Hủy
Kinh Doanh

Vietnam Airlines sắp "cạn tiền" nếu không kịp hỗ trợ!

Mai Hà Thứ Sáu | 12/06/2020 19:38

Vietnam Airlines đang khôi phục hoạt động sau dịch bệnh. Ảnh: VNA

Nếu không được bơm vốn từ phía Chính phủ, tới tháng 8.2020, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam sẽ cạn kiệt dòng tiền.
 

Dù thị trường nội địa đang phục hồi nhanh chóng sau dịch Covid-19, song đại diện Vietnam Airlines cho rằng nếu không được bơm vốn từ phía Chính phủ, tới tháng 8.2020, Hãng sẽ cạn kiệt dòng tiền.

Theo ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines, hãng hàng không quốc gia sẽ "rơi vào trạng thái rất xấu" từ tháng 8, có thể "cạn tiền" nếu không được Chính phủ hỗ trợ. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Vietnam Airlines phân tích chi tiết về những thiệt hại tài chính do Covid-19 và phương án phục hồi.

Theo ông Hiền, Vietnam Airlines dự kiến vẫn lỗ 15.000 - 16.000 tỉ đồng năm nay. Với quy mô hiện tại, không được bay một tháng, hãng lỗ khoảng 2.000 tỉ đồng. Máy bay "nằm đất", Hãng vẫn chi trả nhiều chi phí cố định hằng tháng lên tới 2.100 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là thuê tàu bay (1.300 tỉ đồng) và chi phí khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa tàu bay, nhân công. Riêng Jetstar sản lượng tháng 6 giảm 64% so với cùng kỳ 1.200 tỉ đồng, doanh thu giảm 64,2%. K6 (hãng hàng không liên danh với Campuchia) lỗ 14,5 triệu USD.

Đồng thời, chỉ trong giai đoạn giữa tháng 2 đến cuối tháng 3, doanh nghiệp này đã phải trả gần 4.400 tỉ đồng tiền hoàn vé cho khách hàng vì các chuyến bay bị huỷ. Từ cuối tháng 5, Hãng khôi phục được tần suất các chuyến nội địa, lượng khách phục hồi theo hình chữ V nhưng hãng cũng vẫn chưa giảm mức lỗ được xuống 1.000 tỉ đồng.

Vietnam Airlines có lượng tiền mặt dự trữ 3.500 tỉ đồng, nhưng hiện đã cạn kiệt, trong khi khả năng không được ngân hàng cho vay tiếp, nên dự kiến thiếu hụt 15.000 tỉ đồng năm nay.

Trước đó, Hãng Hàng không Quốc gia đã kiến nghị Chính phủ giảm 100% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/3 đến 31/12/2020. Theo tính toán, với sức tiêu thụ dầu JetA1 của đội tàu gồm hơn 100 chiếc, dù chỉ bay chưa đầy 1/3 do tác động của dịch Covid-19, nhưng cũng giúp Hãng tiết kiệm được khoảng 670 tỉ đồng; nếu giảm 50% thì số tiền là khoảng 340 tỉ đồng và giảm 30% là khoảng 200 tỉ đồng.

Ngoài đề xuất hỗ trợ liên quan đến thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, Vietnam Airlines cũng đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giảm 50% phí cất hạ cánh, điều hành bay, đỗ tàu bay (từ 1.3 đến 31.12.2020); điều chỉnh chính sách khấu hao và chính sách phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng đội bay phù hợp với công suất sử dụng; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất đến ngày 31/12/2020; giãn, hoãn việc nộp các khoản thuế và các khoản đóng góp ngân sách nhà nước khác ít nhất 1 năm...

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), toàn ngành hàng không sẽ bị giảm doanh thu 419 tỉ USD, dự kiến các hãng hàng không lỗ 84 tỉ USD, đến năm 2021 vẫn lỗ 16 tỉ USD, phải tới giữa năm 2022, ngành hàng không mới quay trở về như năm 2019.

Theo dự báo giữa tháng 3.2020 của Cục Hàng không Việt Nam, thiệt hại của ngành hàng không Việt Nam lên tới hơn 30.000 tỉ đồng. Vietnam Airlines được xem là có thiệt hại nặng nề nhất với hơn 100 máy bay tạm dừng khai thác, trong đó có 15 chiếc Boeing 787 và 14 chiếc A350. Mỗi tháng, tiền thuê một chiếc máy bay loại này vào khoảng 1 triệu USD. Như vậy, với riêng đội máy bay này, mỗi tháng Vietnam Airlines phải chi gần 30 triệu USD. Ngoài ra, Vietnam Airlines còn 76 máy bay A321, tiền thuê mỗi chiếc trung bình trên thị trường khoảng 300.000 USD/tháng.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới