Tìm thương hiệu cho mật ong Việt
Vùng nuôi mật ong. Ảnh: tuoitrethudo.vn.
Từ giữa tháng 6.2020 đến nay, Công ty Bee Happy Trần Mao (Đà Lạt) đều đặn mỗi tháng xuất sang Hàn Quốc 50 kg sữa ong chúa. Theo chia sẻ của Công ty, trước khi quyết định ký kết hợp đồng, đối tác của Bee Happy Trần Mao - một doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp đến từ Hàn Quốc - đã bỏ ra nhiều tháng tìm hiểu chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm sữa ong chúa Bee Happy.
Cụ thể, trên hồ sơ chứng nhận sữa ong chúa của Công ty được đối tác quan tâm gồm 16 chỉ tiêu phân tích của Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt về hàm lượng protein, hàm lượng carbohydrate, năng lượng, chất béo, độ ẩm... đảm bảo chất lượng an toàn; xác nhận của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) về Bản Công bố thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Bee Happy cũng đã đưa đối tác Hàn Quốc đi khảo sát, tiếp cận trực tiếp quy trình nuôi ong của các hộ nông dân liên kết lâu năm tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà. Sau khi tham quan thực tế sản xuất sữa ong chúa của nông dân tại đây, đối tác đã lấy mẫu đưa về Hàn Quốc phân tích, kiểm nghiệm đạt tất cả 157 chỉ tiêu dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, rồi mới quyết định chính thức ký kết và triển khai hợp đồng thu mua ổn định sản lượng năm đầu tiên 50 kg mỗi tháng.
Trong biên bản ghi nhớ, sang năm 2021, dự kiến sản lượng tiêu thụ của đối tác Hàn Quốc sẽ tăng lên hằng tháng. Cũng từ năm 2021 trở đi, đối tác Hàn Quốc sẽ mở rộng tiêu thụ các sản phẩm từ việc nuôi ong mật của nông hộ liên kết mang thương hiệu Trần Mao, Đà Lạt như phấn hoa, mật ong nguyên chất, viên sữa ong chúa... chế biến theo tiêu chuẩn GMP trong sản xuất thực phẩm chức năng toàn cầu.
“Lượng cầu tiêu dùng sữa ong chúa ở Hàn Quốc vượt xa so với lượng cung sản xuất nội địa, nên việc tìm đến thương hiệu sữa ong chúa Trần Mao ở Đà Lạt, Lâm Đồng, Việt Nam là nhằm góp phần bổ sung nguồn thực phẩm chức năng thiếu hụt ở xứ Hàn”, đối tác Hàn Quốc chia sẻ.
Hình ảnh về sữa ong chúa. Ảnh: TL. |
Hiện tại, thông qua hệ thống 700 đại lý toàn quốc, Bee Happy đang tiêu thụ ổn định hằng tháng trên dưới 500 kg sản phẩm các loại từ việc nuôi ong mật như sữa ong chúa, mật ong, phấn hoa... của nông hộ liên kết.
Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều thương hiệu mật ong Việt Nam ra đời và phát triển nhanh chóng. Bên cạnh một số thương hiệu lâu năm như Apidona (Công ty Ong mật Đồng Nai), Vinapi (Công ty Ong Trung Ương), DakHoney (Công ty Ong mật Đắk Lắk), còn có nhiều thương hiệu khá mới như Xuân Nguyên, Trường Thọ, Phương Nam, Honimore, Zemlya...
Song song với xuất khẩu, các công ty mật ong gia nhập thị trường nội địa ngày càng nhiều vì 2 lý do: Thứ nhất là một số công ty xuất khẩu mật ong thô bị trả hàng về nên phải đóng nhãn mác, bao bì để tiêu thụ trong nước. Thứ 2 là nhu cầu mật ong trong 10-15 năm nữa sẽ rất lớn, không chỉ xuất khẩu mà ngay cả trong nước, nên nhiều công ty đã chuyển hướng xây dựng thương hiệu để phát triển thị trường nội địa.
Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều sản phẩm được chế biến từ mật ong (tinh chế, hoa bạc hà, hoa nhãn, hoa rừng, chanh đào...), mật ong nghệ, sữa ong chúa, phấn hoa... được bán ở các hệ thống siêu thị. Giá bán lẻ mật ong ở thị trường nội địa dao động từ 200.000-300.000 đồng/lít. Tuy nhiên, giá bán cho các công ty xuất khẩu chỉ gần 40.000 đồng/lít. Do nhu cầu của thị trường nội địa chưa đủ lớn nên người nuôi ong thường bị các công ty thu mua ép giá.
Đứng thứ nhì châu Á về sản lượng xuất khẩu (khoảng 50.000 tấn mật ong, gần 1.000 tấn sáp ong mỗi năm) nhưng cho đến nay, mật ong Việt Nam phần lớn mới chỉ xuất thô và chưa có thương hiệu nào được quốc tế biết đến. Giá mật ong Việt xuất khẩu trung bình chỉ đạt 1,22 euro/kg, thấp nhất thế giới, trong khi mật ong xuất khẩu của New Zealand đạt giá trung bình cao nhất với giá 23,25 euro/kg.
Khác với các sản phẩm nông nghiệp khác, thị trường tiêu thụ sản phẩm ong chủ yếu là Mỹ, các nước châu Âu, Nhật. Đây là những thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng. Bù lại kim ngạch xuất khẩu thu được từ các thị trường này từng đạt hàng trăm triệu USD vào năm 2016, một con số hấp dẫn nếu so với nhiều ngành chăn nuôi khác. Mật ong là một trong số rất ít sản phẩm đạt được cả 2 tiêu chí, đó là tốt cho sức khỏe và quá trình sản xuất thân thiện với môi trường. Do đó, châu Âu nhập khẩu mặt hàng này từ châu Á tăng đều qua các năm.
Một vấn đề là người nuôi ong Việt Nam thiếu vốn để cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, trong khi doanh nghiệp gặp khó khăn về chi phí kiểm định chất lượng xuất khẩu. Công ty Ong Hà Nội từng đầu tư phòng kiểm định trị giá hơn 1 tỉ đồng, nhưng chỉ kiểm nghiệm được 12/24 chỉ tiêu. Với các chỉ tiêu còn lại, Công ty phải gửi sang Đức kiểm nghiệm, tốn phí khoảng 1.250 USD mỗi lần lấy mẫu.
Tiến sĩ Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết nếu tính về tỉ suất xuất khẩu trong ngành chăn nuôi Việt Nam thì nuôi ong đạt mức cao nhất với khoảng 90% sản lượng. Năm 2015 giá mật ong tăng tới 2.800 USD/tấn và nhiều cơ sở nuôi đua nhau tăng sản lượng. Chỉ 1 năm sau, giá mật ong giảm xuống còn 1.400 USD/tấn khiến toàn ngành mật ong Việt Nam gặp khó khăn. Ước lượng trong 2 năm 2015, 2016 có khoảng 20% số lô hàng mật ong Việt xuất sang Mỹ bị trả về vì nghi nhiễm Carbendazim.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ