Hủy
Phát triển bền vững

Xu hướng phát triển bền vững của ngành F&B

Cẩm Tú Thứ Sáu | 18/08/2023 14:43

Các xu hướng phát triển bền vững trong ngành F&B liên tục được cập nhật. Ảnh: iStock

 
 
Nhiều công ty F&B đang hướng hoạt động nghiên cứu và phát triển vào công nghệ xanh, 55% doanh nghiệp F&B cho biết đã tăng cường đầu tư cho môi trường.

Theo công bố mới nhất của EcoVadis, tổ chức chuyên tư vấn ESG thì kết quả khảo sát hơn 46.000 công ty trong ngành F&B (thực phẩm, nước uống) của tổ chức này cho thấy ngành F&B nằm trong top 3 các ngành có điểm số cao nhất về các vấn đề môi trường và điểm bền vững tổng thể.

 

Lý do sâu xa được cho là vì ngành F&B dễ hứng chịu các tác động do biến đổi khí hậu. Các rủi ro về bị phá vỡ chuỗi cung ứng, giảm nguồn cung nguyên liệu đã thúc đẩy cộng đồng F&B hướng hoạt động sản xuất và kinh doanh theo chiến lược bền vững.  

Trên thế giới, nhiều công ty F&B đang hướng hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) vào công nghệ xanh, quy trình và sản phẩm bền vững hơn, 55% lãnh đạo doanh nghiệp F&B cho biết đã tăng cường đầu tư cho môi trường.

Chẳng hạn, hãng bia BrewDog đầu tư 12 triệu bảng Anh vào hệ thống sản xuất nhằm chuyển đổi chất thải từ quá trình sản xuất bia thành năng lượng sinh học qua đó cung cấp năng lượng cho nhà máy, các phương tiện vận chuyển… cũng như giảm tiêu thụ nước. Theo báo cáo phát triển bền vững của BrewDog, từ 2016 đến 2021, doanh nghiệp ngành bia này giảm tới 43% lượng điện sử dụng cho mỗi HL, giảm 55% nước/HL (HL: hectoliter, tương đương 100 lít). Hay công ty kẹo Ferrara đặt mục tiêu tất cả bao bì đều có thể tái sử dụng, tái chế hoặc phân hủy 100% vào năm 2025.

Ngày càng nhiều thương hiệu tái sử dụng thực phẩm và sản phẩm phụ từ quá trình sản xuất. Ví dụ, Wheyward Spirit sử dụng váng sữa từ quá trình sản xuất phô mai để làm rượu thủ công; ReGrained sử dụng ngũ cốc do các nhà máy bia để lại để tạo ra nguyên liệu cho các thanh đồ ăn nhanh và khoai tây chiên. Xu hướng này cũng đã lan đến những chuỗi nhà hàng, doanh nghiệp nhỏ như việc hạn chế dùng muỗng nĩa nhựa, thay hộp nhựa bằng vật liệu thân thiện môi trường…

Theo nghiên cứu Euromonitor được công bố vào đầu năm nay, giá trị thị trường F&B Việt Nam trong năm 2023 dự kiến tăng 18% so với 2022, đạt mốc doanh thu khoảng 720.300 tỉ đồng. Trải qua giai đoạn biến động do đại dịch cùng với xu hướng người tiêu dùng đề cao các sản phẩm có tính xanh – bền vững, các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam cũng liên tục chuyển mình theo hướng bền vững trên toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất.

Các xu hướng phát triển bền vững trong ngành cũng liên tục được cập nhật, điển hình như việc sử dụng các nguồn nguyên liệu thuần chay, hữu cơ, canh tác theo phương pháp bền vững, tái sử dụng, tái chế chất thải hoặc sản phẩm dư thừa từ quá trình sản xuất cho đến những biện pháp hạn chế sử dụng nhựa và giảm bao bì nói chung, cắt giảm chất thải thực phẩm…

Có thể bạn quan tâm:

Vật liệu xây dựng xanh lên ngôi


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới