Hủy
Phát triển bền vững

Thời trang “tẩy xanh”

Thái Huệ Thứ Sáu | 04/10/2024 07:30

Nhiều tổ chức và thương hiệu thời trang tại Việt Nam bắt đầu quan tâm và hoạt động tích cực vì một nền thời trang bền vững. Ảnh: shutterstock.com.

 
 
Thời trang xanh thật sự hay chỉ là chiêu trò “tẩy xanh” gắn mác thân thiện với môi trường?.

Năm ngoái, tổ chức môi trường phi chính phủ Surfrider, Mỹ chỉ ra Adidas và IKKS là 2 thương hiệu có chiến dịch quảng cáo được phát hiện hành động trái ngược với các khuyến nghị của cơ quan giám sát tiêu chuẩn quảng cáo của Pháp. Cụ thể là chiến dịch của Adidas cho một mẫu giày thể thao Stan Smith được cho là “làm từ thiên nhiên vì được sản xuất bằng 50-85% nhựa sợi nấm có nguồn gốc sinh học” và một chiến dịch dành cho áo len sọc thủy thủ mà IKKS tuyên bố “có thể làm sạch đại dương”. Cả 2 sản phẩm đều bị chỉ trích vì có khoảng cách giữa thực tế hành động của nhà sản xuất và thông điệp trong khẩu hiệu quảng cáo.

Khoảng cách này có thể dẫn đến cáo buộc các thương hiệu đang “tẩy xanh”, nghĩa là thương hiệu khoác lên sản phẩm, dịch vụ vỏ bọc “bền vững”, “thân thiện với môi trường” nhưng không có thật. Tiến sĩ Carol Tan, Chủ nhiệm Chương trình Thạc sĩ Thời trang (Khởi nghiệp) tại Đại học RMIT, cảnh báo rằng hành động tẩy xanh có thể đánh lạc hướng những người tiêu dùng đang cố gắng đưa ra lựa chọn thân thiện với môi trường. Họ có thể gặp khó khăn khi cố gắng phân biệt giữa những sản phẩm thực sự bền vững và những sản phẩm đơn thuần được tiếp thị như vậy. 

Việc tẩy xanh có thể xảy ra ở tất cả các giai đoạn trong thời trang, từ khâu tìm nguồn nguyên liệu thô đến sản xuất, đóng gói, phân phối và bán lẻ cho đến giai đoạn cuối vòng đời của sản phẩm. Tổ chức Changing Markets Foundation đã ra mắt trang web Greenwash.com cung cấp những dấu hiệu tẩy xanh của ngành công nghiệp thời trang. Theo đó, có 4 cách tẩy xanh phổ biến: phát hành dòng sản phẩm “bền vững” nhưng số lượng quá nhỏ bé so với những sản phẩm không bền vững và vẫn đang sinh lời của thương hiệu; phát hành dòng sản phẩm bền vững nhưng không có dữ kiện hoặc số liệu uy tín; quảng bá bằng những thông điệp mâu thuẫn như “mua sắm và cứu lấy hành tinh”; phóng đại quá mức các nỗ lực về đạo đức hoặc môi trường, ví dụ như tạo ra các sản phẩm polyester tái chế nhưng không trả mức lương đủ sống cho công nhân.

Ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty May mặc Đức Giang (Dugarco), chỉ ra rằng: “Thời trang thân thiện với môi trường theo xu hướng bền vững phải được dựa trên nhiều yếu tố khắt khe để đánh giá. Để xây dựng nhà sản xuất quần áo bền vững, các nhà máy phải đảm bảo yếu tố con người, đạo đức kinh doanh, các yếu tố liên quan đến trái đất”. 

Cụ thể, một sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường cần bảo đảm tính chất “xanh” trong toàn bộ quy trình sản xuất cho đến khi tới tận tay người tiêu dùng, bao gồm: chất liệu và nguyên phụ liệu; rút ngắn quãng đường vận chuyển, bao bì vận chuyển phải bằng chất liệu thân thiện môi trường như bìa carton, màng bọc làm bằng tảo biển; xử lý rác thải đúng chuẩn...

Cùng với sự dịch chuyển xanh trên mọi lĩnh vực, chuyển đổi xanh không còn là một xu hướng thời trang mà là lựa chọn tất yếu của những nhà làm thời trang. Theo báo cáo của Coherent Market Insights, thị trường thời trang bền vững toàn cầu có giá trị 7,8 tỉ USD vào năm 2023, dự đoán sẽ tăng lên 33,05 tỉ USD vào năm 2030. Trong đó, xu hướng đáng chú ý của thị trường này chính là thời trang tuần hoàn, ủng hộ việc tái sử dụng và tái chế quần áo để giảm chất thải và giảm thiểu tác động đến môi trường.

Nhiều tổ chức và thương hiệu thời trang tại Việt Nam bắt đầu quan tâm và hoạt động tích cực vì một nền thời trang bền vững. Một số nhà thiết kế đem các trang phục làm bằng vỏ cà phê, sợi tre, xơ dừa, tơ sen… lên sàn diễn. Chẳng hạn, nhà thiết kế Võ Việt Chung lâu nay vẫn theo đuổi dòng chất liệu lãnh Mỹ A cho nhiều bộ sưu tập áo dài. Nhà thiết kế Phan Huy cầu toàn cho những bộ thời trang bền vững đến từng món phụ liệu trang trí cũng phải làm bằng dây dừa, sợi bố, nút gỗ…

Nhưng rõ ràng dòng sản phẩm này hạn chế số lượng, ít mang tính ứng dụng và giá thành không rẻ do nguồn nguyên liệu giới hạn và may đo công phu. Trong khi đó, thị trường thời trang Việt vẫn đang trong quá trình phát triển và sự ưu tiên vẫn là những chất liệu tiện dụng, giá vừa túi tiền.

“Không chỉ thông qua một vài bộ sưu tập để khẳng định là xanh, bền vững ở đây phải là một hành trình dài. Với những gì ở hiện tại, rất khó để nói chính xác chúng ta đang ở đâu trong hành trình này”, nhà thiết kế Trần Hùng, vốn dành nhiều tâm huyết cho thời trang bền vững, nói về cái khó của dòng thời trang này trong nước.


Đứng ở góc độ người tiêu dùng trong nước, nhà thiết kế Ngọc Mai chia sẻ: “Nghĩ đến thời trang xanh, thời trang bền vững sẽ là các phương pháp zero-waste, upcycle, recycle... và ta sẽ tìm cách loại bỏ đi các yếu tố dư thừa, tốn kém. Nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng có điều kiện tìm hiểu cặn kẽ phương pháp sản xuất và các tiêu chuẩn của nó”. 

Nhà thiết kế này cho rằng tạm thời người tiêu dùng có thể xác định bộ quần áo, chiếc nón, túi xách, đôi giày… mình mua có phải là thời trang thân thiện với môi trường hay không, tất cả đều thông qua 2 yếu tố quan trọng nhất: chất liệu và cách xử lý chất liệu. Chị cũng cho rằng mọi người cũng nên hạn chế mua sắm vô tội vạ mà chỉ cần một tủ đồ ít nhưng chất lượng và phù hợp với phong cách cá nhân, để góp phần hạn chế xả rác thải ra môi trường.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới