Việt Nam áp thuế chống bán phá giá hơn 34% với tôn mạ màu Trung Quốc
Ảnh: Baomoi.com
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) tạm thời đối với một số sản phẩm thép phủ màu (hay thường gọi là tôn màu) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công thương cho biết sau 8 tháng điều tra, bộ này vừa ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với tôn mạ màu nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc, bắt đầu từ ngày 25-6 tới.
Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu thép phủ mạ màu của Hàn Quốc là 4,48% -19,25%, trong khi Trung Quốc bị áp mức cao hơn rất nhiều, từ 3,45-34,27%.
Theo danh sách đính kèm quyết định này, sẽ có 20 công ty đến từ Trung Quốc và 3 công ty Hàn Quốc nhập khẩu các mặt hàng trên vào Việt Nam bị đánh thuế.
►Việt Nam áp thuế chống bán phá giá thép nhập khẩu
►Việt Nam áp thuế hơn 10% với thép cuộn, thép dây nhập khẩu từ ngày 28.5
Theo Bộ Công thương mặc dù đang áp dụng biện pháp tự vệ dưới hình thức hạn ngạch thuế quan đối với sản phẩm tôn mạ màu nhập khẩu nhưng số lượng nhập khẩu trong hạn ngạch có dấu hiệu bán phá giá với biên độ khá cao, gây ra đe dọa thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất thép tôn mạ màu trong nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng sản xuất, lượng bán hàng, doanh thu, lợi nhuận, thị phần, hàng tồn kho có nhiều biến động trong giai đoạn điều tra.
“Hành vi bán phá giá nói trên tiếp tục gây ra sức ép đáng kể cho các chỉ số hoạt động của ngành sản xuất trong nước, thể hiện ở các tiêu chí như: sản lượng sản xuất, lượng bán hàng, doanh thu, lợi nhuận, thị phần, hàng tồn kho có nhiều biến động trong giai đoạn điều tra, đặc biệt trong giai đoạn 7 tháng cuối năm 2018 đến nay, các chỉ số này đều cho thấy xu hướng suy giảm rõ rệt, rất nhiều các doanh nghiệp sản xuất trong nước thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và số lượng lớn lao động đã phải nghỉ việc”, Bộ Công Thương cho hay.
Khoảng 20 doanh ngiệp Trung Quốc bị áp thuế. Ảnh" Vinanet.vn |
Chuyên gia của Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, việc Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp Chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc là một quyết định kịp thời và đúng đắn. Nhà nước sẽ thu được thuế từ các doanh nghiệp Việt làm ăn chân chính và hạn chế thất thoát thuế từ các biện pháp lẩn tránh thuế của các doanh nghiệp nhập khẩu.
Theo vị này, thời gian qua, các doanh nghiệp tôn thép Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh nội địa. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất tôn thép trong nước còn phải chịu sức ép cạnh trạnh từ các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Trung Quốc. Phần lớn các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc có giá bán rất rẻ khiến cho các doanh nghiệp nội thiệt hại, thua lỗ.
Cũng theo Bộ Công Thương, khi quyết định áp dụng biện pháp CBPG tạm thời, Bộ Công Thương đã xem xét, cân nhắc ý kiến của các bên liên quan trong vụ việc và các cơ quan nhà nước có liên quan khác cũng như dựa trên thông lệ áp dụng của nhiều nước thành viên khác của WTO. Theo đó, đối với hàng hóa nhập khẩu trong hạn ngạch của biện pháp tự vệ, sẽ chỉ áp dụng mức thuế CBPG tạm thời. Đối với hàng hóa nhập khẩu ngoài hạn ngạch, sẽ so sánh giữa mức thuế CBPG tạm thời và thuế ngoài hạn ngạch tự vệ và sử dụng mức thuế nào cao hơn. Việc áp dụng này nhằm loại bỏ tình trạng đánh trùng thuế đối với các doanh nghiệp nhập khẩu.
Bên cạnh đó, đối với các sản phẩm thép phủ màu đặc biệt mà hiện tại ngành sản xuất trong nước chưa sản xuất được như các sản phẩm PCM, VCM dùng để sản xuất các mặt hàng điện lạnh và điện tử gia dụng, các sản phẩm PVDF dùng cho các nhà máy nhiệt điện, và một số sản phẩm đặc biệt khác... được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng biện pháp CBPG tạm thời. Theo quy định, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu cũng không bị áp dụng biện pháp CBPG.
“Có thể thấy mức thuế CBPG tạm thời dao động từ 3,45% đến 34,27% áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc đã được đưa ra theo đúng các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, pháp luật Việt Nam và phản ánh đúng hành vi về giá bán của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài. Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài với các sản phẩm đúng quy cách, chất lượng và giá bán đúng quy luật thị trường được xác định biên độ bán phá giá thấp. Trong khi đó, hàng hóa trôi nổi chất lượng thấp bán phá giá sẽ bị ngăn chặn với mức thuế CBPG tạm thời tương đối cao”, Bộ Công Thương cho biết.
Trong thời gian tới, để đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan, thẩm tra xác minh số liệu và tổ chức phiên tham vấn công khai để tất cả các bên có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình, đồng thời đánh giá tác động toàn diện của vụ việc đến các bên liên quan, bao gồm cả người tiêu dùng cuối cùng. Vụ việc dự kiến sẽ kết thúc điều tra vào Quý IV năm 2019.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ