Thừng ngoại trói thừng nội
Mới đây, một doanh nghiệp chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đã làm giới đầu tư xôn xao. Họ xôn xao không chỉ vì ngành nghề kinh doanh độc đáo, mà còn bởi kết quả kinh doanh rất tiềm năng của một thị trường ít ai biết đến là sản xuất dây thừng cho đánh bắt thủy sản.
Cái tên được nhắc đến chính là Siam Brothers Việt Nam, được thành lập năm 1995 với 100% vốn đầu tư từ Siam Brothers Group (Thái Lan), đơn vị đã hoạt động gần 5 thập niên về sản xuất dây thừng, lưới đánh cá, vận tải biển, xây dựng, công nghiệp và nông nghiệp. Có mặt tại Việt Nam 20 năm, hệ thống 22 nhà phân phối và 600 cửa hàng bán lẻ của Siam Brothers Việt Nam đã giành được 30% thị trường các loại dây nói chung và chiếm 1/2 thị phần dây thừng dành cho ngành thủy sản. Ba nhà máy của Công ty có công suất 6.500-8.000 tấn/năm, trong đó 90% sản phẩm tiêu thụ trong nước, phần còn lại xuất khẩu sang Nhật, Indonesia, Malaysia và Na Uy. Doanh thu của Siam Brothers Việt Nam năm 2015 là 462 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 85 tỉ đồng. Chỉ số lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) cũng gây sửng sốt cho giới đầu tư khi đạt 5.047 đồng/cổ phiếu vào năm 2015 (cao hơn cả EPS của cổ phiếu GAS là 4.370 đồng).
Đứng thứ 2 trên thị trường dây thừng phục vụ đánh cá cũng là một doanh nghiệp nước ngoài là Penro Việt Nam, được chuyển nhượng dây chuyền sản xuất từ Malaysia, có công suất 5.000 tấn/năm, chia đều tỉ trọng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Rất nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đang tiếp tục gia nhập ngành này vì tiềm năng lợi nhuận còn cao.
Dây chuyền sản xuất của Siam Brothers Việt Nam. Ảnh: siambrothersvn.com |
Theo Tổng cục Thống kê, ngành thủy sản đã đóng góp 3,17% GDP năm 2015, với sản lượng hơn 6,56 triệu tấn. Việt Nam hiện có hơn 30.000 tàu đánh bắt xa bờ, chiếm 27% số lượng tàu thuyền của cả nước. Có thể thấy, thị trường này có nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngư cụ. Tuy nhiên, mảng sản xuất dây thừng cho đánh cá đã hoàn toàn rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài khi số lượng công ty Việt Nam có tên tuổi trên thị trường chỉ đếm được trên đầu ngón tay như Đại Minh, Dây sợi Rồng Á Châu, Hòa Lan... Riêng sản phẩm dây thừng của Siam Brothers Việt Nam đang chiếm thị phần ở Việt Nam với khoảng 80%, còn gần 20% thị trường được nắm giữ bởi một đối thủ khác.
“Đầu tư vào ngành này không khó, lợi nhuận cao, nhưng tôi vẫn muốn hướng đến xuất khẩu hơn thị trường nội địa”, bà Nguyễn Thị Việt Hòa, Giám đốc Công ty Dây sợi Rồng Á Châu, cho biết. Theo bà Hòa, bán dây thừng trong nước đa phần theo hình thức bán lẻ, công nợ lâu, khó đòi, trái với khả năng thanh toán hợp đồng đúng hạn của khách hàng nhập khẩu.
Không chỉ công ty của bà Hòa, từ năm 2015 đến nay là giai đoạn sóng gió của ngành thủy sản, bên cạnh những khó khăn khác của ngành đã có trước đó như ô nhiễm môi trường, tranh chấp ngư trường và chính sách không khuyến khích đầu tư đánh bắt xa bờ làm nhiều doanh nghiệp trong ngành ngư cụ, dây thừng buộc phải tìm đường xuất khẩu.
Các doanh nghiệp Việt thử sức với ngành này cũng chỉ xác định dây thừng là một phần trong dây chuyền sản xuất tích hợp bên cạnh các sản phẩm khác, chứ không dám mạnh tay đầu tư. Công ty Cổ phần Nhựa 04, đơn vị có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành bao bì, mới đây cũng thử nghiệm sản xuất dây thừng. Song, theo ông Lâm Việt Trung, Tổng Giám đốc Công ty, dây thừng là sản phẩm được sử dụng trong điều kiện khá khắc nghiệt (sử dụng ngoài trời, phơi sương, ngâm nước biển...).
Do đó, ngư dân chuộng những sản phẩm quen thuộc có độ bền cao như Con Gà, Hải Mã, Con Cá... của các thương hiệu nước ngoài. Thị phần mà các doanh nghiệp Việt đang nắm giữ là phân khúc trung cấp, sử dụng máy móc giá rẻ và tận dụng phế liệu để sản xuất. Nếu muốn cạnh tranh về chất lượng, các doanh nghiệp buộc phải đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, xác định đầu tư trong hàng chục năm mới có thể đuổi kịp đối thủ nước ngoài.
Hai yếu tố dễ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh dây thừng là biến động giá nguyên vật liệu và biến động tỉ giá. Chiếm đến 70% chi phí giá vốn, mọi biến động giá xăng dầu, giá nguyên liệu nhựa nhập khẩu, sự lên xuống của tỉ giá... đều tác động đến quá trình sản xuất, tiến độ và chất lượng của sản phẩm. Kiểm soát được bài toán này hiện vẫn là vấn đề nan giải với doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ.
Hãy quay lại với tên tuổi đang dẫn đầu thị trường. Nếu kế hoạch IPO thành công, Siam Brothers Việt Nam sẽ phát hành 4,2 triệu cổ phần ở mức giá bán dự kiến 33.000 đồng. Ngoài IPO, khoảng 9,7% vốn của Siam Brothers Việt Nam đang được hoàn tất thủ tục để chuyển nhượng cho quỹ thành viên của Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư Việt Nam từ một cổ đông lớn của Siam Brothers. Theo kế hoạch kinh doanh năm 2016-2020, nguồn vốn huy động từ IPO sẽ được đầu tư xây dựng nhà máy số 4 (khoảng 60 tỉ đồng), nâng tổng công suất của Công ty lên 13.000 tấn/năm và đẩy doanh thu tăng trưởng trên 25%.
Trước những biến động khó lường của thị trường trong nước, một số nguồn tin cho biết, Siam Brothers Việt Nam đang tăng cường thị trường xuất khẩu, nâng tỉ trọng sản phẩm xuất khẩu đạt 25% thay vì 10% như hiện tại. Mảng thương mại đem về 9% doanh thu sẽ được đẩy mạnh qua hệ thống phân phối các mặt hàng ngư cụ như đèn đánh cá, sơn, phao, găng tay...
Rõ ràng, với những kế hoạch kinh doanh bài bản và đầu tư lớn, các thương hiệu nước ngoài ngày càng gây sức ép lên doanh nghiệp Việt trong ngành sản xuất dây thừng.
Hoàng Anh
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
-
Minh Đức