Thời của quỹ đầu tư trái phiếu
Qua 8 tháng, giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường đạt trên 20.600 tỉ đồng/phiên, gấp 3,2 lần cả năm 2020. Ảnh: TL
Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital (VCFM), thành viên của VinaCapital, vừa ra mắt Quỹ Đầu tư Trái phiếu Thanh khoản VinaCapital (VinaCapital Liquidity Bond Fund - VLBF). Đây là mô hình quỹ mở, chuyên đầu tư vào chứng khoán và công cụ của thị trường tiền tệ như tài sản thu nhập cố định, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu doanh nghiệp...
Theo VinaCapital, lợi nhuận kỳ vọng của VLBF có thể đạt 4,4%/năm. Nhà đầu tư rót tiền vào VLBF có thể giao dịch hằng ngày và khi cần rút ra sẽ không bị mất lãi như rút tiết kiệm trước hạn. Ông Brook Taylor, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, tin rằng, sự ra đời của VLBF đáp ứng kịp thời nhu cầu đầu tư đa dạng của khách hàng, nhất là khi lãi gửi tiết kiệm không đủ thu hút.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đang ở mức thấp. Chẳng hạn, lãi tiền gửi bằng VND bình quân của các ngân hàng chỉ từ 3,3-3,5%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Còn từ 6-12 tháng là trong mức 4,2-5,7%/năm. Với mức lãi suất như vậy, người dân có xu hướng dịch chuyển tiền nhàn rỗi sang các kênh đầu tư khác. Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng nhóm Phân tích chiến lược, Công ty Chứng khoán KIS, cho rằng: “Chứng khoán là ngành ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và vẫn liên tục hoạt động”.
Qua 8 tháng, giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường đạt trên 20.600 tỉ đồng/phiên, gấp 3,2 lần cả năm 2020. Hàng loạt nhà đầu tư đã nhảy vào thị trường chứng khoán, với số tài khoản mở mới lên trên 840.000 tài khoản, gấp hơn 2 lần cả năm 2020. Sắp tới, các chuyên gia dự đoán, chứng khoán sẽ tiếp tục là kênh thu hút dòng tiền.
Xét riêng trái phiếu, mức độ sôi động cũng không kém. Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là 168.702 tỉ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành chiếm tới 40,2% tổng khối lượng phát hành. Tính theo ngành, nhóm bất động sản chiếm đến 43% tổng giá trị phát hành, kế đến ngân hàng (30%). Sang quý III/2021, các chuyên gia cũng nhận định, nhu cầu trái phiếu doanh nghiệp vẫn cao với lãi suất khó giảm.
Hiện tại, hầu hết các quỹ đầu tư đều lập quỹ đầu tư vào trái phiếu. Trước VLBF, VinaCapital đã lập Quỹ Đầu tư Trái phiếu Bảo Thịnh VinaWealth (VFF). Hay Quỹ Đầu tư Cân bằng Tuệ Sáng VinaCapital (VIBF) trong 6 tháng đầu năm cũng dành gần 55% tổng tài sản rót vào trái phiếu, các tài sản có thu nhập cố định và tiền. VIBF đã cùng với ETF VinaCapital VN100 và VEOF trở thành 1 trong 3 quỹ ở VinaCapital hoạt động tốt nhất.
Riêng Dragon Capital cũng lập quỹ trái phiếu từ sớm như Quỹ Đầu tư Trái phiếu DC (DCBF) với tỉ trọng đầu tư vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh, trái phiếu địa phương, giấy tờ có giá lên tới 80% giá trị tài sản của quỹ. Ngoài ra, Dragon Capital cũng đang quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Năng động DC (tên cũ VF1, mã DCDS) vừa đầu tư cổ phiếu lẫn trái phiếu, cho hiệu quả đầu tư trong nhóm dẫn đầu thị trường (tăng trung bình 2 năm là 58,5%).
Quỹ Đầu tư Trái phiếu TCBF của Techcombank Group hiện đạt quy mô lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Quý Hoà |
Tháng 5/2021, Dragon Capital đã lập Quỹ Đầu tư Trái phiếu gia tăng thu nhập cố định DC (DCIP) với mục đích đầu tư ngắn hạn (dưới 1 năm) vào những tài sản có tính phòng vệ như trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi... Chiến lược đầu tư của quỹ hưu trí, mới lập đầu năm nay như Quỹ Vĩnh An, Phúc An cũng chủ yếu rót vào trái phiếu hoặc chứng chỉ quỹ của các quỹ trái phiếu... Riêng Quỹ Hưu trí Thịnh An của Dragon Capital cũng đặt mục tiêu đầu tư tối thiếu 50% tài sản vào trái phiếu/quỹ trái phiếu.
Vượt lên tất cả, Quỹ Đầu tư Trái phiếu TCBF của Techcombank Group hiện đạt quy mô lớn nhất Việt Nam với giá trị tài sản ròng (NAV) ngày 20/9/2021 là 25.273 tỉ đồng, thu hút hơn 62.000 khách hàng. Mục tiêu của quỹ là tạo ra lợi tức kỳ vọng 8%/năm. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể kiếm lời từ bán lại chứng chỉ quỹ.
Theo FiinGroup, so sánh với các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia hay Thái Lan, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn mới phát triển khi sự tham gia của các nhà đầu tư như các công ty bảo hiểm, quỹ trái phiếu hay đặc biệt là quỹ hưu trí vẫn còn hạn chế.
“Chúng ta còn nhiều tiềm năng để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định. Trong bối cảnh dịch bệnh, khó khăn tiếp cận vốn, một số doanh nghiệp đã quay sang thị trường trái phiếu và chấp nhận mức lãi suất cao hơn để phát hành thành công.
Tuy nhiên, với tính chất rủi ro cao hơn, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đầu tư vào quỹ trái phiếu không phải không có rủi ro, nhất là khi đầu tư ngắn hạn (1-3 tháng). Bởi khi ấy, lãi suất biến động và việc bán lại chứng chỉ quỹ sẽ bị tính phí. Để không mất phí lại được hưởng lợi suất tốt nhất, theo ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), nhà đầu tư nên tham gia dài hạn, để không mất phí bán lại cũng như được lợi suất tốt nhất.
Về phía các công ty tạo uy tín, sức hút bằng chiến lược đầu tư hiệu quả, sự đa dạng của sản phẩm, tính thanh khoản cao, phí giao dịch thấp... Đặc biệt, như TCBF còn hưởng lợi thế nhờ những mối quan hệ mà Techcombank có được với Vingroup, Masan... trong quá trình hợp tác phát hành, phân phối trái phiếu.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn