Xuất khẩu thủy sản 3 tháng cuối năm sẽ đạt 2,3 tỉ USD?
Quý III/2020, xuất khẩu thủy sản đã tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái đạt gần 2,4 tỉ USD. Ảnh: Lien minh Hợp tác xã Việt Nam
Do tác động của dịch COVID-19, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý I giảm 10% và tiếp tục giảm 7% trong quý II đạt gần 1,8 tỉ USD. Tuy nhiên, sang quý III, xuất khẩu thủy sản đã tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái đạt gần 2,4 tỉ USD.
Sau khi hồi phục tương đương với cùng kỳ năm ngoài trong tháng 7 và 8, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 ước đạt 790 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái và lũy kế 9 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản ước đạt giảm 4% đạt gần 6 tỉ USD.
Xu hướng tiêu thụ thủy sản trên thị trường thế giới thay đổi, theo đó những sản phẩm phục vụ cho phân khúc dịch vụ như cá tra và một số sản phẩm có giá vừa phải bị sụt giảm nhu cầu vì yêu cầu giãn cách xã hội và lệnh phong tỏa ở các nước.
Tôm vẫn là trụ cột trong xuất khẩu
Trong số các sản phẩm xuất khẩu chính, chỉ có tôm có mức tăng trưởng xuất khẩu khả quan trong 9 tháng đầu năm, nhất là 6 tháng gần đây vì vậy kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm tỷ trọng chi phối, hơn 44% giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam (so với năm 2019 chiếm 38,5%).
Ước xuất khẩu tôm trong tháng 9.2020 đạt 369 triệu USD, tăng 20% và lũy kế tính đến cuối tháng 9.2020 xuất khẩu tôm tăng 10% đạt 2,7 tỉ USD và giữ được tăng trưởng trong cả 8 tháng (trừ tháng 1 do nghỉ Tết Nguyên đán.
Ảnh: Qúy Hòa |
Từ quý III, các doanh nghiệp tôm tăng tốc xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc. Xuất khẩu sang các thị trường khác như Anh, Canada vẫn duy trì tăng trưởng khả quan từ đầu năm đến nay.
Duy có thị trường châu Âu bị sụt giảm liên tiếp qua 2 quý: giảm 4% trong quý I và tiếp tục giảm sâu gần 10% trong quý II. Tuy nhiên, xuất khẩu bắt đầu phục hồi 2% từ tháng 7 và tăng mạnh 16% trong tháng 8.2020 cho thấy thuế nhập khẩu tôm đông lạnh vào châu Âu giảm về 0% (theo hiệp định EVFTA) đã tác động tích cực đến xuất khẩu sang thị trường này.
Trong khi cá tra liên tục sụt giảm xuất khẩu dẫn đến chỉ chiếm 17,6% (giảm so với 23,6% cùng kỳ năm 2019). Cá tra là mặt hàng có doanh số xuất khẩu giảm sâu nhất trong cả quý I (giảm 29%) và quý II (giảm 32%), tiếp tục giảm 27% và 29% trong tháng 7 và tháng 8. Xuất khẩu cá tra trong tháng 9 tiếp tục giảm 14% với doanh số đạt 135 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu lũy kế 9 tháng đầu năm giảm 28% đạt khoảng 1 tỉ USD.
Ảnh: Qúy Hòa |
Dịch bùng phát trên toàn thế giới, nhu cầu cá tra sụt giảm mạnh tại các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Asean do giãn cách xã hội làm giảm tiêu thụ ở phân khúc horica. Trong khi đó, nguồn cung trong nước và lượng tồn kho tăng, càng khiến cho xuất khẩu cá tra khó khăn.
Xuất khẩu sang tất cả các thị trường đều giảm liên tiếp trong 9 tháng qua, trừ thị trường Anh tăng trưởng mạnh 24% và sẽ là thị trường bù đắp cho sự sụt giảm của các thị trường khác trong những tháng cuối năm, cùng với thị trường Mỹ cũng đang có xu hướng hồi phục từ tháng 7 dù chỉ tăng nhẹ 2-4%.
Xuất khẩu các mặt hàng hải sản đều sụt giảm, tuy nhiên tỷ trọng của hải sản trong tổng xuất khẩu vẫn tương đương cùng kỳ năm ngoái (hải sản chiếm 38% tổng xuất khẩu thủy sản). Dịch COVID-19 khiến giao dịch với các thị trường sụt giảm.
Ngoài ra đối với các mặt hàng hải sản như cá ngừ, mực, bạch tuộc thì xuất khẩu thêm khó vì thiếu nguyên liệu do giãn cách xã hội khiến hoạt động đánh bắt thủy sản giảm, sản lượng khai thác ít, việc nhập khẩu nguyên liệu từ các nước cũng khó vì thiếu và vì lệnh phong tỏa. Tổng xuất khẩu hải sản 8 tháng đầu năm 2020 đạt gần 2 tỉ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2019.
Dự báo cuối năm
Theo đó, ước tính đến cuối năm 2020, xuất khẩu thủy sản cả nước chỉ đạt khoảng 8,23 tỉ USD, giảm 4% so với năm ngoái. Trong đó, tôm ước đạt 3,7 tỉ USD, cá tra khoảng 1,4 tỉ USD còn xuất hải sản đạt hơn 3,1 tỉ USD, giảm 3%.
Mặc dù dự báo khó tăng trưởng dương nhưng theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, thủy sản Việt Nam vẫn có cơ hội ở các thị trường. Trong đó, tại thị trường Mỹ có thể tiếp tục được đẩy mạnh xuất khẩu tôm, nhất là tôm chân trắng, vì sản phẩm này vẫn tiêu thụ tốt tại phân khúc bán lẻ. Đồng thời Việt Nam có thể tăng chế biến và xuất các sản phẩm có thời hạn bảo quản lâu như cá ngừ và cá biển khác đóng hộp.
Đối với thị trường châu Âu, các mặt hàng thủy sản như tôm, cá ngừ, mực bạch tuộc và nhuyễn thể được hưởng thuế 0% khi hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1.8 sẽ là đòn bẩy thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Tại thị trường Trung Quốc, dự báo nhu cầu sẽ hồi phục trong những tháng cuối năm, khi nguồn cung trong nước của Trung Quốc bị giảm do dịch bệnh.
► Thủy sản sẽ “tươi sáng” mùa cuối năm
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư