Hủy
Phong Cách Sống

Đem mây xuống ruộng

Bình Yên Thứ Tư | 27/06/2018 09:40

 
 
Mây Pha Lê là thông điệp gửi đến người dân địa phương trong việc giữ gìn cảnh quan và bản sắc.

Kỷ niệm 60 năm thành lập Thames & Hudson, Vương Quốc Anh, nhà xuất bản này quyết định trình làng ấn phẩm đặc biệt mang tên: 60 nhà sáng tạo làm thay đổi cái nhìn và cảnh quan thế giới. Quyển sách này điểm danh và giới thiệu những tác giả, cùng các công trình kiến trúc, cảnh quan độc đáo hiện đại trên thế giới. Trong danh sách ấy, có Andy Cao, kiến trúc sư và nghệ sĩ cảnh quan người Mỹ, gốc Việt.

Andy Cao tên Việt là Cao Thanh Sơn. Trước khi được ghi nhận là một trong những nhà thiết kế hàng đầu hiện nay trên thế giới, anh theo học Trường Kiến trúc thuộc Đại học Houston và nhận bằng cử nhân khoa học về kiến trúc cảnh quan từ Đại học Bách khoa Tiểu bang California, Pomona.

Andy nhận học bổng Rome về kiến trúc cảnh quan tại Học viện Mỹ ở Rome và học bổng Loeb tại Đại học Harvard. Quá trình học lẫn trải nghiệm thực tế đã cho Andy cơ hội trở thành người phụ trách giảng dạy môn thiết kế cảnh quan tại các trường đại học nổi tiếng ở Mỹ. Hiện Andy đang giảng dạy tại Trường Kiến trúc USC và Cal Poly Pomona. “Nếu không có bạn bè học kiến trúc, có lẽ tôi sẽ không chọn được con đường này”, Andy Cao nói về nguyên nhân bắt đầu sự nghiệp của mình như vậy. 

Dem may xuong ruong
 

Rời quê hương từ năm 13 tuổi, cũng như nhiều thanh thiếu niên Việt Nam lúc đó, Andy không nhận được tư vấn hướng nghiệp từ gia đình. Đương khi loay hoay với câu hỏi sau này mình sẽ làm nghề gì, Andy may mắn được một người bạn học kiến trúc rủ vào lớp học cùng. Sau những giờ “học lóm” ấy, chàng thanh niên Andy Cao mới phát hiện, đây chính là con đường của mình. Ba năm theo học kiến trúc, sau đó chuyển sang chuyên ngành cảnh quan, với Andy, mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Rồi khi làm nghề thì niềm vui đó đã trở thành đam mê, thành lực hấp dẫn để anh không ngừng cố gắng.

Dem may xuong ruong
 

Andy kể, sau khi tốt nghiệp đại học ngành kiến trúc cảnh quan, anh không thể tìm được công việc phù hợp. Thấy mảnh vườn sau nhà còn trống, anh bắt tay vào trang trí. Làm rồi phá bỏ đến 2 lần vì chẳng thấy hài lòng, Andy bắt đầu nản chí và tự hỏi con đường mình chọn liệu có đúng. Lúc ấy, những ký ức về Việt Nam ùa về với hình ảnh cánh đồng rơm vàng sau mùa gặt, là ruộng xả thơm ngát trong gió chiều... Nhưng nếu chỉ là tái hiện hình ảnh ấy trên đất Mỹ thì quá đơn giản.

Thế là, Andy quyết định tìm kiếng vụn, loại vật liệu có khả năng phản chiếu ánh sáng, đem mài tròn và sắp đặt 45 tấn kiếng tái chế thành vườn ánh sáng. Mất hơn 2 năm, công trình đầu tiên của Andy mới hoàn thành nhưng đó là thời gian anh trân trọng nhất. “Đó là lần đầu tiên tôi đã tìm thấy chính mình, thấy tiếng nói riêng của mình trong ngành cảnh quan”, Andy nói.

Dem may xuong ruong
 

Công trình vườn ánh sáng độc đáo của Andy được giới thiệu trên hơn 100 tạp chí, báo và kênh truyền hình. Đó cũng là cái mốc giúp Andy chính thức khởi nghiệp. Sau hơn 30 năm làm nghề thì việc thiết kế cảnh quan với anh đã trở thành nghệ thuật, một loại hình đương đại. Các tác phẩm của anh vô cùng đa dạng về thể loại và quy mô từ những sắp đặt ngắn hạn như ở Lễ hội vườn quốc tế Chaumont-sur-Loire ở Pháp; Cây Dương Liễu trong Công viên Trung tâm ở thành phố Grand Prairie, Texas, Mỹ, cho đến các công trình cảnh quan lớn như công viên Pillow Field, Seatle, Công viên Trung tâm Guangming Thâm Quyến, Trung Quốc...

May mắn tìm được một người đồng hành hợp ý, Xavier Perot, một nghệ sĩ cảnh quan người Pháp, Andy Cao càng có cơ hội thăng hoa hơn với những ý tưởng của mình. Đến nay, bộ đôi Andy - Xavier được cả thế giới nhắc đến và ghi nhận với vai trò những người sáng tạo làm thay đổi cái nhìn và cảnh quan thế giới. CAO PERROT, thương hiệu Andy cùng Xavier gây dựng, đặt trụ sở ở Mỹ và Pháp đã có hơn 15 năm hoạt động, đã thực hiện hàng trăm công trình ấn tượng, sở hữu rất nhiều giải thưởng thiết kế danh giá quốc tế.

Mang đến thế giới những công trình ấn tượng nhưng những ký ức về Việt Nam sâu đậm như một miền nhớ, cứ thúc giục Andy Cao phải trở về. Anh chia sẻ: “Tôi cứ hỏi bản thân, sao mình đi xuôi ngược khắp nơi mà không thực hiện công trình nào trên chính quê hương mình?”. Năm 2004, Andy quyết định trở về Việt Nam để rồi phát hiện ra không đâu nhiều chất liệu để sáng tạo như trên quê hương mình. Về lại cánh đồng vùng ngoại ô thành phố, nơi anh sinh ra và lớn lên, Andy đã có một phút giật mình khi thoáng nghe được lời ru con trong mùi thơm của lúa. Ý tưởng về Vườn ru (Lullaby Garden) hình thành. 

Huy động hơn 60 nghệ nhân cùng tham gia đan 200 tấm chiếu để trải lên một mảnh vườn rộng gần 200m2, điểm đặc biệt trong công trình này của Andy vẫn là chất liệu. Anh dùng dây cước để dệt nên chiếu nên khi kết hợp cùng ánh nắng, công trình của anh có độ phản chiếu nhất định. Trong không gian lấp lánh ấy, lời ru con của ca sĩ Hương Thanh cất lên, gợi nhớ về tuổi thơ yên bình. Lullaby Garden được anh mang đi tham gia Lễ hội Vườn “Những hòn đá tảng”, khoe mình cùng với 11 tác phẩm khác của những nhà thiết kế hàng đầu thế giới.

Tuy Lullaby Garden được các nghệ nhân Việt Nam thực hiện nhưng Mây Pha Lê, công trình Andy cùng Xavier thực hiện trên Đồi Mâm Xôi, xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải mới thực sự là công trình anh dành cho công chúng Việt Nam. Mây Pha Lê được làm thủ công từ lưới dây mạ kẽm và gắn trang trí hơn 58.000 hạt pha lê Swarovski. 

Hiệu ứng ánh sáng từ pha lê giữa mênh mông đất trời mang đến du khách cảm giác như lạc vào chốn thần tiên, cổ tích. “Tôi phải nghiên cứu địa lý, mùa vụ… tường tận để thời điểm diễn ra triển lãm không ảnh hưởng đến đời sống người dân mà hiệu ứng đạt được là tốt nhất”, Andy chia sẻ. Được sự đồng ý của địa phương lẫn chủ nhân của Đồi Mâm Xôi, bộ đôi nghệ sĩ dành hơn hai tháng kết hợp cùng người dân bản địa thực hiện công trình này. 

Triển lãm diễn ra trong 2 tuần, Andy bảo, Mây Pha Lê với anh là một giấc mơ ngắn nhưng rất đẹp. Bởi vì, đây chính là công trình không chỉ riêng anh và Xavier thực hiện mà đó thực sự là công trình cộng đồng. 60 người dân địa phương bằng đôi bàn tay khéo léo của mình đã kết những viên pha lê vào công trình, thể hiện tròn trịa ý tưởng của người nghệ sĩ.

Dem may xuong ruong
Andy Cao cùng bà con dân tộc H'Mông.


Andy chia sẻ: “Hy vọng lớn nhất của tôi khi thực hiện Mây Pha Lê là mong những con người nơi đây biết, họ đang sống trong một cảnh quan rất đẹp để ý thức hơn trong việc giữ gìn”. Khép lại một giấc mơ, Andy lại lên đường với những công trình khác của mình. Nhưng Việt Nam sẽ là nơi anh thường xuyên trở lại. “Đây là nơi tốt nhất để tôi thử nghiệm các ý tưởng. Không đâu bằng nhà mình”, Andy nói.Quyết định không kéo dài thời gian triển lãm dẫu địa phương có ý muốn, người nghệ sĩ trả lại trọn vẹn cảnh quan ban đầu cho Đồi Mâm Xôi. Theo tính toán của anh, kết thúc mùa nước đổ, người H’Mông sẽ bắt đầu gieo mạ. Đồi Mâm Xôi rồi sẽ lại xanh, lại rực vàng khi mùa vụ chín như trước khi anh đến. Nhưng trong ký ức của người dân, rõ ràng, đã có những ngày Đồi Mâm Xôi lấp lánh. 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới