Hủy
Kinh Doanh

Vơi dần áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm

Nhật Anh Thứ Ba | 24/09/2024 17:23

MBS cho rằng giá dầu trong năm 2024 sẽ dao động với biên độ hẹp quanh mức 80 USD/thùng, cao hơn so với giá dầu trung bình nửa cuối năm 2023. Ảnh: TL.

 
 
8 tháng đầu năm 2024, CPI bình quân vẫn được kiểm soát dưới mức mục tiêu của Chính phủ là 4,5%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 8 ổn định so với tháng trước và tăng 3,45% so với cùng kỳ, đánh dấu mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3. 

Một trong những yếu tố đóng góp vào mức tăng của lạm phát là giá gạo tăng theo giá xuất khẩu, cùng với vụ lúa hè thu sắp kết thúc ảnh hưởng đến nguồn cung gạo. Tuy vậy, áp lực lạm phát phần nào được giảm bớt nhờ giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới. Trung bình trong 8 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,04% so với cùng kỳ, trong khi lạm phát cơ bản tăng 2,71%. Nhìn chung, lạm phát đang bắt đầu cho thấy những dấu hiệu tích cực, và CPI bình quân vẫn được kiểm soát dưới mức mục tiêu của Chính phủ là 4,5%.

 

Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo CPI đến cuối năm có thể giảm nhẹ nhờ sự sụt giảm của giá xăng dầu, qua đó kéo CPI bình quân năm 2024 về mức 3,9%, dưới mức mục tiêu của Chính phủ là 4,5%. Mặc dù OPEC+ đã quyết định duy trì cắt giảm sản lượng đến hết tháng 11, đà giảm của giá dầu được dự báo sẽ tiếp tục được duy trì do nhu cầu tiêu thụ đang hồi phục khá chậm, đặc biệt ở thị trường Mỹ và Trung Quốc. 

Thêm vào đó, thỏa thuận ngừng bắn tại các xung đột địa chính trị khu vực Trung Đông cũng đã phần nào giúp giải tỏa mối lo ngại của thị trường về việc thu hẹp nguồn cung, qua đó sẽ hỗ trợ kiềm chế đà tăng của giá dầu. 

 

Theo đó, MBS cho rằng giá dầu trong năm 2024 sẽ dao động với biên độ hẹp quanh mức 80 USD/thùng, cao hơn so với giá dầu trung bình nửa cuối năm 2023. Tuy vậy, áp lực lạm phát vẫn hiện hữu khi giá thép và vật liệu xây dựng nội địa dự kiến sẽ phục hồi lên mức 14 triệu đồng/tấn, tăng 4% so với cùng kỳ trong năm 2024 nhờ đà tăng của giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, việc tăng lương cơ bản được thực hiện từ ngày 1/7 có thể tác động đến lạm phát trong nước.

Ở góc nhìn khác, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cũng cho biết họ tin rằng lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt và nằm trong phạm vi mục tiêu của Chính phủ là 4 - 4,5% trong năm nay, nhờ mức nền cao của cùng kỳ năm 2023; một số chính sách hỗ trợ về thuế tiếp tục được áp dụng trong năm 2024, như cắt giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và giảm thuế giá trị gia tăng; tính chủ động đối với việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như giá điện, y tế và giáo dục. 

Tuy vậy, Mirae Asset cho rằng vẫn cần theo dõi chặt chẽ các yếu tố gây áp lực lên lạm phát trong thời gian tới, bao gồm việc tăng 30% lương cơ sở cho công chức, viên chức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, theo đó sẽ tác động đến lạm phát ở những khía cạnh như tiêu dùng, chi tiêu, đầu tư,...

Có thể bạn quan tâm 

Đến ngày 17/9, tăng trưởng tín dụng đạt 7,38% so với cuối năm 2023


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới