Gom rác đổi quà
Thu đổi rác tái chế lấy xà bông, dầu gội, sữa tắm là một trong những hoạt động nằm trong dự án “Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và xử lý rác thải nhựa tại Hà Nội”. Ảnh: TL.
Tháng 12/2021, với dự án “Bold Grows Our Future”, Singapore đã cải tạo biển quảng cáo ngoài trời tại các bến xe buýt trên khắp đất nước thành các “nông trại trong đô thị”. Chiến dịch trồng rau xanh tại đô thị là nỗ lực của Quỹ Đầu tư Quốc gia Singapore (GIC) trong việc phát triển tương lai bền vững và mang đến không gian sống xanh cho các đô thị ở Singapore.
Bên trong bảng quảng cáo ngoài trời tại các điểm dừng xe buýt, những tình nguyện viên trồng các loại rau xanh hữu cơ như bông cải xanh, cải thảo, rau diếp bơ... và hằng tuần đến tưới nước, chăm bón, thu hoạch. Các điểm dừng xe buýt được lựa chọn dựa trên tiêu chí “lưu lượng giao thông và tầm nhìn” để có thể dễ dàng nâng cao nhận thức của mọi người về việc sản xuất lương thực bền vững.
Rau xanh sẽ được thu hoạch vào cuối tuần rồi chuyển thẳng từ bến xe buýt đến một bếp ăn từ thiện, nơi cung cấp 9.500 bữa ăn hằng ngày cho những người có hoàn cảnh khó khăn ở Singapore. Đại diện GIC cho biết: “Chúng tôi hy vọng vườn rau xanh tại các bến xe buýt sẽ khơi dậy cho mọi người những ý tưởng về cách trồng rau sạch tại nhà hoặc trong cộng đồng”.
Bên cạnh việc trồng rau xanh tại các bảng quảng cáo nhà chờ xe buýt, hiện GIC còn phối hợp với Ban Công viên Quốc gia Singapore phát động chương trình “Mỗi đứa trẻ là một hạt giống”. Dự án này giúp thế hệ trẻ có cơ hội được tự tay trồng trọt, chăm sóc cây cối cũng như trải nghiệm niềm vui khi thấy cây của mình lớn lên từng ngày.
Tại Hà Nội, một hoạt động khác cũng được khơi nguồn từ nỗ lực nâng cao ý thức của người dân. Từ nửa năm qua, vào những buổi sáng cuối tuần, nhiều người dân mang rác có thể tái chế đến điểm đổi quà. Thu đổi rác tái chế lấy xà bông, dầu gội, sữa tắm là một trong những hoạt động nằm trong dự án “Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và xử lý rác thải nhựa tại Hà Nội” do Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) phối hợp với các đơn vị triển khai từ tháng 8/2021.
Bà Nguyễn Thị Thùy Ninh, đại diện Urenco, cho biết: ”Qua hoạt động đổi quà từ rác tái chế, chúng tôi mong muốn chuyển tải đến người dân thông điệp: rác chưa phân loại chỉ là rác, rác phân loại rồi sẽ là tài nguyên, có giá trị như những mặt hàng tiêu dùng”. Hiện Urenco triển khai 7 điểm đổi rác lấy quà tại Hà Nội, thuộc các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình. Người dân cũng có thể cài đặt ứng dụng trên điện thoại, liên hệ với nhân viên môi trường để đặt lịch thu gom rác tái chế. Sau khi tiếp nhận rác từ dân, đơn vị này tiếp tục phân loại một lần nữa để chuyển về kho và mang đến các địa điểm tái chế rác thải.
Sắp tới, những phim ngắn về thực trạng rác nhựa đang đe dọa đa dạng sinh học của Côn Đảo, các chú rùa biển như thế nào sẽ được trình chiếu tại các điểm lưu trú, điểm dừng chân ở bến tàu phà, sân bay, các khu công cộng tại trung tâm huyện Côn Đảo. Ảnh: Xuân Đà. |
Tương tự như ở Hà Nội, vài tháng qua, nhiều phụ nữ Hội An thích thú với việc gom vỏ lon, chai nhựa, giấy, bìa carton... để đổi gạo. Nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn của người dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hội An, Quảng Nam đã tổ chức chương trình “Đổi rác lấy gạo - Cùng nhau đi qua mùa dịch”. Chương trình nhằm kêu gọi công chức, hội viên phụ nữ phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nylon, đồng hành với người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Nguồn kinh phí mua gạo từ sự đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân và nguồn kinh phí môi trường của Hội. Lượng phế liệu khi thu gom được bán để gây quỹ môi trường xanh. Hội đã triển khai quỹ này được 5 năm, dùng để hỗ trợ phụ nữ khó khăn, trẻ em nghèo.
Tại Côn Đảo vào mùa cao điểm du lịch, ô nhiễm rác thải, đặc biệt là từ túi nylon rất nghiêm trọng nhưng địa phương chưa có cách xử lý. Phương án đóng ép rác thải chuyển về đất liền xử lý, vừa bàn thảo đã nhanh chóng bị loại bỏ bởi chi phí quá lớn. Việc xây dựng nhà máy tại chỗ dù khả thi nhưng chưa có nhà đầu tư nào mặn mà xuất vốn. Khi mùa gió chướng Đông Bắc tràn về vào mỗi dịp cuối năm, cũng là lúc Côn Đảo bị bủa vây bởi đủ thứ rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Rác từ đại dương theo sóng dạt vào. Rác tràn từ khu vực xử lý rác thải duy nhất trên đảo tại Bãi Nhát, chảy thẳng ra biển...
Nhưng những cư dân trẻ của Côn Đảo không thờ ơ trước tình trạng này. “Trash2Art-keeping Côn Đảo Clean” (Trash2Art) được thành lập và nhanh chóng mở rộng thành viên, duy trì lịch sinh hoạt “nhặt rác” đều đặn mỗi Chủ nhật hằng tuần.
Để giảm lượng rác nhựa đại dương từ các hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đến Côn Đảo, Tổ chức WWF - Việt Nam phối hợp với Tổng Cục Biển và Hải đảo - Bộ Tài nguyên và Môi trường, triển khai dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”. Yurgen Kallee, người Áo, thành viên của Trash2Art, cho rằng, đây là lựa chọn tốt để tạo nên sự thay đổi căn bản trong nâng cao kiến thức cộng đồng, cũng như nâng cao năng lực cán bộ trong quản lý, thực hiện các hoạt động liên quan quản lý chất thải, rác thải nhựa cả từ nguồn trên đảo và từ đại dương...
Điểm nhấn của dự án là triển khai thí điểm “Chợ Côn Đảo giảm túi nylon” phối hợp đón nhận sự tham gia nhiệt tình của hơn 70 tiểu thương. Người dân thật sự bị thu hút khi được xem nhiều đoạn phim ngắn cho thấy sự nguy hiểm trực tiếp từ rác thải nhựa. Có nhiều người còn ồ lên khi được nghe những đoạn thu âm “quảng cáo” như đối thoại của người dân về việc làm sao giảm rác thải.
Sự sáng tạo trong truyền thông tạo hiệu ứng lan tỏa thú vị với ngay cả những người làm chương trình. Sắp tới, những phim ngắn về thực trạng rác nhựa đang đe dọa đa dạng sinh học của Côn Đảo, các chú rùa biển như thế nào sẽ được trình chiếu tại các điểm lưu trú, điểm dừng chân ở bến tàu phà, sân bay, các khu công cộng tại trung tâm huyện Côn Đảo.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Việt Phong (Tổng hợp)
-
Hằng Nguyễn
-
An Hạ