Hủy
Kinh Doanh

Việt Nam cần thêm cảng cạn và 400.000 tỉ đồng nâng cấp các cảng biển

Cẩm Tú Thứ Bảy | 24/12/2022 07:00

Là một loại hình phát triển muộn hơn cảng biển, song hiện nay cảng cạn cũng từng bước được quan tâm đầu tư tại các khu vực. Ảnh: T.L

 
 
Bên cạnh cảng biển, cảng cạn cũng từng bước được quan tâm đầu tư tại các khu vực, hành lang vận tải tập trung lưu lượng hàng hóa container lớn.

Theo ông Lê Tấn Đạt, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng công trình hàng hải thì tính đến tháng 10/2022, Việt Nam có 296 bến cảng với chiều dài khoảng 103 km cầu cảng, gấp hơn 4,7 lần năm 2000. “Dự kiến trong giai đoạn tới, tổng nhu cầu đầu tư hệ thống cảng biển là 398.706 tỉ đồng. Trong đó, đến năm 2025 là 147.164 tỉ đồng gồm nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng hảng hải công cộng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng; đến năm 2030 bổ sung 251.542 tỉ đồng”, ông Lê Tấn Đạt cho biết.

 

Là một loại hình phát triển muộn hơn cảng biển, song hiện nay cảng cạn cũng từng bước được quan tâm đầu tư tại các khu vực, hành lang vận tải tập trung lưu lượng hàng hóa container lớn như Móng Cái - Quảng Ninh, Đình Vũ - Hải Phòng, Quế Võ - Bắc Ninh, Gia Lâm - Hà Nội, Duy Tiên - Hà Nam, Nhơn Trạch - Đồng Nai… Các cảng cạn nêu trên đã góp phần rất quan trọng trong việc tổ chức mạng lưới vận tải, tận dụng hiệu quả đặc thù, thế mạnh giao thông vận tải của từng vùng đặc biệt là mạng lưới giao thông vận tải thủy nội địa để vận tải hàng hóa với khối lượng lớn, giá thành rẻ và ít ô nhiễm.

Theo ông Phạm Hoài Chung, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, tính đến nay, cả nước đã đầu tư, công bố và đưa vào khai thác 10 cảng cạn. Ngoài ra, còn 6 cảng thông quan nội địa (ICD) đang hoạt động thuộc các vị trí được quy hoạch cảng cạn nhưng các chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi thành cảng cạn theo quy định.

Các cảng cạn, ICD phân bổ tập trung trên 5 hàng lang và khu vực kinh tế trong tổng số 15 hành lang và khu vực kinh tế có quy hoạch cảng cạn, trong đó hành lang kinh tế ven biển ở miền Bắc đã hình thành 4 trong tổng số 5 cảng cạn được quy hoạch.

hầu hết trong số này đều mới được hình thành và nằm ở miền Bắc. Ảnh: T.L
Hầu hết cảng cạn đều mới được hình thành và nằm ở miền Bắc. Ảnh: T.L

Tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container thông qua các cảng cạn và điểm thông quan nội địa (ICD) đang hoạt động hiện nay khoảng 4,2 triệu TEU/năm, trong đó 90% hàng hóa thông qua các cảng thông quan nội địa (ICD), bao gồm 6 cảng ICD đã quy hoạch thành cảng cạn và cả cụm cảng ICD Trường Thọ, TP.HCM... Đặc biệt, khối lượng hàng thông qua 10 cảng cạn đã công bố chỉ chiếm khoảng 10% do hầu hết trong số này đều mới được hình thành và nằm ở miền Bắc, ngoại trừ cảng cạn Tân cảng Nhơn Trạch ở Đồng Nai.

Để phát triển hệ thống cảng cạn trong thời gian tới, ông Phạm Hoài Chung đề nghị xem xét áp dụng đầu tư phát triển cảng cạn theo theo hình thức đối tác công tư (PPP) với các cảng cạn có quy mô lớn theo hướng Nhà nước tạo điều kiện về quỹ đất, đầu tư kết nối đường sắt với cảng cạn, hoàn chỉnh môi trường pháp lý và ban hành cơ chế, chính sách phát triển cảng cạn và tư nhân đầu tư hạ tầng, thiết bị và tổ chức quản lý, khai thác cảng cạn.

Có thể bạn quan tâm:

HSBC: Xuất khẩu của Việt Nam chuẩn bị vào thời kỳ “ngủ đông”


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới