Vào rừng thưởng điểu
Phát triển du lịch phải đi đôi với đảm bảo sinh kế bền vững thì mới bảo vệ được hệ sinh thái. Ảnh: Vietnam Birding.
Là hướng dẫn viên trưởng tại Vietnam Birding (Thưởng Điểu) từ năm 2007, ông Lê Quý Minh, sinh năm 1970, là một trong những hướng dẫn viên ngắm chim giàu kinh nghiệm nhất trong nước. Đam mê với chim chóc cùng 12 năm kinh nghiệm đứng đầu các phòng du lịch sinh thái và giáo dục môi trường tại Vườn Quốc gia Bạch Mã đã giúp ông trụ vững trong một ngách rất nhỏ của du lịch sinh thái là ngắm chim.
Năm 2018, ông Minh cùng ông Richard Craik, người sáng lập của Vietnam Birding, đã xuất bản cuốn sách Birds of Vietnam (tạm dịch: Các Loài Chim Việt Nam). Trong cuốn cẩm nang thực địa đầu tiên và duy nhất dành riêng cho các loài chim ở Việt Nam, 916 loài chim được ghi nhận ở Việt Nam đều được mô tả bằng văn bản, hình minh họa và bản đồ phân bố.
Ngay sau khi bay từ Huế vào TP.HCM để chuẩn bị đón 4 vị khách xuất phát sớm vào sáng hôm sau trong một chuyến ngắm chim 9 ngày qua 3 vườn quốc gia từ Nam Cát Tiên đến Đà Lạt, ông Minh đã dành cả một buổi chiều để trò chuyện với NCĐT về nghề hướng dẫn đặc thù này và những mong muốn để phát triển du lịch sinh thái bền vững tại Việt Nam.
Khách muốn du lịch ngắm chim thường phải đặt trước từ 2 năm ở Vietnam Birding, vậy các ông có dự định mở rộng quy mô không?
Không dễ để tìm hướng dẫn viên ngắm chim. Nghề này rất cực, phải làm việc cường độ cao và xa nhà thường xuyên. Một tour xem chim thông thường kéo dài từ 4-21 ngày với đích đến là các vườn quốc gia trên khắp cả nước. Một số ngày có thể phải đi bộ đến 10 km với nhiệt độ cao trên 300C vào cuối buổi sáng. Ở vùng khí hậu nhiệt đới, chim hoạt động mạnh nhất vào thời điểm mát mẻ trong ngày, từ bình minh đến giữa buổi sáng và từ cuối buổi chiều đến chạng vạng nên việc dậy sớm là bình thường.
Tôi và anh Richard đã từng đào tạo một số hướng dẫn viên. Tuy nhiên, sau một thời gian, khi đã quen thuộc với những điểm xem chim, họ tách ra làm riêng. Khi làm riêng, họ có thể thu được nhiều tiền hơn cho cá nhân. Nhưng đó là một rủi ro cho khách hàng, vì việc xem chim thường đòi hỏi đi bộ trong các vườn quốc gia, nếu có sự cố y tế xảy ra, những hướng dẫn viên cá nhân này hiếm khi có đủ năng lực để xử lý cho khách hàng.
Bản thân tôi từng có thời gian làm việc tại Phòng Kiểm lâm ở Vườn Quốc gia Bạch Mã. Ở đó, tôi đã làm phiên dịch cho một chương trình nâng cao năng lực của WWF. Thông qua việc phiên dịch và trợ giảng, tôi đã học kiến thức về sơ cấp cứu và những lưu ý để giữ an toàn tính mạng khi đi vào rừng.
Ông có thể chia sẻ những cảm xúc vui, buồn... khi làm cái nghề rất đặc thù này?
Khi bắt đầu tour, mỗi vị khách thường sẽ chuẩn bị sẵn một danh sách chim muốn xem và báo cho hướng dẫn viên biết. Tôi sẽ lưu ý danh mục ưu tiên của từng người trong đoàn và khi gặp loại chim đó sẽ báo cho họ. Khi khách xem được chim như mong đợi, hay khi tình cờ thấy một góc nhìn mới về một loài chim mình đã biết, tôi cảm thấy rất vui. Nhưng ngược lại, tôi rất buồn khi khách thất vọng vì không xem được chim. Ví dụ, khi đi rừng nghe thấy tràn ngập tiếng ve kêu là buồn rồi đó vì chim sẽ không ra. Tiếng ve kêu làm chim khó nhận biết được mối nguy hiểm.
Nghề này có cái cực là bạn phải thức khuya dậy sớm. Như tôi phải thức dậy từ 4h để chuẩn bị cho đoàn ăn sáng và sẵn sàng xuất phát lúc 6h. Tối đến, sau giờ cơm tối không phải thời gian nghỉ ngơi mà là lúc tôi đánh dấu danh sách những loài chim đã gặp trong ngày. Khách cũng có danh sách riêng của họ và khi ấy họ sẽ đến hỏi để xác nhận những loài đã gặp. Vì mỗi người sẽ có góc nhìn khác nhau tùy thuộc vào vị trí đứng, nên tôi cần ghi nhớ vị trí của từng vị khách tại thời điểm gặp chim để trả lời họ.
Dù vất vả nhưng tôi rất hạnh phúc khi được gặp nhiều người từ khắp nơi trên thế giới và được tắm mình trong thiên nhiên. Tôi được thỏa mãn sở thích xem chim của mình, mà còn được trả tiền khi đi xem chim nữa chứ!
Nói đến du lịch sinh thái, đặc biệt là du lịch ngắm chim, điều gì khiến ông lo ngại?
Trong du lịch xem chim có nhiều trường phái, có người đi để chụp hình, riêng với chúng tôi chỉ cần nhìn ngắm chim là đủ. Chúng tôi quan sát chim trong sinh cảnh tự nhiên của chúng và cố gắng hạn chế tối đa việc tác động, làm thay đổi môi trường sống hay tập tính của chim. Ví dụ, khi phát hiện chim, tôi sẽ chiếu đèn lazer vào một điểm ở gần chim chứ không phải lên chính con chim đó, sau đó nói thêm chỉ dẫn để người xem tìm thấy chim. Chúng tôi không cần phải có những tấm hình chụp rõ nét để chứng minh mình đã thật sự gặp được một loài chim nào đó.
Chúng tôi không phản đối nhiếp ảnh chim, nhưng cũng không ủng hộ các hoạt động phi đạo đức cho mục đích chụp ảnh. 2 hoạt động phổ biến trong giới nhiếp ảnh gia chụp chim là sử dụng nơi ẩn náu hoặc thiết lập các trạm cho chim ăn nhân tạo. Việc xây dựng nơi ẩn náu thường liên quan đến việc thay đổi và xáo trộn môi trường sống, trong khi việc cho chim ăn nhân tạo làm tăng sự phụ thuộc vào thức ăn không tự nhiên, tăng nguy cơ bị săn mồi tại các địa điểm cho chim ăn. Ở Việt Nam, nạn săn chim không chỉ đến từ những loài săn mồi trong tự nhiên mà còn từ những người bẫy chim để bán làm chim cảnh hoặc làm thức ăn...
Vậy, theo ông, cần chú ý điều gì khi phát triển du lịch sinh thái bền vững?
Đầu tiên, cần tuyên truyền và thực thi pháp luật mạnh mẽ hơn. Động vật hoang dã ở Việt Nam ngày càng được nhiều người quan tâm, nhưng quan tâm để bảo vệ thì ít, mà để chụp ảnh, nuôi làm thú cưng, thậm chí làm thức ăn thì nhiều hơn. Điều quan trọng là những người ra quyết định và chính quyền ở mọi cấp cần hiểu rõ các vấn đề này và hành động ngay từ bây giờ. Và cũng cần khuyến khích du lịch sinh thái tại các công viên quốc gia và khu bảo tồn, áp dụng cho tất cả các loài, chứ không chỉ một số loài hoặc khu vực cụ thể.
Kế đến, phát triển du lịch phải đi đôi với đảm bảo sinh kế bền vững thì mới mong bảo vệ được hệ sinh thái. Mô hình làm du lịch tại làng Vân Long, tỉnh Ninh Bình rất đáng để học hỏi. Tại đây, những người dân địa phương chèo đò đưa du khách đi dọc vùng đất ngập nước ven sông, ngắm nhìn hơn 100 loài chim bản địa và di cư, đặc biệt là ngắm những gia đình voọc quần đùi trắng chơi đùa, kiếm ăn ngay chân núi Đồng Quyển. Việc chia sẻ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi giữa người làm du lịch, nhà quản lý và người dân bản địa rất quan trọng trong du lịch sinh thái - du lịch có trách nhiệm.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Lam Nhi
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thanh Hằng