Trung Quốc: Nguy cơ mất trắng hàng tỷ USD vì ham lãi cao
Ngày 16/7, gần 200 nhà đầu tư ở Thượng Hải đã tụ tập để đòi lại tiền từ lãnh đạo công ty Fanya Metals Exchange, một sàn giao dịch hàng hóa kiêm dịch vụ quản lý tài sản. Trước đó vào ngày 13/7, cũng đã có 800 người tập trung biểu tình bên ngoài trụ sở của Fanya ở Côn Minh sau khi không rút được số tài sản lên tới hàng tỷ USD từ công ty này trong suốt nhiều tháng liền.
Bắt đầu đi vào hoạt động mới cách đây 4 năm, nhưng Fanya hiện đang là sàn giao dịch kim loại hiếm lớn nhất thế giới. Trong danh sách đối tác của công ty này cũng là hàng loạt doanh nghiệp hàng đầu trong ngành ngân hàng và khoáng sản của Trung Quốc. Điều gì đã khiến cho Fanya trở thành tâm bão của một vụ khủng hoảng có thể gây thiệt hại hàng tỷ USD cho giới đầu tư?
Một sản phẩm tài chính chủ lực của Fanya là gói đầu tư mang tên Ri Jin Bao được Fanya hứa hẹn sẽ mang lại lợi tức 13,7%/năm và cho phép người đầu tư được quyền rút tiền bất kỳ lúc nào. Theo tạp chí Caixin, các khoản đầu tư này đã bị đóng băng từ tháng 7, khi Fanya cho biết họ đang gặp phải vấn đề thanh khoản. Tổng giá trị các khoản vốn này là 6,4 tỷ USD, thuộc về 220.000 nhà đầu tư trên khắp Trung Quốc.
“Tôi cho rằng Fanya đã vi phạm hợp đồng của sản phẩm Ri Jin Bao. Thật bất công cho chúng tôi”. Một nhà đầu tư nói.
Tại sao một khoản tiền lớn như vậy lại dễ dàng biến mất vì một sản phẩm phái sinh liên quan đến các kim loại phụ trợ? Vấn đề chính là do sự thiếu vắng các phương thức đầu tư an toàn và ổn định tại Trung Quốc.
Đặt cược tất cả vào Bismuth
Từ lâu, các gia đình trung lưu Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm kênh đầu tư. Với mục tiêu hướng các khoản tiền nhàn rỗi của người dân vào thị trường chứng khoán, chính phủ Trung Quốc đã áp đặt một mức lãi suất tiết kiệm quá thấp.
Để tránh né thị trường chứng khoán nhiều biến động và đầy rủi ro, các nhà đầu tư đã đổ tiền vào mọi thứ có thể từ trà Pu'er đến rượu, indi, bismuth, và các “kim loại nhỏ" khác của công ty Fanya.
Khoản tiền lớn cho kim loại nhỏ
Một số kim loại có biệt danh “kim loại nhỏ” là vì chúng thường là sản phẩm phụ từ quá trình khai thác các kim loại thông dụng hơn, chẳng hạn như Indium là sản phẩm phụ sau khi tinh chế kẽm hoặc chì. Các kim loại này thường được sử dụng cho một số mục đích đặc biệt như sản xuất màn hình LCD, mỹ phẩm và dược phẩm. Ông Anthony Lipmann, chủ tịch của Hiệp hội Kim loại Nhỏ kiêm chủ sở hữu công ty giao dịch kim loại Lipmann Walton cho biết việc tìm hiểu về các kim loại này là điều không dễ chút nào.
Lipmann cho biết: “Thị trường này giao dịch các kim loại mà cả đời chúng ta khó có thể hiểu được cách sản xuất và sử dụng chúng. Những kim loại có trong danh mục đầu tư của Fanya như bismuth, antimony, indium, cadmium cũng là thuộc nhóm này. Đây không phải là kênh đầu tư phù hợp cho những người không có khả năng chịu được rủi ro tài chính”.
Những nhà đầu tư lão luyện đã đặt câu hỏi về việc tại sao Fanya chọn các kim loại này để giao dịch, vì chúng có khối lượng giao dịch rất thấp.
“Các kim loại này có khối lượng quá nhỏ để thực hiện giao dịch ổn định”, Lipmann cho biết. “ Indium có khối lượng giao dịch mỗi năm là vỏn vẹn 1.500 tấn. Trong khi đó, đồng có khối lượng giao dịch khoảng 22 triệu tấn mỗi năm.”
Khoản lời bí ấn của Fanya
Có một điều kỳ lạ là Fanya luôn sẵn sàng trả mức giá cao hơn hàng chục phần trăm so với bình thường đối với các kim loại này. Điều này diễn ra ngay cả khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến nhu cầu sử dụng indium cho pin mặt trời bị khựng lại.
Chính mức giá cao của Fanya đã làm cho thị trường giao dịch các kim loại này trở nên méo mó, vì khi đó nhu cầu ảo là rất lớn. Theo Alex Harrison, biên tập viên của Metal Bulletin: “Các nhà cung cấp sẽ giao kim loại cho Fanya với mức giá cao hơn so với mức giá mà họ chào hàng cho các nhà sản xuất”. Cũng theo Harrison, hiện nay lượng indium trong các nhà kho của Fanya là đủ cho cả thế giới dùng trong suốt 6 năm liền.
Mức giá cao này bắt nguồn chính từ việc giới đầu tư Trung Quốc ào ạt đổ tiền vào Fanya. Trong năm 2013, Fanya giải thích về mức giá của họ như sau: “Giá thị trường giao ngay truyền thống được xác định trên nguyên tắc cung, cầu. Còn tại sàn giao dịch của Fanya, giá được xác lập dựa trên cung, cầu và vốn”.
Khi sàn giao dịch hóa sòng bài
Với mô hình này, Fanya từ một công ty không tên tuổi đã trở thành sàn giao dịch kim loại hiếm lớn nhất thế giới vào năm 2014, nhưng cũng nhận không ít chỉ trích. Christopher Ecclestone, chuyên gia phân tích của ngân hàng đầu tư Hallgarten&Co., đã viết: “Ban đầu chúng tôi cho rằng đây là sàn giao dịch dành cho giới sản xuất. Tuy nhiên, có thể thấy rằng nó đã biến tướng thành một sân chơi cờ bạc cho người Trung Quốc”.
Hôm 15/7, để làm dịu lại các cuộc biểu tình, Fanya đã tuyên bố sẽ huy động vốn từ các đối tác sản xuất để mua lại một lượng kim loại trị giá hơn 800 triệu USD từ các nhà đầu tư. Fanya cũng đổ lỗi cho thị trường bất ổn chứ không phải do mô hình kinh doanh dị thường của họ. Công ty này thậm chí còn tố cáo họ đang bị thiệt hại bởi 'thế lực phá hoại từ nước ngoài', bất chấp việc hầu hết những người giao dịch tại Fanya đều là người Trung Quốc.
Thùy Loan
Nguồn Quartz
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Hải Vân
-
Công Sang
-
Hải Đăng
-
Trung Nam
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ