Bảo vệ vs bảo hộ
Việt Nam đã có 30 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra (tính đến ngày 10/2024). Ảnh: shutterstock.com
Giá mía niên vụ 2019-2020 tại Thái Lan là 36 USD/tấn, trong khi cứ 10 kg mía sản xuất được 1 kg đường. Do vậy, người Thái cần bán đường với giá thấp nhất là 360 USD/tấn mới hòa vốn, chưa tính các chi phí liên quan khác. Tuy nhiên, giá CIF (tiền hàng, bảo hiểm, cước phí) của đường Thái Lan tại cảng Việt Nam là 334 USD/tấn, thấp hơn cả giá thành sản xuất.
Nhắc tới dữ liệu thời điểm 4 năm trước, ông Trần Vĩnh Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cho biết mức giá không tưởng cộng với việc giảm thuế mặt hàng đường có xuất xứ từ các nước ASEAN (theo Hiệp định ATIGA) từ ngày 1/1/2020, khiến đường ngoại ồ ạt tràn vào nội địa. “Chết lâm sàng. Ngành đường đứng trên bờ vực phá sản”, ông nhớ lại.
Thế nhưng, ngay sau khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, theo đại diện VSSA, ngành đường trong nước có sản lượng tăng 4 vụ liên tiếp. Giá mía niên vụ 2023-2024 đạt khoảng 50 USD/tấn (thu mua tại ruộng), tăng 152% so với niên vụ 2020-2021, kéo theo diện tích trồng mía tăng. Cũng trong niên vụ 2023-2034, lần đầu tiên Việt Nam đạt mức năng suất 6,8 tấn đường/ha, dẫn đầu khu vực ASEAN. “Ngành mía đường Việt Nam đã thoát khỏi cuộc tàn sát khốc liệt nhờ các biện pháp phòng vệ thương mại”, ông Chung nói.
Không chỉ có mía đường hưởng lợi, nhiều ngành sản xuất trong nước cũng thoát cảnh bị hàng ngoại lấn át ngay trên sân nhà khi các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng như trong vụ việc AD04 (thép phủ màu); AD09 (bột ngọt); AD12 (thép hình chữ H)…
Hiện ngành thép đã được Bộ Công Thương khởi xướng điều tra tổng cộng 12 vụ việc. Trả lời NCĐT, ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết sau khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, tình hình sản xuất của doanh nghiệp nội cải thiện đáng kể. Việt Nam đã đứng thứ 12 thế giới về sản xuất thép thô và đứng đầu khu vực ASEAN về sản xuất, tiêu thụ thép.
Việt Nam đã có 30 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra (tính đến ngày 10/2024) và đang duy trì áp dụng 22 biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Philippines, Thái Lan (đã điều tra tương ứng 182, 115, 105 vụ việc tính đến hết tháng 5/2022).
Lý giải nguyên nhân, Thạc sĩ Phan Minh Hòa, giảng viên kinh tế Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, cho hay Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) muộn hơn các nước nên đi sau trong áp dụng công cụ thương mại này. Tiếp đó, sử dụng công cụ phòng vệ thương mại phải dựa trên hồ sơ đề nghị của đại diện ngành sản xuất trong nước, trong khi phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, nhận thức về phòng vệ thương mại cùng mức độ sẵn sàng hợp tác còn hạn chế.
Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia có tốc độ mở cửa nền kinh tế rất nhanh. Trong 5-7 năm trở lại đây, hiểu biết về lĩnh vực này của doanh nghiệp nội đã gia tăng. Từ đó, họ chủ động hơn khi gửi hồ sơ yêu cầu nhà chức trách tiến hành điều tra, đưa ra quyết định áp thuế đối với hàng nhập khẩu. Giai đoạn 2009-2017, có 32 doanh nghiệp tham gia và ủng hộ vào các vụ việc phòng vệ thương mại. Nhưng con số này từ năm 2017 đến nay đã lên đến 80 doanh nghiệp (theo Cục Phòng vệ Thương mại).
Dẫu vậy, bản thân một ngành muốn bảo vệ chính mình thì doanh nghiệp trong ngành phải ngồi lại với nhau để đưa ra kế hoạch thống nhất trong việc đối phó với hàng ngoại. Điều này là không dễ vì họ cũng đang là đối thủ cạnh tranh trong cùng lĩnh vực. Ngoài ra, mỗi doanh nghiệp có bí mật kinh doanh riêng, việc chia sẻ thông tin cũng là một trở ngại lớn.
Ngành sản xuất Việt Nam đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi hàng hóa từ các thị trường khác như dệt may (Bangladesh, Ấn Độ); giày dép (Trung Quốc, Indonesia); thép (Trung Quốc); điện tử (Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc); nông, thủy sản (Trung Quốc, Thái Lan, các nước Mỹ Latinh)... Với nhận định trên, Luật sư Trần Đình Minh Long, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho rằng Bộ Công Thương đang tiến hành tốt các biện pháp chống bán giá để bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, cần đảm bảo cạnh tranh công bằng, nghĩa là doanh nghiệp Việt phải tự vươn lên, tạo ra hàng hóa có chất lượng cao hơn, mẫu mã đa dạng hơn, hấp dẫn và có giá trị cao hơn trên thị trường.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nhìn nhận các biện pháp phòng vệ thương mại chính là công cụ để đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước. Nếu hàng nhập khẩu có hành vi cạnh tranh không công bằng, doanh nghiệp nội địa hoàn toàn có quyền kiến nghị Bộ Công Thương áp dụng các biện pháp phù hợp để khắc phục việc bán phá giá từ nước bạn.
Ở góc độ đơn vị thực hiện các cuộc điều tra, ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), khẳng định, dù áp dụng ở mức nào thì phòng vệ thương mại vẫn phải đảm bảo nguồn cung hàng hóa trên thị trường, cân bằng lợi ích giữa các bên. Các biện pháp phòng vệ thương mại không dùng để cấm hết tất cả các nguồn hàng nhập khẩu mà vẫn phải cho hàng vào Việt Nam. Thậm chí, Cục chức năng sẽ rà soát tính hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại đối với tất cả các sản phẩm đang được hưởng lợi, tránh gây thiệt hại cho nguồn cung hàng hóa.
Như vậy, ngành sản xuất trong nước phải biết tái cấu trúc để phải nâng cao hiệu quả, giảm chi phí, giảm giá thành để cạnh tranh với hàng ngoại. “Chúng tôi không thể bảo vệ một ngành mà ngành đó mãi không chịu phát triển. Không thể bảo vệ doanh nghiệp nội địa một cách mù quáng như thế”, ông Tuấn nói.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư