Hủy

Hàng trăm nhà đầu tư toàn cầu đã kêu gọi hơn 1.800 công ty cắt giảm lượng khí thải

Sơn Mai Thứ Bảy | 31/10/2020 22:44

Ngày càng có nhiều nhà đầu tư kêu gọi hành động vì môi trường. Ảnh: kinhtemoitruong

 
 
Những tác động của môi trường đến đời sống con người và doanh nghiệp ngày càng lớn, vì thế đầu tư cho môi trường là một tất yếu trong tương lai.

►Biến đổi khí hậu đang là yếu tố ảnh hưởng tới giá trị vốn hóa thị trường của các công ty vì giới đầu tư ngày càng tập trung vào việc khử carbon. 

►Trên các thị trường chứng khoán, lượng khí thải carbon đã ảnh hưởng đến giá trị vốn hóa thị trường. 

►Các nhà đầu tư nhận ra biến đổi khí hậu là rủi ro trực tiếp đối với thu nhập của doanh nghiệp. 

Xu hướng đầu tư mới hướng đến các doanh nghiệp thân thiện hơn với môi trường

Biến đổi khí hậu đang là yếu tố ảnh hưởng tới giá trị vốn hóa thị trường của các công ty vì giới đầu tư ngày càng tập trung vào việc khử carbon. Vừa qua, 137 nhà đầu tư toàn cầu nắm giữ 20.000 tỉ USD tài sản đã kêu gọi hơn 1.800 công ty đặt ra các mục tiêu dựa trên khoa học để cắt giảm lượng khí thải. Theo CDP, một nhóm phi lợi nhuận điều phối hoạt động này, các công ty này tạo ra 25% lượng khí thải carbon của thế giới.

Các nhà đầu tư, gồm cả Axa của Pháp và Nikko Asset Management của Nhật Bản, đã hành động vì nếu không làm vậy, thì những người bỏ tiền vào họ cũng sẽ phải trả giá.

Ảnh:langson
Theo CDP, một nhóm phi lợi nhuận điều phối hoạt động này, các công ty này tạo ra 25% lượng khí thải carbon của thế giới. Ảnh:langson

Theo bà Emily Kreps, Giám đốc toàn cầu Thị trường vốn tại CDP, biến đổi khí hậu gây ra rủi ro vật chất cho các khoản đầu tư, và những công ty không đặt mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học có nguy cơ thua lỗ và gây ra thiệt hại lớn hơn cho nền kinh tế thế giới.

Nikkei cho biết, ngày càng có nhiều nhà đầu tư kêu gọi hành động vì môi trường. Năm 2019, hệ thống Hưu trí của California Public Employees, một quỹ hưu trí lớn của Mỹ, đã công bố cam kết đạt danh mục đầu tư không có carbon vào năm 2050. Một số nhà đầu tư đã gây áp lực với các thành viên hội đồng quản trị công ty bằng cách bỏ phiếu ‘không’ tại các cuộc họp thường niên.

Trên các thị trường chứng khoán, lượng khí thải carbon đã ảnh hưởng đến giá trị vốn hóa thị trường. Theo dữ liệu phát thải carbon của các công ty từ MSCI, 30 tập đoàn giảm lượng khí thải carbon lớn nhất từ năm 2014 đến năm 2018 đã ghi nhận ​​giá trị vốn hóa thị trường tăng 15% vào tháng 9 năm nay so với tháng 12.2017. Trong khi, 30 công ty tăng lượng khí thải carbon nhiều nhất trong giai đoạn năm 2014 - 2018 có ​giá trị vốn hóa thị trường giảm 12% so với cùng kỳ.

Ảnh:motthegioi
Năm 2019, hệ thống Hưu trí của California Public Employees, một quỹ hưu trí lớn của Mỹ, đã công bố cam kết đạt danh mục đầu tư không có carbon vào năm 2050. Ảnh:motthegioi

Ví dụ tương tự cũng có thể được ghi nhận trong lĩnh vực năng lượng. Tháng 5, công ty dầu khí của Pháp là Total đã công bố mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Công ty đã giảm 9% lượng khí thải trong 4 năm cho đến năm 2018, trái ngược với Exxon Mobil, với ​​lượng khí thải tăng 1% trong cùng kỳ.

Doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực quan tâm đến biến đổi khí hậu và năng lượng sạch

Trong lĩnh vực sản xuất, năm 2015, Siemens công bố ý định trở thành công ty không carbon vào năm 2030. Tháng 9, công ty đã niêm yết công ty con Siemens Energy, nhà sản xuất tuabin khí và thiết bị truyền tải, và sau đó Siemens Energy bị tách khỏi báo cáo tài chính hợp nhất của Siemens. Hitachi của Nhật Bản cũng đã thoái vốn khỏi mảng kinh doanh tuabin khí và hướng tới mục tiêu không carbon vào năm tài chính 2030.

Năm 2017, Lực lượng Đặc nhiệm về Công bố Tài chính Liên quan đến Khí hậu, do Hội đồng Bình ổn Tài chính thành lập, đã khuyến nghị các công ty và nhà đầu tư xây dựng việc công bố thông tin rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu một cách nhất quán.

Ảnh:khoahocvaphattrien
Các nhà đầu tư nhận ra biến đổi khí hậu là rủi ro trực tiếp đối với thu nhập của doanh nghiệp. Ảnh:khoahocvaphattrien

Điều này đã giúp các nhà đầu tư nhận ra biến đổi khí hậu là rủi ro trực tiếp đối với thu nhập của doanh nghiệp. Akemi Hatano, một nhà phân tích của SBI Security, nhận định việc nhiều công ty tiết lộ lượng khí thải carbon giúp các nhà đầu tư dễ so sánh. Theo ông Akemi, "Đây là một trong những lý do dấu chân carbon ảnh hưởng đến giá cổ phiếu".

Các khoản đầu tư cũng đang đổ vào những công ty năng lượng sạch như NextEra Energy, một công ty năng lượng tái tạo của Mỹ. Giá trị vốn hóa thị trường của NextEra Energy đã vượt qua gã khổng lồ dầu mỏ ExxonMobil vào đầu tháng 10. Tại Nhật Bản, giá trên lợi nhuận một cổ phiếu dự phòng của Renova, một công ty năng lượng tái tạo, đã lọt top 140.

Trong lĩnh vực ô tô, giá cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện Tesla đang tăng mạnh, trong khi Toyota Motor vẫn ảm đạm. Điều này chứng tỏ nhiều nhà đầu tư đang đặt cược vào sự chuyển đổi năng lượng nhanh chóng. Trong giai đoạn năm 2014 - 2018, tổng lượng khí thải của khoảng 2.000 công ty lớn trên thế giới đã giảm 5%.

Ảnh:VNCPC
Trong giai đoạn năm 2014 - 2018, tổng lượng khí thải của khoảng 2.000 công ty lớn trên thế giới đã giảm 5%. Ảnh:VNCPC

Tuy nhiên, con số này của các công ty Nhật Bản chỉ là 1%, cho thấy còn rất nhiều việc phải làm. Các chính sách như giới hạn và thương mại hoặc thuế carbon có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, nhưng thuế carbon ở Nhật Bản vẫn ở mức thấp.

Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc việc đánh thuế biên giới carbon, điều này sẽ cản trở các công ty Nhật Bản vào thị trường EU. Trong khi Mỹ sẽ thực hiện chính sách năng lượng sạch mạnh mẽ hơn nếu ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Với việc ngày càng nhiều chính phủ và công ty lo ngại biến đổi khí hậu, Nhật Bản phải tăng tốc những nỗ lực khử carbon của chính mình.

►Lưu lượng giao thông Việt Nam tiết lộ mức độ phục hồi đạt 54% so với trước COVID-19


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới