Hủy
Kinh Doanh

Tìm cơ hội cho hạt giống nội

Thứ Ba | 28/06/2016 08:30

 
 
Dù là lĩnh vực cực kỳ quan trọng với tổng trị giá tỷ đô, chỉ có 5-6 doanh nghiệp Việt Nam đặt chân vào hoạt động lai tạo giống.

Cây giống, hạt giống là đầu vào không thể thiếu của ngành trồng trọt. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, Việt Nam luôn phải nhập khẩu hàng tỉ USD cho mặt hàng này. Dựa trên tốc độ tăng trưởng trung bình 2 con số của toàn ngành, dự báo đến năm 2020, quy mô thị trường giống cây trồng ở Việt Nam có thể đạt tới 1,7 tỉ USD. Nhu cầu sử dụng giống hàng hóa ước tăng lên hơn gấp đôi, chiếm khoảng 70% diện tích trồng trọt trong vòng 5 năm tới.

Đây chính là mảnh đất màu mỡ để nhiều tập đoàn nông nghiệp đa quốc gia như Monsanto (Mỹ), C.P Group (Thái Lan), Syngenta (Thụy Sĩ), Vilmorin (Pháp), East West (Hà Lan), Bayer CropScience (Đức), Takii, Sakata (Nhật)... tăng cường sự hiện diện. Sản phẩm nước ngoài đã gần như chiếm lĩnh thị trường giống cây trồng nội địa. Ngay ở mảng lúa giống, vốn được xem là lĩnh vực doanh nghiệp trong nước có thể tham gia, Việt Nam cũng chỉ đáp ứng được 33% nhu cầu, theo số liệu từ Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thực tế, nghiên cứu, sáng tạo các loại giống cây trồng hiệu quả, cho năng suất cao là công việc đòi hỏi nhiều công sức, thời gian, tiền của. Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết: “Để lai tạo ra 1 giống mới, ít nhất cũng mất vài năm. Có loại như xoài, thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, tạo giống lên đến 17-20 năm”. Đó là lý do vì sao trong số khoảng 260 doanh nghiệp tham gia vào ngành giống cây trồng, chỉ 5-6 doanh nghiệp đặt chân vào lĩnh vực lai tạo giống. Có thể kể đến Công ty Giống cây trồng Miền Nam (SSC), Công ty Giống cây trồng Trung Ương (Vinaseed - NSC), Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình (Thái Bình Seed), Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ, Công ty Giống cây trồng An Giang, Tập đoàn Lộc Trời.

Vinaseed, Thái Bình Seed giữ thị phần lớn ở khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, trong khi SSC và Lộc Trời lại chiếm thị phần lớn phía Nam. Các công ty này cung cấp nhiều loại giống cây trồng khác nhau nhưng vẫn chủ yếu cung cấp giống lúa và bắp.

Chẳng hạn, Vinaseed đang đáp ứng 15% thị phần giống lúa, 10% thị phần giống bắp. Công ty có kế hoạch tăng con số thị phần này lên 18% toàn ngành và mở rộng thị trường miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên cũng như xuất khẩu. Bởi lẽ, Vinaseed giờ đã nắm trong tay 3 công ty con từ Bắc vào Nam là Công ty Giống cây trồng Hà Tây, Công ty Giống Nông Lâm nghiệp Quảng Nam và mới đây nhất là SSC.

SSC cũng nắm trong tay 10% thị phần giống bắp. Trong cơ cấu doanh thu năm 2015, hạt giống bắp đóng góp lớn nhất, kế đó là giống lúa. Các loại hạt giống rau, đậu... chỉ góp khoảng 15% trong tổng doanh thu gần 600 tỉ đồng của SSC.

Tim co hoi cho hat giong noi
Sản xuất giống rau quả tại Trung tâm Giống rau hoa của SSC tại huyện Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: sggp.org.vn

Có thể thấy, các doanh nghiệp đang cố gắng chuyển đổi để theo kịp các đòi hỏi thực tế và nắm bắt các cơ hội. Một trong những thay đổi đáng chú ý là Vinaseed, SSC và các công ty khác đều đặt mục tiêu tăng sản phẩm hàm lượng khoa học công nghệ cao. Điển hình năm 2015, hàm lượng sản phẩm khoa học công nghệ cao tại Vinaseed chiếm đến 60%. Nhờ đó, biên lợi nhuận gộp của các công ty giống cây trồng đạt tới 30-40%.

Vinaseed, SSC còn xây dựng được hệ thống hàng ngàn đại lý khắp cả nước.  Vì thế, theo báo cáo thường niên năm 2015, giai đoạn 2011-2015, Vinaseed đã đạt tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận sau thuế trung bình 38-39%/năm. Đến nay, quy mô doanh thu của Vinaseed đã đạt hơn 1.300 tỉ đồng.

Tuy nhiên, nếu so về năng lực cạnh tranh với nước ngoài, các doanh nghiệp giống cây trồng của Việt Nam chưa đủ sức đối đầu cũng như chưa thể giành thế chủ động hoàn toàn. Bằng chứng là 70% lúa lai ở miền Bắc vẫn phải nhập khẩu và Vinaseed đang tham gia phân phối giống lúa lai nhập từ Trung Quốc. Hay SSC từng tham gia phân phối sản phẩm lúa lai cho Dekalb (thuộc Monsanto). Nhưng hiện tại, theo thông tin từ ông Đỗ Bá Vọng, thành viên Hội đồng Quản trị SSC, Công ty đã ngừng phân phối cho Dekalb do chi phí cao, lợi nhuận thấp.

Tim co hoi cho hat giong noi
 

Tham gia nhập khẩu giống cây trồng là lựa chọn của hầu hết các công ty trong ngành này. Đây là lựa chọn phù hợp bởi như chia sẻ của ông Võ Tòng Xuân, nhiều loại giống, nhập khẩu rẻ hơn tự làm. Ngoài ra, so về chất lượng, giống Việt Nam khó bì.

Lý do thì rất nhiều nhưng nổi bật ở 3 điểm: mất thời gian, tốn kém và Việt Nam thiếu nhân lực đủ khả năng thực hiện. Rất ít người dấn bước vào khoa học nghiên cứu lai tạo giống nên Vinaseed cũng chỉ có thể quy tụ được 8 chuyên gia đầu ngành trong mảng này. Riêng về vốn đầu tư cho cơ sở vật chất, thí nghiệm, thử nghiệm giống mới thường đòi hỏi hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng, quá sức so với quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng của phần lớn doanh nghiệp giống cây trồng.

Vì thế, việc lai tạo giống mới ở Việt Nam thường gặp nhiều gian nan. Suốt 3 năm (2013-2015), nhận thấy tiềm năng thị trường hạt giống rau, SSC đã bước chân vào nghiên cứu lai tạo. Tuy nhiên, đến nay, sau khảo nghiệm 12 giống rau tự lai tạo, SSC vẫn chưa thể đưa vào kinh doanh giống rau nào do chất lượng chưa tốt. Các doanh nghiệp đã tự lượng sức khi lai tạo những giống lúa, giống ngô mà mình có thế mạnh. Các bước tiến công sang giống rau, quả, hoa... đều thận trọng. Nhưng cả khi như thế, ông Võ Tòng Xuân cho rằng, đó chưa phải là hướng phát triển bền vững.

Để đứng vững trong một ngành đã bị lệ thuộc vào hàng ngoại nhập, các doanh nghiệp cần tính đến xây dựng những ngân hàng giống tốt của Việt Nam. Những giống cây trồng mang nét đặc trưng, riêng biệt vùng miền, cho chất lượng, mùi vị đặc biệt rất cần được bảo quản, lưu giữ cũng như đăng ký bản quyền để tránh bị đánh cắp. Một khi có được trong tay những giống cây trồng địa phương độc quyền, các công ty có thể lai tạo thêm, nhân giống, bán ra cho nông dân và cả xuất khẩu.

Ngọc Thủy


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới