Xuất khẩu tôm Việt sang Mỹ sẽ thế nào dưới thời ông Trump?
Sự kiện ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ có tác động tới nhập khẩu hàng hóa trong đó có thủy sản vào nước này. Ảnh: VASEP.
Mỹ là thị trường đơn lẻ nhập khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, chiếm tỉ trọng 20% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Tính tới 15/10/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt gần 600 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Số liệu từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 3 quý đầu năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 566 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023. Sau khi giảm 7% trong quý II, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong quý III đảo chiều tăng 19%. Quý III năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 263 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ 2023.
Nguồn: VASEP |
Lượng hàng tồn kho giảm, nhu cầu phục vụ dịp lễ cuối năm, triển vọng kinh tế tích cực hơn phần nào giúp xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ khả quan hơn.
3 quý đầu năm 2024, trong cơ cấu sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, tôm chân trắng vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất (85,5%), tiếp đó là tôm sú (8,9%), còn lại là tôm loại khác. Giá trị xuất khẩu tôm sú chế biến ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất 44%. Trong nhóm sản phẩm tôm loại khác xuất khẩu, tôm loại khác tươi/đông lạnh tăng trưởng mạnh nhất 188%.
Theo FAS.USDA, Mỹ nhập khẩu 550.162 tấn tôm, trị giá 4,3 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm nay, giảm 4% và giảm 10% lần lượt về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng từ số liệu của FAS.USDA, trong 9 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu tôm vào Mỹ từ Việt Nam ghi nhận tích cực hơn các đối thủ khác như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan.
Ấn Độ là nguồn cung cấp tôm hàng đầu cho Mỹ, xuất khẩu 213.520 tấn, trị giá 1,6 tỉ USD tôm trong 9 tháng đầu năm nay, giảm 1% về lượng và giảm 7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Ngày 22/10 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá (AD) với tôm nước ấm đông lạnh từ Ecuador và Indonesia và các cuộc điều tra thuế chống trợ cấp (CVD) với tôm nước ấm đông lạnh từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.
Theo đó, thuế CVD đối với tôm Ấn Độ là 5,77%, cao hơn của Việt Nam (2,84%). Đối với các nước khác, tôm Ecuador nhận được kết quả tích cực với thuế AD tuy nhiên phải nhận mức thuế CVD trung bình là 3,78%. Indonesia thì ngược lại với kết quả tích cực với thuế CVD nhưng phải nhận mức thuế AD trung bình là 3,90%. Tôm Việt Nam ghi nhận kết quả tích cực hơn 3 nước còn lại trong đợt công bố này của DOC.
Theo VASEP, sự kiện ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ có tác động tới nhập khẩu hàng hóa trong đó có thủy sản vào nước này. Sự kiện Tổng thống mới của Mỹ sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức cho xuất khẩu tôm của Việt Nam, phụ thuộc vào mức thuế hàng hóa mà Chính quyền ông Trump sẽ áp dụng.
Ông Trump đã đề xuất thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Mỹ; riêng hàng hóa từ Trung Quốc bị áp thuế 60%. Những đề xuất này của ông Trump có thể đẩy giá tiêu dùng lên cao hơn cùng với khả năng cắt giảm GDP và việc làm. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc cũng sẽ trở thành tâm điểm trong lĩnh vực thương mại nông nghiệp toàn cầu bởi Trung Quốc là thị trường tiêu dùng hàng đầu của nhiều sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Nguồn Theo VASEP
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Hải Vân
-
Công Sang
-
Hải Đăng
-
Trung Nam