Hủy
Phong Cách Sống

Đạo học xây trường hạnh phúc

Thanh Hằng Thứ Hai | 04/03/2019 15:16

Ảnh: Pathway School.

Mô hình giáo dục dựa trên nền tảng của 3 gốc rễ: đạo đức, trí tuệ và nghị lực.
 

Cậu bé 7 tuổi Đức Minh, học sinh lớp 2 Trường Tuệ Đức, trong bộ đồng phục xanh dương ngồi ngay ngắn trên ghế trong lớp học, mắt nhắm hờ, gương mặt vừa thư giãn lại vừa có chút cưỡng chế trong tiết thiền kéo dài 15 phút mỗi đầu ngày. Ở tuổi lên 7, Đức Minh hiếu động như các bạn đồng trang lứa khi tham gia các trò vận động trong sân chơi vào giờ ra chơi.

Thoạt nhìn, Trường Tuệ Đức (Pathway) không có quá nhiều ưu điểm so với các trường quốc tế khác ở TP.HCM, những khuôn viên trường thường thiếu cây xanh, sân chơi tuy nhiều môn vận động nhưng nhỏ và trải trên thảm cỏ nhân tạo. Tuy nhiên, ngôi trường lại nổi tiếng vì phương pháp giảng dạy độc nhất của họ: đạo học.
Cả 400 giáo viên của Tuệ Đức tại tất cả 13 cơ sở trải rộng trên 2 thành phố lớn TP.HCM và Hà Nội được trực tiếp phỏng vấn bởi người sáng lập, ông Trần Việt Quân. Ngoài ra, họ còn phải trải qua một lớp học về “3 gốc rễ” trước khi chính thức được giảng dạy. “3 gốc rễ”, theo lời của ông Quân, chính là đạo đức, trí tuệ và nghị lực - những phẩm chất cốt lõi để xây dựng nên tính cách và con người có tài, có đức cho xã hội sau này.

Dao hoc xay truong hanh phuc

Ông Quân đã cùng vợ thành lập Trường Tuệ Đức vào năm 2015, là sự nối dài của Câu lạc bộ Dạy con nên người. Khởi đầu, Câu lạc bộ được thành lập nhằm giúp hội viên, những phụ huynh, hàn gắn mối quan hệ với con cái, đồng thời nuôi dưỡng đạo đức của thế hệ trẻ trong các gia đình này. Tuy nhiên, sự thiếu cam kết của những hội viên đã khiến vợ chồng ông đi đến quyết định thành lập Trường Tuệ Đức, liên cấp từ lớp mẫu giáo cho đến hết trung học phổ thông, nhằm theo đuổi con đường nuôi dạy đạo đức cho trẻ một cách lâu dài. Thừa hưởng triết lý của Câu lạc bộ, Tuệ Đức có triết lý kinh doanh trước cả khi Trường được thành lập.

Xuất thân từ Đại học Bách Khoa, ông Trần Việt Quân đã trải qua 20 năm nghiên cứu về Đông Phương học. Cách suy nghĩ logic được ông Quân ứng dụng xuyên suốt 2 thập niên nghiên cứu về Phật giáo, Triết học phương Đông, Kinh dịch và phong thủy. Ngoài Trường Tuệ Đức, ông còn sáng lập Viện Đào tạo Bách Khoa, cùng hướng đến 3 gốc đạo đức, trí tuệ và nghị lực trong giáo dục. Ông đã khởi đầu việc kinh doanh bằng việc thành lập Bách Khoa Computer từ năm 2001, đến nay đã có hơn 80 cửa hàng trên toàn quốc.

“Giáo viên hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”, câu trích dẫn của nhà sư Thích Nhất Hạnh được treo ngay tại hội trường nơi ông Quân đang giảng dạy. Cuộc phỏng vấn người sáng lập Trường không được tiến hành theo cách thông thường, mà qua một lớp học 2 ngày kéo dài 24 tiếng, trong đó người được phỏng vấn cũng chính là người đứng lớp. Xuất hiện trước 300 học viên trong hội trường của chi nhánh Tuệ Đức quận 12, ông Quân trông giản dị trong chiếc sơ mi trắng với quần tây đen.

“Chúng ta cùng mơ về một ngôi trường hạnh phúc - nơi mà mọi thầy cô đều có nếp sống gương mẫu, mọi học trò đến lớp để yêu thương chứ không phải được chiều chuộng, được thổi hồn nhân cách qua từng tiết học chứ không phải nhồi nhét kiến thức”, ông Quân ngỏ lời với những giáo viên.

Dao hoc xay truong hanh phuc

Trong lúc việc thiền đang trở nên phổ biến như một cách để tập trung cho những người trưởng thành, thì ông Quân cũng áp dụng thiền như là một phương pháp để đạt đến sự kiên định cho học sinh của mình. Đều đặn mỗi ngày, học sinh được thiền ngay từ những năm sớm nhất của cấp tiểu học. Song song đó, việc giáo dục kỹ năng cứng thông qua những hoạt động giáo dục thể chất khắc nghiệt cũng được chú trọng nhằm tăng nghị lực cho thế hệ nhỏ.

Sau 12 trường ở TP.HCM, Tuệ Đức đã vươn gần đến mong muốn rèn luyện trí lực cho trẻ với việc mở ngôi trường đầu tiên ở Hà Nội. Khuôn viên 6.000m2 cho phép trường hoàn thiện mô hình giáo dục thể chất theo phương pháp của West Point, ngôi trường quân sự nổi tiếng nhất thế giới. Chưa dừng lại ở đó, ông Quân còn mơ xa hơn, đến giấc mơ xã hội hóa giáo dục. “Ở Việt Nam có tầm 20.000 ngôi chùa, chỉ 2% các sư trụ trì đồng ý thì có 400 trường được xã hội hóa giáo dục có đạo đức. Khi đó, mọi tầng lớp học sinh sẽ theo học và 20 năm sau, chúng ta có một thế hệ mới về nhân cách đạo đức”, ông Quân cho biết.

Kết thúc bữa ăn trưa, Đức Minh đứng trong hàng chờ đến lượt rửa bộ chén dĩa cậu vừa ăn xong. Cậu có thể sẽ trải qua tuổi thiếu niên điềm tĩnh, ít nổi loạn hơn các bạn đồng trang lứa khác, sau những giáo dục mà cậu nhận được, như cách mà người sáng lập Tuệ Đức đã giải quyết với 2 đứa con của ông.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới