-Cola thua lỗ triền miên, đến năm 2015 mới bắt đầu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Coca-Cola đã bán không ít nhà máy tại một số thị trường sản xuất và chỉ kiểm soát chất lượng, thương hiệu, quảng cáo, truyền thông để đảm bảo tính nhất quán trên toàn cầu. Với các đặc điểm này, theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, sẽ không ngạc nhiên khi Coca-Cola Việt Nam có chủ mới.
Swire Coca-Cola hiện là nhà đóng chai Coca-Cola lớn thứ 5 trên thế giới khi sản xuất hơn 60 nhãn hiệu và phân phối đến 760 triệu khách hàng. Swire còn là chủ sở hữu của hãng hàng không Cathay Pacific và tham gia vào nhiều lĩnh vực khác như logistics, kho lạnh, dịch vụ... Với vị thế này của Swire, sự đổi chủ của Coca-Cola Việt Nam có thể tạo ra những diễn biến mới trong thị trường đồ uống Việt Nam.
Cuộc đua nước uống tăng lực
Thị trường nước giải khát không cồn của Việt Nam trong suốt thời gian dài được thống lĩnh bởi bộ 3 Suntory Pepsi và URC, Coca-Cola, vượt trội hơn các công ty nội địa như Tân Hiệp Phát, Masan. Tuy nhiên, các tay chơi vẫn không ngừng tiến lên, bởi tiêu thụ nước giải khát của Việt Nam đang khá thấp, chỉ 23 lít/người/năm so với mức trung bình thế giới là 40 lít/người/năm, theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam. Ngành này cũng tăng trưởng trung bình 6-7%/năm trong khi tại các thị trường như Pháp, Nhật chỉ kỳ vọng đạt 2%/năm.
Đặc biệt, dù không phải vị thế đứng đầu nhưng nước uống tăng lực thu hút nhiều gương mặt cả trong lẫn ngoài nước tham gia và chứng kiến nhiều cuộc chạy đua. TCP, chủ sở hữu thương hiệu nước tăng lực Red Bull và Warrior, dự kiến 3 năm tới sẽ ra mắt 10 sản phẩm mới, tập trung vào dòng sản phẩm sức khỏe và đầu tư khoảng 340 triệu USD cho các thị trường. Với khoản đầu tư này, ông Saravoot Yoovidhya, Tổng Giám đốc TCP, cho biết: “Công ty đặt mục tiêu tăng doanh thu hằng năm lên gấp đôi, đạt 2,5 tỉ USD vào năm 2024 và hướng đến phát triển bền vững”.
Hay Hansen (Mỹ) với nước uống Monster Energy, Coca-Cola với sản phẩm Coca-Cola Energy và Samurai, PepsiCo với Rockstar và Sting, Tân Hiệp Phát với Number 1, Masan với Wake-up 247 hay Taisho (Nhật) với Lipovitan… cũng đã có những hoạt động đầu tư, củng cố vị thế trên thị trường.
Nhiều gương mặt mới như Compact Cherry, Night Wolf... cũng tìm cách chen chân. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất nước tăng lực không chỉ cạnh tranh mạnh mẽ với nhiều đối thủ cùng phân khúc mà còn phải cạnh tranh với những phân khúc khác. Theo vtown.vn, người tiêu dùng đang ưu ái nhất là trà, chiếm gần 37% thị phần. Kế đến là nước ngọt có ga. Nước tăng lực chỉ đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng lựa chọn. Nước tăng lực cũng phải đương đầu với sự lớn mạnh của dòng nước uống cà phê. Theo dự đoán của Statista, giai đoạn 2021-2025, cà phê có thể sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép 8,28%/năm.
Ảnh: Quý Hòa |
Bên cạnh quan tâm đến hương vị và sức khỏe, người tiêu dùng ngày càng khó tính trong lựa chọn mức độ thân thiện môi trường của sản phẩm, tính mỹ thuật, chất lượng bao bì, nội dung quảng bá… Đây sẽ là những tiêu chí sàng lọc trên thị trường nước giải khát nói chung và nước tăng lực nói riêng. Ngoài ra, nước uống tăng lực được xem là phân khúc bị làm nhái, làm giả rất nhiều.
Dù vậy, với nhu cầu tập luyện thể thao và chú ý đến sức khỏe hơn sau dịch COVID-19, với triển vọng của ngành đồ uống bổ sung năng lượng toàn cầu định giá khoảng 6,67 tỉ USD vào năm 2026, theo Business Wire, những công ty nào có khả năng nghiên cứu thị trường, có tiềm lực đầu tư để phát triển các sản phẩm thức uống năng lượng mới thì sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ