Quả bóng tennis và hành trình 50.000 dặm tới Wimbledon
Khi theo dõi một trận đấu tennis tại giải Wimbledon, có bao giờ bạn tự hỏi rằng, những trái bóng Slazenger mà các vận động viên sử dụng là đến từ đâu không?
Sản xuất được một quả bóng tennis có thể chịu được những cú giao bóng có thể lên tới 210km/h của Federer không phải là điều dễ dàng - Nguồn: DeccanChronicle.com |
Đó là câu hỏi mà Giáo sư Mark Johnson chuyên dạy môn Quản trị Hoạt động (Operations Management) của trường kinh doanh Warwick đã tự đặt ra cho chính mình. Khi Giáo sư Johnson tiến hành một cuộc nghiên cứu về hệ thống chuỗi cung ứng của hãng Slazenger, ông đã phát hiện ra một cuộc hành trình đầy ly kỳ vòng quanh thế giới. Không chỉ vậy, đây còn là một ví dụ xứng đáng có mặt trong tất cả các giáo trình quản trị kinh doanh khi nói về toàn cầu hóa.
Trước khi đến được tay các vận động viên ở Wimbledon, các nguyên liệu làm nên quả bóng tennis Slazenger đã phải trải qua nhiều chặng chuyên chở có chiều dài tổng cộng 50.570 dặm, tương đương hơn 81.000km. Nói cách khác, đây là một cuộc hành trình dài bằng 2 lần vòng quanh Trái Đất.
Hành trình của một quả bóng tennis - Nguồn: wbs.ac.uk |
Để làm nên một quả bóng tennis, hãng Slazenger đã xây dựng một hệ thống cung cấp nguyên liệu từ 4 châu lục khác nhau: đất sét từ Mỹ, silica từ Hy Lạp, len từ New Zealand, lưu huỳnh từ Hàn Quốc, oxide kẽm từ Thái Lan,... Sau đó, các nguyên liệu này được tập trung về nhà máy ở vùng Bataan của Philippines để sản xuất thành quả bóng hoàn chỉnh.
Khác với các nguyên liệu còn lại, lớp dạ phủ ngoài quả bóng được dành riêng một chuyến ghé thăm nước Anh trước: len từ New Zealand được đưa sang một nhà máy ở vùng Gloucestershire của nước Anh để dệt thành vải dạ, rồi các tấm dạ này lại được chuyên chở tới Philippines. Đây là một di sản còn lại từ thời mà Slazenger vẫn còn duy trì hầu hết các khâu sản xuất tại Anh: họ chưa tìm được đối tác nào khác đủ khả năng sản xuất lớp dạ có thể đáp ứng được các yêu cầu thi đấu ngặt nghèo tại Wimbledon. Trong những trường hợp như thế này, ưu tiên cho chất lượng phải được đặt lên hàng đầu, sau đó mới tới yếu tố chi phí.
Theo nhận định của Giáo sư Johnson, Slazenger đã xây dựng được một chuỗi cung ứng cực kỳ xuất sắc, khi có tới hơn 70% các nguồn nguyên liệu đều nằm ở các nước ở xung quanh điểm sản xuất chính là Philippines. Nhờ đó, Slazenger có thể cắt giảm chi phí vận tải, cũng như có được chi phí sản xuất thấp nhờ nguồn nhân công giá rẻ ở Philippines.
Ông Johnson bình luận: "Đây là một trong những hành trình dài nhất mà tôi từng thấy trong các chuỗi cung ứng. Mới đầu nhìn qua thì mọi người dễ nghĩ rằng việc sản xuất một quả bóng tennis mà cần vận tải nguyên liệu qua hơn 50.000 dặm là chuyện khá lố bịch. Nhưng điều này cho thấy ngành sản xuất đã được toàn cầu hóa như thế nào, và xét cho cùng thì đây là một trong những phương thức sản xuất hiệu quả nhất về mặt chi phí".
Tuấn Minh
Nguồn Warwick Business School
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Thanh Hằng