Hủy
Phát triển bền vững

Tái chế nhựa: Giải pháp hay "ngụy xanh"?

Thứ Ba | 22/04/2025 13:59

Dù được kỳ vọng giúp giải bài toán rác thải nhựa, công nghệ tái chế nâng cao vẫn vấp phải hoài nghi vì phát thải độc hại và cách tính tỉ lệ tái chế thiếu minh bạch. Ảnh: The Economist.

 
 
Công nghệ tái chế nâng cao gây tranh cãi vì hiệu quả môi trường chưa rõ ràng, dù được nhiều tập đoàn lớn theo đuổi.

Nhựa có mặt ở khắp mọi nơi. Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), mỗi phút thế giới tiêu thụ khoảng 1 triệu chai nhựa và mỗi năm con số này lên tới 5.000 tỉ túi nhựa. Một nửa trong số đó là nhựa dùng một lần. Với sản lượng toàn cầu đã vượt 400 triệu tấn mỗi năm và dự kiến chạm mốc 1,1 tỉ tấn vào năm 2050, vấn nạn rác thải nhựa đang ngày càng gây áp lực lên công tác quản lý và tái chế.

Tuy nhiên, việc tái chế nhựa không hề đơn giản. Phần lớn rác nhựa bị bẩn và cấu thành từ nhiều lớp vật liệu khác nhau, khiến phương pháp tái chế cơ học truyền thống, cắt nhỏ rồi đúc lại, trở nên kém hiệu quả. Dù các nỗ lực tăng tỉ lệ tái chế, hơn 90% rác nhựa vẫn bị đốt, chôn lấp hoặc thải ra môi trường.

Trước thực trạng này, nhiều tập đoàn hàng tiêu dùng lớn như Nestlé, PepsiCo hay Procter & Gamble đang đầu tư vào công nghệ tái chế nâng cao, với mục tiêu biến rác nhựa thành nguyên liệu sản xuất nhựa mới.

Động thái này là dễ hiểu, bởi phần lớn bao bì của các doanh nghiệp nói trên không thể xử lý bằng công nghệ tái chế hiện tại. Nếu họ có thể mua nhựa tái chế từ loại rác khó xử lý, trách nhiệm môi trường sẽ phần nào được "rửa sạch". Nhiều doanh nghiệp khác cũng đang nhập cuộc. Plastic Energy hiện cung cấp nguyên liệu tái chế cho các sản phẩm bao bì ở châu Âu, bao gồm vỏ bánh SunBites của PepsiCo hay hộp kem Magnum của Unilever.

Tuy nhiên, công nghệ này đang gây tranh cãi gay gắt. Giới hoạt động môi trường cáo buộc đây là hình thức “ngụy xanh”, chỉ kéo dài vòng đời của nhựa chứ không giải quyết tận gốc vấn đề. Tháng 9/2024, bang California (Mỹ) đã kiện ExxonMobil vì “lừa dối công chúng” về khả năng xử lý rác nhựa của công nghệ tái chế nâng cao.

Nguyên nhân chính nằm ở quy trình tái chế. Phổ biến nhất hiện nay là phương pháp nhiệt phân, nung nóng rác nhựa đến khi phân rã thành dầu và khí tổng hợp, sau đó sử dụng làm năng lượng cho nhà máy tái chế. Tuy nhiên, theo chuyên gia môi trường Veena Singla, Đại học Columbia, quy trình này vẫn tạo ra chất thải độc hại do nhựa chứa nhiều hợp chất nguy hiểm. Ngoài ra, chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy tái chế theo cách này thực sự giúp giảm lượng khí thải hơn so với sản xuất nhựa mới.

Vì vậy, giới lập pháp và cơ quan quản lý vẫn còn dè dặt. Theo ông James Kennedy, chuyên gia tại công ty nghiên cứu IDTechEx, một trong những vấn đề lớn nhất là cách ghi nhãn sản phẩm, yếu tố quyết định việc một công ty có đạt chỉ tiêu tái chế hay được hưởng ưu đãi thuế hay không.

Một trở ngại nữa là dầu tái chế từ công nghệ này thường phải pha trộn với dầu thô mới để có thể tái tạo thành nhựa. Điều này dẫn đến tình trạng một lô bao bì có thể chứa dầu tái chế, lô khác thì không. Dù vậy, ngành công nghiệp vẫn muốn ghi nhãn rằng 10% sản phẩm là “100% tái chế” nếu tổng nguyên liệu đầu vào có 10% dầu tái chế, cách làm này gọi là “cân bằng khối lượng”.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã bác bỏ cách tính này, gọi đó là hành vi “gian dối”. Nhiều tổ chức môi trường châu Âu như Zero Waste Europe cũng phản đối, cho rằng tỉ lệ tái chế thực tế quá thấp, gần như không có ý nghĩa.

Sự phản đối này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến một ngành công nghiệp còn non trẻ, vốn cần vốn đầu tư lớn để xây dựng nhà máy và hệ thống thu gom rác thải. Dù vậy, một số chuyên gia vẫn cho rằng cần thúc đẩy phát triển công nghệ tái chế nâng cao. Theo Giáo sư Stuart Coles, Đại học Warwick, mục tiêu là cần giữ lại càng nhiều vật liệu trong xã hội càng tốt, không chỉ thông qua tái sử dụng mà còn bằng cách mở rộng khả năng tái chế.

Và dường như quan điểm của giáo sư đang dần thuyết phục được giới chức. Tháng 10 vừa qua, Anh đã chấp nhận một phiên bản của phương pháp “cân bằng khối lượng”, trong khi phần lớn các nước EU cũng tỏ ra ủng hộ. Những tiến bộ công nghệ có thể sẽ giúp quy trình tái chế hiệu quả hơn và thân thiện hơn với môi trường. Chẳng hạn, Mura Technology (Anh) khẳng định công nghệ thủy nhiệt của công ty cho hiệu suất cao và phát thải CO₂ thấp hơn nhiệt phân. Còn Samsara Eco (Úc) đang phát triển công nghệ dùng enzyme phân giải nhựa, loại bỏ hoàn toàn nhu cầu sử dụng dầu mới.

Nếu thành công, những đổi mới này có thể giúp rác nhựa quay lại vòng tuần hoàn thay vì bị chôn vùi vĩnh viễn.

Có thể bạn quan tâm:

Văn hóa sneaker hạ nhiệt khi người tiêu dùng quay lưng

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới