Hủy
Bảo vệ - Bảo tồn

Quyền lực màu đen

Thứ Hai | 15/06/2015 12:00

 
 
Gần đây, thực phẩm màu đậm được ưa chuộng bởi giá trị dinh dưỡng cao hơn so với sản phẩm cùng loại.

Ngoài những thực phẩm màu sắc đẹp mắt, còn có rất nhiều trái cây, rau quả giàu dinh dưỡng dù sở hữu màu đen không mấy bắt mắt.

Cà chua đen đắt hàng

Sau khi lai tạo thành công, giống cà chua đen đã tạo nên cơn sốt lan rộng từ thị trường Mỹ ra khắp thế giới. Loại trái này được ưa chuộng vì trong cà chua đen chứa chất anthocyanin, có khả năng ngừa ung thư, tiểu đường và béo phì. Giống cà chua đen thu hút sự chú ý của cộng đồng khoa học sau khi người ta phát hiện những tác dụng đáng kinh ngạc của chúng trong các thí nghiệm tại Mỹ.

Vài tháng qua, cà chua đen trồng tại Đà Lạt cũng tạo cơn sốt khiến nhiều khách phải tìm mua dù giá sản phẩm này không rẻ. Gần như là người đầu tiên nhập khẩu giống về trồng thử, gia đình chị Phạm Thị Thanh Thủy đang thu được khoản lợi nhuận tốt từ loại cà chua lạ này. Trung bình giá cà chua đen khoảng 60.000 đồng/kg, cao gấp 5 lần giá cà chua bình thường. Ðắt nhưng không phải lúc nào cũng mua được. “Nếu không đặt hàng sớm thì vài tháng, hoặc có khi nửa năm khách hàng mới nhận được cà chua”, chị Thủy, chủ vườn cà chua đen Lâm Đồng, chia sẻ.

Cà chua đen ngày càng trở nên đắt hàng - Ảnh: Daily Mail
Cà chua đen ngày càng trở nên đắt hàng - Ảnh: Daily Mail

Thậm chí, có những thời điểm khan hiếm sản phẩm, giá bán cà chua đen bị đẩy lên tới 150.000-200.000 đồng/kg (tùy theo loại). Hiện tại, mỗi ngày gia đình chị Thủy bán ra thị trường TP.HCM gần 200 kg cà chua đen.

Cũng như cà chua đỏ, cà chua đen trồng sau 3 tháng thì ra quả và có thể thu hoạch kéo dài 3-4 tháng, trung bình mỗi gốc từ 7-10 kg. Chi phí trung bình cho mỗi sào cà chua đen (khoảng 3.000 gốc/1.000 m2) là 150-200 triệu đồng. Chị Thủy cho biết với giá bán cho thương lái như hiện nay (khoảng 50.000 đồng/kg), sau khi trừ chi phí, chị thu lãi ròng hơn 500 triệu đồng/sào/mùa vụ.

Có thể nói, các loại trái cây, rau quả ngày càng đa dạng về màu sắc và công dụng. Tuy nhiên, hầu hết các thực phẩm có màu đen thường có công dụng trị bệnh cao hơn thực phẩm màu sắc sặc sỡ. Theo nghiên cứu, thực phẩm màu đen chứa nhiều vitamin, các chất selen, sắt, canxi, kẽm có công dụng phòng chống ung thư, ôxy hóa, lão hóa... Những năm gần đây, thực phẩm màu đậm rất được ưa chuộng bởi giá trị dinh dưỡng cao hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại khác màu.

Càng đen càng bổ

Trong các loại tiêu thì tiêu đen được gọi là “chúa tể của gia vị” bởi hương vị nồng nàn và công dụng của nó. Tiêu đen có nhiều hoạt chất giúp tăng cường đề kháng cho cơ thể. Từ thời xưa, con người đã biết dùng tiêu để chống viêm và đầy hơi.

Tiêu đen giàu các khoáng chất như kali, canxi, kẽm, mangan, magiê và sắt. Kali giúp kiểm soát nhịp tim và huyết áp. Magiê là thành tố trong enzyme chống lão hóa. Sắt lại rất cần thiết cho việc sản sinh tế bào máu và hô hấp.

Tiêu đen có nhiều hoạt chất giúp tăng cường đề kháng cho cơ thể - Ảnh: Báo Lao Động
Tiêu đen có nhiều hoạt chất giúp tăng cường đề kháng cho cơ thể - Ảnh: Báo Lao Động

Ngoài ra, loại gia vị này còn chứa nhiều vitamin chống lão hóa như vitamin C, A hoặc các loại chất như carotenes, cryptoxanthin, zea-xanthin và lycopene giúp cơ thể tăng cường bảo vệ trước tia phóng xạ, phòng tránh ung thư. Chính vì công dụng của tiêu nên ngoài việc rắc lên những món yêu thích hay ướp các món nướng, có người còn dùng hạt tiêu với sữa chua hay hoa quả tươi.

Nho đen thì lại được phái nữ rất ưa chuộng. Ngoài tác dụng giúp giảm quá trình lão hóa da, nho đen còn được biết đến với nhiều công dụng vì chứa axít béo và vitamin E giúp bảo vệ da, mạch máu và tế bào thần kinh. Vỏ nho đen lại gây ấn tượng vô cùng vì chứa nhiều resveratrol. Nho có màu càng sậm, hàm lượng resveratrol càng cao.

Resveratrol có tác dụng chống viêm, ung thư, giảm huyết áp, giảm cholesterol. Uống 1-2 ly rượu vang làm từ nho đen mỗi ngày giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch, ung thư vú, béo phì.

Mè đen, ngoài việc ứng dụng trong nấu nướng, còn được áp dụng trong y học. Dầu mè chứa nhiều axít béo omega-6, chất chống ôxy hóa, vitamin, chất xơ giúp chống lại bệnh ung thư. Mè đen cho hàm lượng dinh dưỡng và có giá trị xuất khẩu cao nhất.

Vừng là một loại cây trồng để lấy hạt do có hàm lượng chất béo và chất đạm cao. Vừng đen thường được sử dụng nhiều hơn vừng trắng vì giàu dinh dưỡng hơn; và còn là vị thuốc quý chữa được nhiều bệnh, giảm nguy cơ bị bệnh tim, đột quỵ và xơ vữa động mạch. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy hạt vừng có chứa chất chống oxy hóa là sesamin, có đặc tính chống ung thư hiệu quả, đặc biệt là ung thư phổi, kết tràng, ung thư máu, tuyến tiền liệt, ung thư vú và tuyến tụy.

Trong 100 g hạt vừng có chứa 8 g protein cùng các axít amin cần thiết cho sự tăng trưởng xương ở trẻ em, giúp cơ thể trẻ mau phát triển. Hạt vừng được đánh giá là loại thực phẩm tuyệt vời cho thai phụ. Vì axít folic có tác dụng thúc đẩy quá trình tổng hợp các DNA thiết yếu, giúp bào thai phát triển, chống khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi cũng như cải thiện sức khỏe của thai phụ. Hạt vừng có tác dụng trong việc phục hồi lưu lượng máu đến các bộ phận của não đã bị tổn thương sau đột quỵ. Vì hạt vừng là nguồn giàu magiê và kẽm, giúp tăng cường quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể và các xung thần kinh. Ngoài ra hạt vừng còn trị các bệnh thương hàn, viêm đại tràng mạn tính, đau lưng...

Vừng đen là vị thuốc quý chữa được nhiều bệnh, giảm nguy cơ bị bệnh tim, đột quỵ và xơ vữa động mạch - Ảnh: WordPress
Vừng đen là vị thuốc quý chữa được nhiều bệnh, giảm nguy cơ bị bệnh tim,
đột quỵ và xơ vữa động mạch - Ảnh: WordPress

Ðậu đen không chỉ đơn giản để nấu chè, xôi, mà còn có tác dụng làm ấm bụng, sáng mắt, thông huyết, lợi tiểu, giải độc. Chứa nhiều protein, vitamin gốc B, vitamin E, vitamin B2 và sắc tố đen, đậu đen có công dụng ngăn ngừa lão hóa, làm đẹp da, đen tóc, tăng sức sống và vẻ đẹp cho cơ thể.

Nhìn không bắt mắt, nhưng gạo nếp cẩm có tác dụng lợi gan, bổ máu, ích khí, hoạt não. Hàm lượng vitamin B1 và chất sắt có trong nếp cẩm nhiều gấp 8 lần các loại gạo khác. Mùa đông ăn gạo nếp cẩm sẽ bổ sung các nguyên tố vi lượng cho cơ thể. Gạo nếp cẩm còn được mệnh danh là “trân châu đen” bởi có chứa nhiều protein, axít amin và các nguyên tố vi lượng như sắt, canxi, mangan, kẽm.

Ngoài ra, một số thực phẩm như táo đen, mộc nhĩ đen, dâu tằm... đều có tác dụng bổ thận, làm chậm quá trình lão hóa, thúc đẩy sự phát triển của các tế bào máu, ngăn ngừa chứng xơ cứng động mạch và cơ bắp, thúc đẩy quá trình trao đổi chất.

Gần đây nhất, tỏi đen được ví như thực phẩm kỳ diệu cho con người. Tỏi đen ngoài việc dùng làm gia vị thực phẩm, còn trở thành loại dược liệu quý chữa rất nhiều loại bệnh. Tỏi đen dùng sát trùng ngoài da, dùng cho người bệnh hen suyễn, viêm phổi, nhiễm trùng đường ruột, chữa bò cạp cắn, rết cắn, chữa mụn cóc, hạt cơm mọc trên da. Với những tác dụng tốt cho sức khỏe, tỏi đen đã được nghiên cứu thành các bài thuốc nam chữa bệnh hiệu quả. Hiện nay tại Việt Nam, số lượng tỏi đen tiêu thụ trong nước và xuất khẩu là rất lớn

Mai Hân


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới