Hủy
Tạp chí số 794

Hậu kiểm toán: Lời có thể hoá lỗ

Kim Dung Thứ Năm | 15/09/2022 07:30

Vì muốn giữ danh tiếng, các công ty kiểm toán thuộc Big 4 thường từ chối kiểm toán một số doanh nghiệp "đặc biệt". Ảnh: vneconomy.vn.

 
 
Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp bỗng nhiên “bốc hơi” tiền tỉ sau kiểm toán.

Nửa đầu năm 2022, thị trường xuất hiện tình trạng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp bỗng nhiên “bốc hơi” sau kiểm toán, hay có những doanh nghiệp đang lãi, bỗng nhiên hóa lỗ. Đa phần sự chênh lệch giữa báo cáo tài chính tự lập và kiểm toán có liên quan đến những quan điểm khác nhau trong việc hạch toán của doanh nghiệp và đơn vị kiểm toán.

Chênh lệch ngàn tỉ

Có lẽ nổi bật nhất là trường hợp của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã KBC). Cụ thể, sau kiểm toán lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 của Công ty đạt hơn 200,2 tỉ đồng, chênh lệch giảm so với lợi nhuận sau thuế hợp nhất tại báo cáo tài chính 6 tháng do Công ty tự lập là hơn 2.256 tỉ đồng (giảm 91,8%). Nguyên nhân của sự chênh lệch này có liên quan đến bút toán ghi nhận giao dịch mua công ty liên kết là Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng.

 

Đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính của Đô thị Kinh Bắc là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Ernst & Young Việt Nam. Công ty kiểm toán cho biết không thấy có vấn đề gì khiến họ cho rằng báo cáo hợp nhất giữa niên độ của Đô thị Kinh Bắc không phản ánh trung thực và hợp lý.

Trên khía cạnh trọng yếu, tình hình hoạt động kinh doanh của Đô thị Kinh Bắc được kiểm toán đánh giá là phù hợp với các chuẩn mực kế toán Việt Nam. Tuy nhiên, Ernst & Young Việt Nam đã đưa những lưu ý có liên quan đến giao dịch mua công ty liên kết là Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng.

Tương tự như trường hợp của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã SHS) đã chuyển từ lãi sang lỗ; hay Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã TTF) “mất” hơn 42% lợi nhuận sau thuế hậu kiểm toán. Đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính cho 2 công ty này cũng không đưa ra ý kiến kiểm toán “bất thường” như ý kiến chấp nhận từng phần; ý kiến từ chối hay ý kiến không chấp nhận đối với báo cáo tài chính của 2 công ty này.

Nhiều công ty cũng cho biết, do mức độ phức tạp của các giao dịch nên cần nhiều thời gian hơn để đơn vị kiểm toán soát xét nội dung.

Hình ảnh minh họa: TL.
Hình ảnh minh họa: TL.

Trong khi đó, vì muốn giữ danh tiếng, các công ty kiểm toán thuộc Big 4 thường từ chối kiểm toán một số doanh nghiệp "đặc biệt". Chẳng hạn, mới đây, do bị Ernst & Young Việt Nam từ chối kiểm toán nên Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo phải tìm đối tác mới, đồng thời xin gia hạn nộp báo cáo tài chính soát xét nửa đầu năm 2022.

Tìm chuẩn mực kiểm toán 

Trên thực tế, ý kiến của đơn vị kiểm toán là cơ sở để nhiều chủ thể trong nền kinh tế có thể đánh giá, nhìn nhận về tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Đối với riêng thị trường chứng khoán, nhiều quy định về cắt margin, đưa cổ phiếu vào diện đặc biệt, hoặc thậm chí hủy niêm yết đều có liên quan đến ý kiến của đơn vị kiểm toán.

Theo chia sẻ của ông Tô Xuân Nam, chuyên gia đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), khi nhà đầu tư nhìn vào báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, cũng nên nhìn vào quy chuẩn mà họ sử dụng để thực hiện báo cáo tài chính. Hiện nay, ông Nam đánh giá Việt Nam đang dần tiếp cận chuẩn mực báo cáo tài chính IFRS của thế giới. Khi các doanh nghiệp cùng theo chuẩn mực này thì sẽ đồng nhất, đồng bộ hơn, ít xảy ra hiện tượng báo cáo tài chính tự lập một đằng và báo cáo kiểm toán một nẻo.

 

Ở một góc nhìn khác, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán SSI, cho hay: “Tôi chỉ nghĩ đơn giản đấy chính là lý do chúng ta cần đến kiểm toán”. Theo ông Hưng, nếu nhà đầu tư không có khả năng đọc được báo cáo tài chính, nhìn nhận những phần rủi ro có thể làm thay đổi ý kiến của kiểm toán thì chờ báo cáo kiểm toán công bố, nó sẽ phản ánh đúng hơn thực trạng của công ty.

Chuẩn mực báo cáo tài chính IFRS của thế giới được kỳ vọng sẽ trở thành quy chuẩn tìm ra giao điểm của doanh nghiệp và đơn vị kiểm toán. Tuy nhiên, những rủi ro sẽ trở nên lớn hơn khi kiểm toán và doanh nghiệp có sự thỏa hiệp với nhau. Câu chuyện về sự sụp đổ của Tập đoàn Enron năm 2001 là một ví dụ điển hình. Tại Việt Nam, một sự kiện được quan tâm là việc FLC Faros nâng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng giai đoạn 2014-2016.

Theo tìm hiểu của NCĐT, trong các báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014, 2015, đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính của FLC Faros không đưa ra ý kiểm toán “đặc biệt” nhưng có lưu ý người đọc về một số giao dịch về ủy thác đầu tư trong kỳ phát sinh bằng tiền mặt với giá trị lớn. Sang báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, đơn vị kiểm toán này không còn lưu ý này nữa.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới