Doanh nghiệp chậm xanh hóa
Sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân là rất cần thiết trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Ảnh: AFP
Khu vực tư nhân đang bị tụt lại đằng sau, đặc biệt trong các ngành kinh tế mà sức khỏe của các chuỗi giá trị gắn chặt mật thiết với sức khỏe của thiên nhiên. Đây là một khám phá quan trọng từ một báo cáo phân tích vừa được công bố bởi UN Climate Change High-Level Champions, Global Canopy, Rainforest Alliance và các đơn vị khác.
Trong số 148 doanh nghiệp lớn được đánh giá trong báo cáo này, chỉ có 9 công ty, tương đương 6% tổng số doanh nghiệp, đang có những tiến bộ mạnh mẽ trong việc chấm dứt nạn phá rừng. Trong đó có nhà sản xuất giấy và bột giấy Brazil Suzano và 5 trong số các công ty hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới là Nestlé, PepsiCo, Unilever, Mars và Colgate-Palmolive.
Unilever, chẳng hạn, cam kết tạo ra một chuỗi cung ứng hoàn toàn “thoát ly” phá rừng vào năm 2023 và do đó, đang tập trung sự chú ý vào dầu cọ, giấy và bìa, trà, đậu nành và ca cao vì những mặt hàng này đóng góp tới hơn 65% tác động lên đất đai của Tập đoàn. Còn Nestlé hiện có 97% các chuỗi cung ứng thịt, dầu cọ, giấy và bột giấy, đậu nành và đường không dính đến phá rừng. PepsiCo cũng nhắm đến triển khai canh tác tái sinh ở khắp các chuỗi cung ứng nông nghiệp của Hãng đến năm 2030.
Sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân là rất cần thiết trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Có thể thấy, chỉ số đa dạng sinh học toàn cầu đã giảm hơn 50% kể từ năm 1970 khi số lượng chủng loài động thực vật tiếp tục suy giảm. Nạn phá rừng - được thúc đẩy bởi các hoạt động sản xuất thiếu bền vững liên quan đến dầu cọ, đậu nành, các sản phẩm thịt gia súc, giấy và bột giấy... - là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự mất đa dạng sinh học này.
“Ngăn chặn nạn phá rừng làm nông nghiệp để giảm phân nửa lượng khí thải carbon và đảo ngược quá trình mất đa dạng sinh học đến năm 2030 là rất cần thiết để các doanh nghiệp đạt mục tiêu net zero. Không có cách nào khác giữ mức tăng nhiệt độ trái đất ở mức 1,5 độ C ngoài điều này”, các chuyên gia về khí hậu Nigel Topping và Gonzalo Muñóz nhận định.
Điều đáng lo là thời gian rất đuổi. Giới khoa học đã chỉ ra, để tránh các thảm họa môi trường tồi tệ nhất do biến đổi khí hậu và để xây dựng năng lực phục hồi trước những tác động đã xảy ra, cần phải chấm dứt tình trạng mất đa dạng sinh học trước thời điểm 2030. Điều đó có nghĩa là phải bảo tồn dài hạn cho ít nhất 30% diện tích đất và đại dương trong 8 năm, sau đó vẽ ra một lộ trình hướng tới sống hòa hợp với thiên nhiên vào năm 2050.
Thiên nhiên được xem là một loại vốn toàn cầu và bảo vệ thiên nhiên là điều tất yếu đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các chính phủ. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) chỉ ra “có đến 44.000 tỉ USD giá trị kinh tế tạo ra - chiếm hơn phân nửa tổng GDP của thế giới - phụ thuộc vào thiên nhiên ở mức tương đối và cao”. Nhưng nguồn giá trị to lớn này đang đứng trước nguy cơ bị "bốc hơi", có thể thấy rõ qua cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay, vốn có nguyên nhân không chỉ từ chiến sự Nga – Ukraine mà còn do các thảm họa liên quan đến khí hậu như hạn hán và sóng nhiệt tại Ấn Độ, lũ lụt ở Trung Quốc hay nạn châu chấu ở Đông Phi.
Đó là lý do tại hội nghị về biến đổi khí hậu COP26, các quốc gia chiếm tới hơn 90% diện tích rừng của thế giới tuyên bố sẽ ngăn chặn mất rừng và thoái hóa đất vào năm 2030. Và hơn 10 quốc gia cam kết cung cấp 12 tỉ USD tài chính công cho các hoạt động bảo vệ rừng vào năm 2025 và nỗ lực thúc đẩy tài chính tư nhân cho mục đích tương tự.
Tuy nhiên, phía các doanh nghiệp vẫn còn chậm chạp. Một bằng chứng là ngành tài chính vẫn ì ạch trong việc chuyển sang các hoạt động “thuận” theo thiên thiên. Kể từ hội nghị COP26 tại Glasgow vào năm ngoái, chỉ 35 doanh nghiệp tài chính đưa ra các cam kết đối phó với nạn phá rừng vào năm 2025. Niki Mardas, Giám đốc Điều hành của Global Canopy, cho biết: “Đánh giá Forest 500 của chúng tôi chỉ ra hơn 2/3 các định chế tài chính mà cấp vốn nhiều nhất cho những công ty trong diện "thiếu bền vững” vẫn đang phớt lờ nạn phá rừng. Trong số các công ty này có 4/5 nhà đầu tư lớn nhất thế giới, tổng cộng cấp các khoản vay lên tới 2.700 tỉ USD. Thậm chí nhiều trong số các công ty nói trên dù có đưa ra cam kết nhưng mức độ tuân thủ cam kết vẫn không cao”.
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu rõ ràng vẫn đầy thách thức nhưng đồng thời mang đến những cơ hội kinh doanh rất lớn. Theo báo cáo của WEF, các chính sách bảo vệ thiên nhiên ước tính tạo ra 10.000 tỉ USD giá trị kinh doanh mới hằng năm và tạo ra 395 triệu việc làm vào năm 2030. Một cách tiếp cận hài hòa với thiên nhiên cũng sẽ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí. Chẳng hạn, theo Dasgupta Review, các hạ tầng xanh như đầm muối và rừng ngập mặn có chi phí rẻ hơn gấp 2-5 lần so với các công trình hạ tầng xám như đê chắn sóng.
Một tín hiệu đáng mừng là trong khuôn khổ của Glasgox Financial Alliance for Net Zero, 500 công ty tài chính với 135.000 tỉ USD giá trị tài sản được quản lý đã cam kết giảm phân nửa lượng thải khí đến từ các danh mục đầu tư của họ vào năm 2030 và đạt tới net zero vào năm 2050. Hiện tổ chức này cũng đã công bố những hướng dẫn mới về net zero, trong đó có đưa ra các chính sách, kiến nghị để giải quyết nạn phá rừng.
“Bảo vệ rừng và tính đa dạng sinh học cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong đó, các định chế tài chính đóng vai trò then chốt bằng cách sử dụng ảnh hưởng của họ đối với các công ty mà họ đầu tư để khuyến khích và đảm bảo những doanh nghiệp này thực hành bền vững”, Amanda Blanc, Group CEO của Aviva Plc, nhận xét.
(Tổng hợp)
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Việt Phong (Tổng hợp)
-
Hằng Nguyễn
-
An Hạ