Hủy
Kinh Doanh

Vốn rẻ vẫn rẻ

Hà Cúc Thứ Hai | 18/01/2021 13:30

Nhiều nhận định cho thấy, năm 2021 Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh áp lực lạm phát ở mức thấp. Ảnh: banker247.vn

Thị trường tiếp tục có nhiều khoản vay, tín dụng lãi suất thấp.
 

Năm 2020 tổng dư nợ được Vietcombank hỗ trợ lãi suất cho vay khoảng 441.768 tỉ đồng. Sau 5 đợt cắt giảm lãi suất cho vay, tổng số tiền mà Vietcombank chia sẻ với khách hàng là 3.700 tỉ đồng. Mặt bằng lãi suất cho vay của Ngân hàng thấp nhất trên thị trường. “Hiện nay, định hướng của Vietcombank là giảm lãi suất đầu vào để có cơ sở giảm lãi suất đầu ra. Ngân hàng hiện cũng là đơn vị có quy mô vốn giá rẻ lớn nhất thị trường, tạo tiền đề cho việc giảm tiếp lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành khẳng định.

Thực tế tại Vietcombank phản ánh mặt bằng lãi suất chung của Việt Nam trong năm 2020 đã giảm mạnh về mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành từ 1,5-2 điểm phần trăm; giảm 0,6-1 điểm phần trăm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5 điểm phần trăm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Điều này giúp mặt bằng lãi suất đầu vào giảm, tạo cơ sở để các tổ chức tín dụng hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau dịch bệnh... 

Bước vào tháng cuối cùng của năm 2020, nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cả huy động lẫn cho vay. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động cao nhất tại các ngân hàng phổ biến ở mức 6,5-7,1%/năm khi gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn từ 12 tháng.

Tăng trưởng tín dụng sẽ tăng lên mức 12-13% cùng với sự cải thiện của niềm tin kinh doanh và các hoạt động kinh tế.
Tăng trưởng tín dụng sẽ tăng lên mức 12-13% cùng với sự cải thiện của niềm tin kinh doanh và các hoạt động kinh tế.

Nhiều nhận định cho thấy, năm 2021 Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh áp lực lạm phát ở mức thấp. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ không cắt giảm lãi suất điều hành thêm nữa, nhưng sẽ không nâng lãi suất lên trong năm 2021 nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng cách duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Ngân hàng Nhà nước có thể hỗ trợ thị trường tiền tệ thông qua thị trường mở, gia tăng dự trữ ngoại hối, nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại hoặc lùi thời hạn áp dụng các tiêu chuẩn an toàn tài chính cao hơn đối với các ngân hàng thương mại.

 

"Chúng tôi dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện lên mức 13% trong năm 2021. Chúng tôi đồng thời cho rằng lãi suất huy động và cho vay sẽ giảm 0,20-0,5 điểm phần trăm trong năm 2021 trong bối cảnh chính sách tiền tệ được nới lỏng và áp lực lạm phát hạ nhiệt", báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết.

Ngay những ngày đầu năm 2021, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả. "Nếu nền kinh tế vẫn ổn định, người dân tiếp tục làm ăn, trong nước kiểm soát được dịch, kiểm soát được lạm phát, GDP tiếp tục tăng lên thì mặt bằng lãi suất thấp hiện tại duy trì càng lâu càng tốt, thậm chí tiếp tục giảm nếu có thể”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

 

Có thể thấy, tín dụng đã bật tăng mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2020. Cụ thể, đến cuối quý I/2020 tăng trưởng tín dụng chỉ có 1,31% thì cuối quý II/2020 đã tăng lên 3,65%, cuối quý III tăng 6,08% và vọt lên 12,13% cuối quý IV. Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2021 và cả năm 2021, các tổ chức tín dụng dự kiến "nới lỏng nhẹ" tiêu chuẩn tín dụng đối với các nhóm khách hàng. Các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục tập trung cho vay những lĩnh vực có tiềm năng phục hồi mạnh như bán buôn bán lẻ; xuất nhập khẩu; phục vụ nhu cầu đời sống; xây dựng...

Ở góc độ ngân hàng thương mại, bà Đào Minh Anh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB, nhận định, lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong năm 2021. Bởi vì thanh khoản của các ngân hàng hiện nay khá dồi dào, nhiều ngân hàng tập trung huy động vốn dài hạn, nên nhu cầu vốn dài hạn đến nay có phần giảm, lãi suất cũng vì thế có nhiều dư địa để tiếp tục xu hướng giảm nhẹ hoặc đi ngang.

Trong báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, các chuyên gia phân tích cho rằng chính sách tiền tệ có thể được tiếp tục nới lỏng trong năm nay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình gặp khó khăn kéo dài do đại dịch. Tăng trưởng tín dụng sẽ tăng lên mức 12-13% cùng với sự cải thiện của niềm tin kinh doanh và các hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, những tháng cuối năm 2021, mặt bằng lãi suất huy động sẽ nhích dần lên do nền kinh tế phục hồi. Tiến sĩ Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhận định, lãi suất là giá của đồng tiền, khi nào nhu cầu sử dụng vốn tăng trở lại thì giá của đồng tiền, lãi suất sẽ tăng dần lên. Mặt bằng lãi suất sẽ không tăng quá nhanh và cao ngay được, mà sẽ nhích dần dần. Nhiều khả năng lãi suất sẽ tăng khoảng 0,25-0,5 điểm phần trăm.

Mặc dù vậy, theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, hiện lãi suất 1 năm từ 6,5-7,5%/năm vẫn chấp nhận được. Nếu cắt giảm lãi suất nữa sẽ tác động không tốt đến nền kinh tế về mặt vĩ mô. Tương tự, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, dự đoán lãi suất năm nay sẽ ổn định, nếu có giảm cũng không đáng kể vì đang ở mức tương đối thấp. Thêm nữa, nếu bây giờ có giảm lãi suất nhưng nhu cầu thực tế khách hàng vay vốn không cao, nên lãi suất không phải là rào cản đối với tăng trưởng tín dụng.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới