Hủy
Kinh Doanh

Thị trường gạo thế giới tuần 21-25/7

Chủ Nhật | 27/07/2014 08:44

Kết thúc tuần 21-25/7/2014, Chỉ số giá gạo trắng xuất khẩu trung bình toàn cầu đạt 480 USD/tấn, tăng 7 USD/tấn so với tuần trước.
 

Giá gạo xuất khẩu gạo của Nam Mỹ vẫn cao hơn giá gạo châu Á 200 USD/tấn. Giá gạo Thái Lan vẫn được chào với mức thấp nhất trong số các nước châu Á, nhưng dường như mức giá này đã chạm đáy.

Thái Lan
Gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán với giá 435 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với tuần trước và tăng 50 USD/tấn so với tháng trước, nhưng giảm 30 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng lúa của Thái Lan năm 2013-2014 có thể giảm xuống 34 triệu tấn, giảm 10% so với năm 2012-2013, do khô hạn và chương trình trợ giá lúa gạo đã kết thúc. Đây sẽ là sản lượng lúa thấp nhất trong 5 năm qua.

Bộ Thương mại Thái Lan sẽ xin Ủy ban Chính sách Lúa gạo cấp phép bán gạo trở lại từ tháng 8/2014. Bộ này dự định bán khoảng 500.000 tấn gạo mỗi tháng thông qua đấu giá, thỏa thuận liên chính phủ (G2G) và Sàn giao dịch Nông nghiệp Tương lai Thái Lan (AFET).

Theo các nguồn tin trong nước, NCPO đã thông qua kế hoạch bán gạo dự trữ trong 3 năm tới.

Hiệp hội người trồng lúa Thái Lan đã đệ trình lên Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia (NCPO) đề xuất tăng giá lúa từ 7.000 baht (220USD)/tấn lên 10.000-12.000 baht (314-376USD)/tấn, do chi phí sản xuất gia tăng, theo các nguồn tin trong nước.

Ấn Độ

Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ được chào bán với giá 440 USD/tấn, không đổi so với tuần trước, tăng 5% so với tháng trước, nhưng giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến tuần trước, lượng mưa tại Ấn Độ thấp hơn mức trung bình 35% kể từ đầu mùa mưa (tháng 6 – tháng 9), khiến diện tích gieo cấy lúa vụ kharif tính đến 25/7 giảm 16%. Đến nay, Ấn Độ mới gieo cấy được 16,571 triệu ha lúa, giảm so với 19,638 triệu ha cùng kỳ năm ngoái. Mùa mưa năm nay tại Ấn Độ yếu kém hơn mọi năm có thể là cơ hội cho các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan với hy vọng người mua sẽ trả giá cao hơn cho gạo Thái Lan nếu thiếu nguồn cung từ Ấn Độ.

Việt Nam

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam thời điểm kết thúc tuần 7-11/7/2014 đạt 455 USD/tấn, tăng 20 USD/tấn so với tuần trước, tăng 45 USD/tấn so với tháng trước và tăng 60 USD so với cùng kỳ năm 2013.

Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ 1-17/7, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,26 triệu tấn, giảm 20% so với 4,1 triệu tấn từ tháng 1-tháng 7/2013. Giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 432 USD/tấn (FOB), tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

FAO ước tính xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2014 đạt 7 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2013.

Pakistan

Gạo 5% tấm Pakistan được chào bán với giá 440 USD/tấn, không đổi so với tuần trước đó, nhưng giảm 5 USD/tấn so với tháng trước trong khi tăng 15 USD/tấn so với năm ngoái.

Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Pakistan (SUPARCO) ước tính sản lượng gạo của nước này năm tài khóa 2013-2014 (tháng 7/2013 – tháng 6/2014) đạt 7,1 triệu tấn, diện tích gieo cấy 2,879 triệu ha.

Năm tài khóa 2013-2014, Pakistan xuất khẩu 3,16 triệu tấn gạo, giảm 7% so với năm 2012-2013, theo số liệu của Văn phòng Thống kê Pakistan.

Trung và Nam Mỹ

Chỉ số giá lúa Brazil do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế ứng dụng (CEPEA) theo dõi đạt 35,93 real/50kg tính đến 21/7/2014, giảm 0,4% so với 36,03 real/50kg ghi nhận ngày 14/7/2014.

Tính theo USD, chỉ số này đạt 323 USD/tấn ngày 21/7/2014, giảm 0,6% so với 325 USD/tấn ngày 14/7/2014.

Giá gạo 5% tấm của Uruguay và Argentina đạt 625 USD/tấn, không đổi so với tuần trước, tháng trước và năm ngoái.
FAO ước tính sản lượng lúa các nước Trung Mỹ năm 2014 tăng lên 574.000 tấn, tăng nhẹ so với 571.600 tấn năm 2013.

Mỹ

Gạo 4% tấm của Mỹ thời điểm kết thúc tuần 25/7/2014 có giá 555 USD/tấn, không đổi so với tuần trước, nhưng giảm 20 USD/tấn so với tháng trước và giảm 50 USD/tấn so với năm ngoái.

Giá gạo giao tháng 9 trên sàn CBOT không biến động nhiều trong tuần này, khởi đầu tuần ở mức 13,070 USD/cwt (1 cwt ≈ 45,36 kg), tương đương 288 USD/tấn trước khi tăng lên 13,255 USD/cwt (292 USD/tấn) vào hôm thứ 4. Đóng phiên hôm thứ 6, giá giảm xuống 12,950 USD/cwt (285,5 USD/tấn), bất chấp tin vui từ Phố Wall khi S&P 500 đạt kỷ lục.

Giá gạo vụ trước giao tháng 7-tháng 8 tại trại (FOB) khởi đầu tuần với 15 USD/cwt, tương đương 331 USD/tấn, trước khi tăng lên 15,25 USD/cwt (336 USD/tấn) vào cuối tuần, nhưng nhiều người bán vẫn hy vọng bán ra với giá 16 USD/wct, tương đương 355 USD/tấn.

Với việc Hàn Quốc quyết định tự do hóa thị trường gạo từ 1/1/2015, các nhà xuất khẩu gạo của Mỹ có thể bị mất thị phần tại thị trường gạo Hàn Quốc khi nước này quyết định mở cửa thị trường nhập khẩu gạo.

Trong khuôn khổ Hiệp định tiếp cận thị trường tối thiểu (MMA), các nhà xuất khẩu gạo của Mỹ có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận thị trường Hàn Quốc khi nước này đồng ý mua ít nhất 50.076 tấn gạo từ Mỹ trong 10 năm tới, cho đến năm 2014.
Tuy nhiên, khi Hiệp định MMA hết hiệu lực, quan điểm của Hàn Quốc về nhập khẩu gạo từ Mỹ hiện chưa rõ ràng khi không còn phải mua gạo theo hạn ngạch MMA nữa. Hơn nữa, thị trường Hàn Quốc không còn trao cho Mỹ quyền tiếp cận nữa theo Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ-Hàn.

Các thị trường khác

Gạo 5% tấm của Campuchia được chào với giá 455 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với tuần trước và tháng trước.

Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) sẽ nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo trong năm 2014 để đảm bảo lượng dự trữ quốc gia sau khi bão Rammasun (Glenda) đổ bộ vào nước này hôm 15/7. Theo các nguồn tin trong nước, bão Rammasun đã gây thiệt hại cho 16.553ha lúa, gây tổn thất 1,008 tỷ peso (23 triệu USD).

Trong khi đó, Cựu thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines (DA) đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo của chính phủ nước này sau khi đã nhập 800.000 tấn.

Ông này cho đây là “động thái mang động cơ chính trị” và là dấu hiệu “nghi ngờ” người trồng lúa trong nước. Ông này cho rằng việc nhập khẩu gạo trước vụ thu hoạch vào tháng 9 sẽ làm tăng gánh nặng kinh tế đối với nông dân.

6 tháng đầu năm 2014, giá gạo trung bình trong nước Philippines đã đạt mức cao nhất kể từ 1/2011. Bên cạnh đó, các nhóm tiêu dùng đã cảnh báo NFA về hàm lượng chất độc hại trong gạo nhập khẩu và đề cập đến quy định mới của Ủy ban Codex về hàm lượng asen tối đa trong gạo là 0,2 milligram asen/1 kg gạo.

Bộ Thương mại Iraq đã tái mở thầu mua 30.000 tấn gạo từ Argentina, Brazil, Thái Lan, Việt Nam, Uruguay và Mỹ sau khi phiên thầu hôm 9/6 thất bại.

Nguồn Theo DVO/Gafin


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới