Hủy
Phát triển bền vững

Điện mặt trời áp mái vẫn chờ nắng

Hải Vân Thứ Bảy | 22/03/2025 07:30

Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển sản xuất gắn với tăng trưởng xanh. Ảnh: T.L

 
 
Bất an ngắn hạn đang nổi lên trong cộng đồng doanh nghiệp do thiếu chính sách phát triển mặt trời áp mái.

Chọn Việt Nam để xây nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới cho thấy lòng tin vào môi trường kinh doanh Việt Nam của LEGO (Đan Mạch). LEGO đã mang đến Việt Nam vốn và công nghệ, nhưng đang cần chính sách năng lượng tái tạo hoàn chỉnh, một mảnh ghép đặc biệt quan trọng đáp ứng tiêu chuẩn LEED Gold - chứng chỉ công trình xây dựng xanh được công nhận trên toàn cầu, góp phần vào mục tiêu giảm 37% lượng khí thải carbon tuyệt đối của Tập đoàn vào năm 2032, so với năm 2019.

LEGO từ 3 năm trước đã quyết định đầu tư lớn cho nhà máy trung hòa carbon đầu tiên, với hơn 1,3 tỉ USD. Nguồn điện ổn định cho sản xuất cũng sẽ được tạo ra, thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp, gồm hệ thống 12.400 tấm pin mặt trời và hệ thống lưu trữ điện đắt đỏ. Nhưng bây giờ, việc thiếu “chính sách rõ ràng” khiến ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn LEGO Việt Nam, không biết làm thế nào để nguồn điện mặt trời được kết nối ổn định với hệ thống. Vướng mắc này có thể ảnh hưởng đến sản xuất sau khi khánh thành nhà máy vào tháng 4/2025.

Ngoài LEGO, rất nhiều doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp cũng đang chờ thông tư hướng dẫn để lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Việc chậm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 135/2024/NĐ-CP về khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ dường như đang bỏ lỡ nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này. Kế hoạch đầu tư hệ thống điện mặt trời tự sản, tự tiêu của Far Eastern Polytex, một công ty chuyên sản xuất xơ sợi tại Bình Dương, buộc phải dừng lại do chưa có cơ chế phát triển điện mặt trời trên mái nhà xưởng. Công ty dự kiến lắp đặt khoảng 1 MWp điện mặt trời áp mái, đáp ứng 1/3 lượng điện sử dụng của nhà máy.

Các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đang nhanh chóng thay đổi nhiên liệu, từ nâu sang xanh, để đáp ứng yêu cầu mới về môi trường của các nhà nhập khẩu. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), nói với NCĐT về sự cần thiết phải có một chính sách rõ ràng và đồng bộ để thay đổi căn bản quá trình chuyển đổi nhiên liệu trong ngành dệt may.

Hơn một năm nay, các nhãn hàng lớn trên thị trường toàn cầu lần lượt yêu cầu nhà cung ứng loại trừ nồi hơi sử dụng nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng mục tiêu xanh hóa. Phương án sử dụng nồi hơi điện được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhưng chi phí nhiên liệu tăng 10-17% so với đốt than, đẩy giá thành sản phẩm tăng cao. Tin tốt là một số doanh nghiệp đi đầu sử dụng điện mặt trời áp mái đang tạo ra ảnh hưởng tích cực nhờ chi phí nhiên liệu thấp, giảm 15-20% so với sử dụng điện lưới quốc gia.

Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển sản xuất gắn với tăng trưởng xanh. Việc phát triển năng lượng mặt trời tự sản, tự tiêu trên 428 khu công nghiệp, hơn 1.000 cụm công nghiệp, trong đó, có gần 80.000 doanh nghiệp và nhà đầu tư thứ cấp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao. Con số này không chỉ giúp nền kinh tế chuyển đổi năng lượng hiệu quả mà còn làm giảm áp lực lên tình trạng thiếu điện có thể tiếp tục diễn ra trong năm 2025, đặt sửa đổi Quy hoạch Điện VIII vào tình trạng cấp bách hiện nay. Thời điểm này, khi thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 135 chưa được ban hành, các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng chưa cho phép doanh nghiệp đấu nối, bán điện.

Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng có thể học hỏi quá trình xây dựng chính sách điện mặt trời mái nhà của nước Đức, vốn là quốc gia đầu tiên áp dụng biểu giá điện FIT dài hạn cho điện mặt trời ở quy mô lớn. Ông Philipp Munzinger, Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP), cho rằng việc sửa đổi Quy hoạch Điện VIII sắp tới và những phát triển về mặt pháp lý trong tương lai sẽ đáp ứng được cơ hội này.

Kết quả Dự án Điện mặt trời mái nhà trong ngành thương mại và công nghiệp, do GIZ thực hiện với ngân sách 5 triệu EUR, đã đóng góp hiệu quả cho mục tiêu năng lượng của Việt Nam, kể từ năm 2021, khiến ông Philipp Munzinger tin rằng Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong phát triển năng lượng mặt trời.

Hơn nữa, Việt Nam có chưa đến 1% mái nhà được lắp đặt điện mặt trời áp mái, tiềm năng phát triển điện mặt trời chi phí thấp vẫn còn rất lớn. Việc lắp đặt hơn 16 GW công suất điện mặt trời thông qua cơ chế giá FIT là một bước khởi đầu quan trọng. Nhưng để đạt được mục tiêu điện mặt trời tham vọng hơn vào năm 2030, ông vẫn nói việc phát triển lưới điện cần đi đôi với cơ chế giá mới cho điện mặt trời và lưu trữ năng lượng. Các quy định mới được thông qua, như Hợp đồng mua bán điện trực tiếp và Cơ chế thanh toán sản lượng điện dư từ điện mặt trời mái nhà, cần sớm có hướng dẫn thực hiện.
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới