Hủy
Phát triển bền vững

Trồng thêm rong biển để giảm biến đổi khí hậu

Cẩm Tú Thứ Tư | 23/08/2023 16:29

Hiện nay, giá trị chính của rong biển đến từ các tinh chất được chiết xuất công phu. Ảnh: Marine Council.

Việc trồng rong biển để làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sẽ mang lại lợi ích to lớn đối với sử dụng đất, giảm khí thải.
 

Đăng trên Tạp chí Global Food Security xuất bản tháng 6/2023, công trình nghiên cứu của Giáo sư Patrick Webb tại Đại học Tufts (Mỹ) cho biết, sản xuất và bán rong biển có thể tăng thu nhập cho nông dân ở các nước thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là ở các vùng ven biển Đông Nam Á.

 

Nghiên cứu này đánh giá nuôi trồng rong biển là giải pháp thay thế bền vững hơn cho chăn nuôi gia súc. Do không cần đất, nước ngọt và phân bón, việc trồng rong biển để làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sẽ giảm khí thải, giảm sử dụng tài nguyên.

Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Tufts, trồng rong biển đang mang lại nhiều lợi nhuận, đặc biệt khi nhu cầu về các sản phẩm rong biển giàu dinh dưỡng tăng trên khắp thế giới. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cũng cho biết với mức giá 0,5 USD/kg rong biển khô, người nông dân có thể thu về 60 USD/tuần nếu trồng khoảng 320 dây rong biển. Ngoài ra, rong biển còn là thành phần tiềm năng hữu ích trong sản xuất nhựa sinh học, nhiên liệu sinh học, bê tông…

Trên Tạp chí Nature Sustainability số tháng 1/2023, nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Queensland nước Úc cũng nhận định: Các trang trại rong biển tuy mới xuất hiện trên toàn cầu, nhưng nếu được đầu tư đúng hướng thì đến năm 2050 ngành rong biển có thể cung cấp đến 10% khẩu phần ăn của toàn thế giới. Điều này có nghĩa là toàn cầu sẽ có thêm một lượng lương thực tương đương với lượng lương thực được canh tác từ 110 triệu ha đất hiện nay (gấp đôi diện tích nước Pháp).

Cũng theo nghiên cứu này, một trong những lợi ích đã được chứng minh từ trồng rong biển là: việc khai thác và sử dụng giống rong Asparagopsis đỏ làm thức ăn bổ sung cho gia súc làm giảm đáng kể lượng khí thải methane từ bò. Nghiên cứu cho biết đến năm 2050, việc sử dụng Asparagopsis đỏ có thể loại bỏ 2,6 tỉ tấn CO mỗi năm, tương đương với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hiện tại của Ấn Độ.

Hiện nay, giá trị chính của rong biển đến từ các tinh chất được chiết xuất công phu. Nhiều nước thu nhập thấp đang tìm cách sở hữu các công nghệ chế biến, chiết xuất rong biển để tăng nguồn thu. Tính đến năm 2019, châu Á vẫn chiếm 97% sản lượng rong biển toàn cầu. Ngành này đã phát triển mạnh ở Indonesia. Indonesia hiện là nước xuất khẩu chính của 2 loài rong biển có thể chiết xuất carrageenan, một chất làm đặc được sử dụng trong sữa hạt, kem đánh răng…

Có thể bạn quan tâm:

Xu hướng phát triển bền vững của ngành F&B


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới