Hủy
Kinh Doanh

Tổng hợp thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 6/5-12/5

Chủ Nhật | 12/05/2013 09:56

Giá hàng hóa nguyên liệu giảm dưới áp lực USD mạnh hơn, hàng hóa trở nên thiếu hấp dẫn giới đầu tư khi thị trường chứng khoán liên tục lập đỉnh mới.
 

Chí số S&P GSCI bao gồm giá 24 loại hàng hóa nguyên liệu thô giảm 0,3%, chốt tuần tại 629,36 điểm. Trong khi đó, chỉ số Dollar, theo dõi tỷ giá USD với 6 đồng tiền mạnh khác có 2 ngày cuối tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 7 năm ngoái, với mức tăng tổng cộng là 1,5%. Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu khởi sắc, chỉ số S&P 500 và Dow Jones của Mỹ liên tục lập đỉnh mới, chỉ số chứng khoán châu Âu Stoxx Europe 600 cũng tăng lên cao nhất kể từ tháng 6/2008.

Giá hàng hóa nguyên liệu tuần qua phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế vĩ mô Trung Quốc, thị trường tiêu thụ thực tế lớn nhất thế giới. Số liệu xuất nhập khẩu tháng 4 bất ngờ tăng, hỗ trợ giá hàng hóa phục hồi giữa tuần. Tuy nhiên đến cuối tuần, nước này lại thông báo chỉ số giá sản xuất giảm, dẫn tới giá kim loại giảm hầu hết lượng đã phục hồi giữa tuần.

Các báo cáo nguồn cung đưa ra hàng loạt cuối tuần cho thấy thị trường dồi dào cung hàng hóa, trong khi đó nhu cầu tiếp tục yếu do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, đặc biệt ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Đây cũng là nguyên nhân đẩy giá hàng hóa đi xuống trong tuần.

Dầu thô

Giá dầu thô tuần qua tăng nhẹ, dầu WTI giao dịch trên sàn Nymex kỳ hạn giao tháng 6 tăng 0,5% lên 96,04 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu Brent cùng kỳ hạn giao dịch tại ICE giảm 0,3% xuống 103,91 USD/thùng. Chênh lệch giá giữa 2 loại dầu này tiếp tục thu hẹp xuống thấp nhất 1,5 năm còn 7,87 USD/thùng.

Giá dầu thô tăng do báo cáo nguồn cung hàng tuần của Mỹ cho thấy lượng dự trữ tăng thấp hơn nhiều so với dự báo các chuyên gia. Dự trữ dầu thô tại cảng Cushing, đầu mối trung chuyển cho các hợp đồng giao dịch giảm 652.000 thùng xuống 49,1 triệu thùng, cho thấy lượng tiêu thụ khá mạnh. Các nhà máy lọc dầu nước này bắt đầu tăng cường hoạt động sau khi trở lại sản xuất sau kỳ nghỉ cuối đông bảo dưỡng. Các nhà máy này hiện hoạt động 87% công suất, cao nhất kể từ tháng 1.

Cuối tuần, giá dầu giảm do thông báo sản lượng dầu tháng 4 của OPEC tăng đạt 30,46 triệu thùng/ngày, cao nhất 5 tháng, bổ sung nguồn cung dồi dào cho thị trường thế giới. OPEC cũng hạ dự báo lượng tiêu thụ toàn cầu năm nay từ 89,67 triệu thùng/ngày xuống còn 88,66 triệu thùng/ngày.

Vàng

Giá vàng tuần qua biến động mạnh, giá có phiên tăng mạnh nhất 2 tuần nhưng cũng có lúc lao dốc giảm tới 2,5%. Kết thúc tuần, giá vàng giao tháng 6 trên sàn Comex giảm 1,9% so với tuần trước đóng cửa tại 1.436,6 USD/oz. Giá vàng giảm chủ yếu do đồng USD mạnh lên.

Đáng chú ý, phiên ngày 9/5, quỹ tín thác SPDR Gold Trust bất ngờ mua vào gần 3 tấn vàng sau khi bán ra 23 phiên liên tiếp trước đó. Tuy nhiên, đến cuối tuần quỹ này lại tiếp tục bán ra. Từ đầu năm đến nay, SPDR bán ròng hơn 297 tấn vàng, gấp 3 lần lượng mua ròng năm ngoái. Lượng nắm giữ vàng hiện nay của quỹ là 1.051,65 tấn, trị giá 48,22 tỷ USD.

Nhiều thông tin cho thấy Trung Quốc tiếp tục động thái "gom" vàng thế giới. Trong tháng 3, nhập khẩu vàng của Trung Quốc từ Hong Kong tăng gấp đôi so với tháng 2 đạt kỷ lục 223,52 tấn vàng. Lượng nhập khẩu tháng 4 tiếp tục tăng khi giá giảm mạnh, chưa có số liệu cụ thể nhưng thị trường cho thấy thiếu hụt vàng miếng và vàng xu tại Singapore và Hong Kong, nguồn nhập vàng chính của Trung Quốc. Hiệp hội Vàng nước này cho biết tổng lượng vàng tiêu thụ trong quý I tăng tới 26% so với cùng kỳ. Dự kiến năm nay sẽ là năm nhập khẩu vàng kỷ lục của nước này.

Deutsche Bank hạ dự báo giá vàng năm nay từ 1.637 USD/oz xuống 1.533 USD/oz. Ngân hàng cũng hạ dự báo giá vàng 17% xuống 1.500 USD/ounce năm 2014 và 25% xuống 1.450 USD/ounce vào năm 2015.

Đồng

Giá đồng tăng tuần thứ 3 liên tiếp, giá trên sàn LME tăng 1,5% so với tuần trước, chốt tại 7.377 USD/tấn. Trong tuần có phiên giá lên cao nhất 3 tuần đạt 7.419 USD/tấn sau khi Trung Quốc công bố kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tháng 4 tăng mạnh.

Giá đồng đang phục hồi từ mức thấp nhất 1,5 năm hồi cuối tháng 4, tuy nhiên sự phục hồi này được đánh giá thiếu chắc chắn khi nhu cầu tiêu thụ vẫn chưa rõ ràng trong tương lai. Chỉ số sản xuất và dịch vụ châu Âu giảm trong tháng 4, ghi nhận tháng giảm thứ 15 liên tiếp, cho thấy khả năng khó phục hồi kinh tế, trong khi Trung Quốc cũng tiêu thụ chậm lại. Các chuyên gia cho rằng không nhận thấy bất kỳ nhu cầu nào đột biến về đồng thời gian tới trong khi nguồn cung hiện tại khá dồi dào.

Các quỹ phòng hộ và các nhà đầu cơ hàng hóa vừa có tuần tăng đặt cược giá đồng đi xuống lần đầu tiên trong 4 tuần.

Ngũ cốc, hạt có dầu

Giá ngô tuần này giảm 3,8%, mạnh nhất 5 tuần, giá giao tháng 7 trên sàn Chicago chốt tuần tại 6,3625 USD/giạ. Giá lúa mì giao tháng 7 giảm 2,3% xuống 7,0425 USD/giạ. Riêng giá đậu tương tăng nhẹ 0,85% lên 13,99 USD/giạ.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa có báo cáo dự báo sản lượng nông sản. Theo đó, sản lượng ngô Mỹ sẽ tăng 31% lên 14,41 triệu giạ. Lượng dự trữ ngô tính đến cuối tháng 8 năm 2014 sẽ tăng gấp đôi so với năm nay, đạt 2.004 tỷ tấn. Sản lượng đậu tương Mỹ dự kiến đạt kỷ lục 3,39 tỷ giạ, tăng so với 3,015 tỷ giạ thu hoạch năm ngoái. Kho dự trữ đậu tương sẽ tăng 265 triệu giạ vào cuối tháng 8 năm sau, trong khi năm nay dự kiến dự trữ được 125 triệu giạ đậu tương.

USDA cũng cho biết thêm tổng sản lượng ngô, đậu tương, lúa mì toàn thế giới năm nay sẽ tăng 9,6% lên 1,952 tỷ tấn, cao nhất kể từ 2004. Dự trữ ngũ cốc tăng 13% lên 416 triệu tấn, cao nhất kể từ 2001.

Nguồn Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới