Hủy
Kinh Doanh

Vé thông hành cho nông sản vùng cao

Kim Thùy Thứ Bảy | 26/09/2020 08:00

Nguồn ảnh: thuongtruong.com.vn

 
 
Mở đường đưa sản phẩm của đồng bào dân tộc tới các kênh bán lẻ hiện đại.

Trồng rau khó một, bán rau khó mười, đầu ra cho nông sản luôn là bài toán thường trực trong hoạt động phát triển kinh tế vùng sâu vùng xa. Anh Vàng A Sa, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vàng A Sa, thuộc dự án Sinh kế cộng đồng Vân Hồ, cho biết vài năm trước, gia đình anh mưu sinh bằng nghề trồng các loại rau truyền thống trên khoảng đất 1.000 m2, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Vì cách thức canh tác lạc hậu, dựa theo kinh nghiệm là chính, dẫn đến sản phẩm thiếu tập trung, không nhãn mác, bao bì... đầu ra chất lượng không ổn định, thường xuyên bị thương lái ép giá.

Tuy nhiên, điều đó đang dần thay đổi nhờ sự vào cuộc của các doanh nghiệp lớn với dự án Sinh kế cộng đồng. Họ đã mở đường đưa sản phẩm của đồng bào dân tộc tới các hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Ban Điều hành dự án Sinh kế cộng đồng chọn Vân Hồ, một huyện nghèo của tỉnh Sơn La, làm nơi triển khai dự án vào tháng 6.2018.

Central Retail và cán bộ khoa học từ tổ chức phi chính phủ ACIAR (Úc) hỗ trợ bà con tập huấn về sản phẩm, kiến thức về thương hiệu, định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, đặc biệt là cây trái vụ cho sản lượng cao... 

Đối với các mặt hàng trong dự án Sinh kế cộng đồng và Chương trình kết nối nông sản địa phương của Central Retail, nông dân có thể tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại như Big C với chính sách không chiết khấu. 

Nguồn ảnh: thuongtruong.vn
Nguồn ảnh: thuongtruong.vn
 

Trong vòng 3 năm, chương trình Sinh kế cộng đồng đã triển khai thành công 7 dự án, tạo sinh kế bền vững cho trên 500 hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Nhờ những hỗ trợ này, sinh kế của 39 hộ dân tham gia dự án đã cải thiện rõ rệt, thu nhập tăng gấp đôi từ 25-30 triệu đồng/ha lên 50-60 triệu đồng/ha.

Đến nay, khoảng 70% nông sản do Hợp tác xã Vàng A Sa sản xuất được Central Retail tiêu thụ thông qua hệ thống GO! và Big C. “Gần như các đơn hàng của dự án Vân Hồ khi giao đến Big C và không bị trả về thì đó là sự thay đổi rất lớn từ chính đồng bào dân tộc thiểu số.

Chương trình Sinh kế cộng đồng đã thực sự phát huy tác dụng, mở ra cơ hội và mang lại nhiều sự đổi thay cho cuộc sống của người nông dân nghèo, vùng sâu vùng xa”, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail, chia sẻ.

Theo nhiều đại diện từ các siêu thị lớn, nếu dựa theo yêu cầu giấy tờ như doanh nghiệp thì hộ nông dân không bao giờ có khả năng tiếp cận được hệ thống phân phối bán lẻ. “Điều kiện để đưa hàng vào siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food là doanh nghiệp cần có sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh, mẫu mã phù hợp với thị hiếu người dân và đặc biệt tuân thủ nghiêm ngặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và phải bảo đảm quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP”, ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết.

Mức chiết khấu của siêu thị cũng là rào cản đối với nhiều nông dân. Có nhiều loại sản phẩm, đặc biệt là nông sản tươi, được đánh kiểm định chất lượng tại kho 5%, đến khâu vận chuyển tới siêu thị lại đánh tiếp 10-15%, thậm chí 30%. Mặt khác, áp lực doanh số cũng khiến nhiều mặt hàng không thể trụ vững ở kênh phân phối hiện đại này.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, chia sẻ: “Nếu như trước đây, nhà bán lẻ chỉ chăm lo đến giai đoạn thu mua, bảo đảm cho sản phẩm hàng hóa về hệ thống bán lẻ của mình, thì nay họ đã có những hỗ trợ thực chất hơn để giúp đỡ cho bà con nghèo. Đồng thời, chăm lo sản phẩm ngay khi bắt đầu manh nha từ cây giống, đất đai”.

 

Ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Điều hành MM Mega Market, cho biết thường xuyên cử kỹ sư nông nghiệp đến làm việc trực tiếp tại nông trại với nông dân nhằm trao đổi kinh nghiệm và yêu cầu, mong muốn giữa hai bên. Việc này giúp các hộ sản xuất có thể đáp ứng đúng yêu cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa hàng đến các đơn vị phân phối và những thị trường khác.

MM Mega Market còn triển khai hội nghị kết nối cung cầu cho nông sản Việt Nam tại Thái Lan, Singapore và nhiều quốc gia tiềm năng khác. Với sự vào cuộc của các doanh nghiệp lớn, cánh cửa đi vào chuỗi hệ thống bán lẻ hiện đại và xuất khẩu sẽ dễ dàng hơn với nông dân.

Theo Bộ Công Thương, hiện tỉ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chỉ chiếm 25% tổng mức bán lẻ, thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Thái Lan (34%) hay Malaysia (60%). Các chương trình kết hợp đa kênh như Sinh kế cộng đồng của Central Retail là rất thiết thực, không chỉ hỗ trợ trong hoạt động phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số mà còn nâng cao độ mở thị trường bán lẻ hiện đại và phát huy đặc sản vùng miền ở Việt Nam.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới