Xuất khẩu heo đất
Con heo đất là món đồ chơi gắn liền với tuổi thơ của nhiều trẻ em Việt Nam. Những đồng tiền lẻ tiết kiệm gửi gắm vào chú heo đất vẫn luôn mang lại niềm vui cho những bạn nhỏ. Những “ngân hàng mini” này còn gửi cả tâm huyết của rất nhiều người thợ và thật bất ngờ, chúng cũng “lên đường” xuất ngoại sang nhiều thị trường khác.
Những ngày cuối năm, không khí tại các lò heo đất lại càng nhộn nhịp hơn. Các lò không chỉ có heo mà còn sản xuất nhiều con thú như dê, thỏ, chó, gà... Đặc biệt Tết Nguyên đán năm nay là Đinh Dậu, nên gà đất được sản xuất khá nhiều. Tại các cơ sở ở Lái Thiêu (Bình Dương), những chú heo, gà đầy màu sắc đã sẵn sàng đưa ra thị trường. Năm nay, mẫu gà đất còn được phát triển thành gia đình với cặp gà trống mái cùng với gà con, bán với giá 70.000 đồng/sản phẩm. “Thực tế, heo đất làm không đủ để bán. Mỗi tháng, mấy cơ sở này tiêu thụ vài chục ngàn con heo đất”, cô Đỗ Thị Phương Tuyết Mai, một trong những người thợ làm heo đất ở đây, cho biết.
“Lò làm thì nhiều nhưng chẳng biết xóm heo đất có từ khi nào bởi từ nhỏ người ta đã quen với mùi thơm sơn phết trên từng con heo. Lớn lên được người lớn dạy cứ thế mà làm thôi và nghề làm heo đất đã theo tôi hơn 50 năm rồi”, ông Trịnh Ngọc Sơn, chủ một cơ sở sơn heo đất, tâm sự.
Tại Lái Thiêu, cơ sở của cô Mai hiện là một trong số rất ít những lò còn lại của khu vực. Nói số ít bởi ở đây hầu hết các cơ sở đều nhập heo thô từ Tân Uyên về, sau đó sơn, vẽ. Do công đoạn sơn, vẽ được làm bằng tay nên mỗi chú heo đều có những nét mặt, chi tiết khác nhau. Nói cách khác, để một chú heo đất tới tay người tiêu dùng sẽ phải qua 2 cơ sở với nhiều công đoạn. Phức tạp, khó khăn và đòi hỏi kỹ thuật cũng như kinh nghiệm nhiều nhất là công đoạn pha trộn hồ, đổ khuôn, vuốt. Thậm chí, tới đốt lò cũng phải biết cách để heo không bị xốp, giòn, nổ bể trong khi đốt hoặc lúc vận chuyển sang cơ sở tô, vẽ.
Mỗi con heo đất thô được bán với giá 4.000-5.000 đồng, còn heo đất xuất khẩu có mẫu mã cầu kỳ hơn, bán với giá 20.000 đồng. Thị trường nhập khẩu heo đất của Việt Nam chủ yếu là Campuchia ngoài ra còn Thái Lan, Lào... “Lò của chúng tôi cung ứng được cả 4 cỡ: đại, trung, lỡ và cóc cho thị trường. Riêng hàng heo đại đòi hỏi khó hơn về cách đổ khuôn. Theo các đơn đặt hàng, sản phẩm cung ứng cho xuất khẩu và trong nước tỉ lệ khoảng 50/50. Vận chuyển heo đất không bằng xe mà phải bằng ghe, mỗi ghe chở vài chục ngàn con. Hiện nay, hầu hết những lò sản xuất luôn trong tình trạng hút hàng, không đủ cung cấp cho các cơ sở vẽ màu”, cô Mai cho biết.
Mặc dù nhận định thị trường còn rất lớn nhưng cô Mai cũng băn khoăn khi nghĩ về tương lai của nghề này. Từ hơn 200 cơ sở nay chỉ còn khoảng 20 cơ sở còn gắn bó với nghề. Nhiều lò đã phải di dời vì ảnh hưởng đến môi trường. Vì thế, cô Mai mong sẽ có thêm nguồn vốn để đầu tư được nhà xưởng, lò nung hiện đại hơn, để sản xuất được nhiều sản phẩm hơn cung cấp cho thị trường. “Giữ cái nghề truyền thống thôi, chứ bán cho hàng trong nước không có lời bằng làm hàng xuất khẩu. Với loại heo đại, từ 70kg đất ban đầu, sau khi nung còn 3kg mỗi con, cứ như vậy phải qua tay 6, 7 người thợ mới ra được một thành phẩm, không còn lời là bao”, cô Mai chia sẻ.
Theo cô Mai, 3 năm trước, thị trường heo đất từng bị chựng lại bởi một số sản phẩm làm bằng nhựa được nhập từ Trung Quốc cạnh tranh. Tuy nhiên, sau khi nhiều phụ huynh nhận được cảnh báo về chất nguy hại trong nhựa nên đã quay lại mua heo đất cho con. Theo đó, làng nghề làm heo đất cũng khởi sắc lại. Khó khăn là vậy nhưng phần lớn những người bám nghề đều mong làng nghề sẽ trở lại thời vàng son, mong ước con heo đất sẽ giúp cuộc sống của họ bớt khó khăn. Ít ra thì từ con heo đất này con cái họ được ăn học đàng hoàng.
Hoàng Quân
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Nguyễn Mai