Gameshow lo đoản hậu

Năm nay các gameshow tìm kiếm tài năng Việt Nam cho thấy nhiều cải tiến ở bề nổi như công nghệ sân khấu, format mới, tương tác số hiện đại... Ảnh: TL.
Sẽ có một loạt gameshow tìm kiếm tài năng mới lên sóng trên các đài truyền hình và nền tảng số, như Điểm Hẹn Tài Năng, Siêu Mẫu Nhí Toàn Năng 2025, Tân Binh Toàn Năng, Trạm Phát Sóng (+84)...
Năm nay các gameshow tìm kiếm tài năng Việt Nam cho thấy nhiều cải tiến ở bề nổi như công nghệ sân khấu, format mới, tương tác số hiện đại... Nguyễn Duy Khoa, đồng sáng lập nền tảng số TalentBox, đơn vị hợp tác sản xuất với nhiều đài truyền hình, cho biết: “Chúng tôi đưa các vòng thi lên cả TikTok, YouTube, Spotify để thí sinh có lượng người theo dõi ngay từ đầu. Từ đó, họ có thể chủ động xây dựng cộng đồng, thậm chí kiếm tiền ngay khi cuộc thi chưa kết thúc. Đây là cách các show quốc tế đã làm từ lâu”.
Có nhận định lạc quan hơn cho rằng các gameshow này đang trong giai đoạn chuyển mình, dần bước qua giai đoạn gây chú ý ngắn hạn để hướng tới xây dựng giá trị dài hạn, không chỉ cho thí sinh, mà cho cả ngành công nghiệp văn hóa - giải trí nội địa. Nhà sản xuất Trịnh Quang Tuấn, đơn vị từng thực hiện nhiều gameshow thành công, nói: “Chúng tôi học được rằng rating cao không đồng nghĩa với thành công dài hạn. Sự bền vững đến từ việc khán giả tin rằng những tài năng họ yêu thích vẫn tiếp tục phát triển sau chương trình. Vì vậy, chúng tôi ký hợp đồng hợp tác dài hạn với Top 10 thay vì chỉ trao giải cho người thắng cuộc”.
![]() |
Đây có thể được coi là tín hiệu tích cực, xứng đáng để khán giả hy vọng và chờ đón cho đời sống văn hóa - giải trí Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi: Liệu những đổi mới bước đầu có đủ làm thay đổi cục diện? Liệu những tài năng bước ra từ các cuộc thi này có được đầu tư bài bản để phát triển dài hơi, hay rồi lại rơi vào cảnh vụt sáng, vụt tắt?
Trên thực tế, ngay trong những bước chuyển ở bề nổi cũng đã ẩn chứa một số vấn đề như gameshow gây ấn tượng với trí tuệ nhân tạo (A.I) phân tích giọng hát, thực tế ảo tăng cường (AR), sân khấu 3D... Tuy nhiên, công nghệ đôi khi bị biến thành công cụ trang trí, đánh bóng chương trình hơn là phục vụ phát triển nội dung hoặc nâng chất thí sinh. “Dựng tiết mục như concert quốc tế, nhưng thí sinh hát còn lệch nhịp. Kỹ thuật không thể thay thế đào tạo”, nhạc sĩ Quốc Trung nhận định thẳng thắn.
Chưa kể các gameshow Việt đã học hỏi nhiều từ format quốc tế nhưng cũng chính vì vậy, nhiều chương trình rơi vào bản sao không bản sắc, thiếu đi yếu tố văn hóa địa phương, tinh thần dân tộc hoặc sáng tạo riêng biệt. Và quan trọng hơn hết, phần ruột là khâu đào tạo, phát triển, bảo trợ thí sinh vẫn là điểm yếu lớn. Các chương trình vẫn chưa có mô hình quản lý - đào tạo hậu chương trình như mô hình idol/K-pop tại Hàn Quốc. Việc thí sinh tự xây dựng sự nghiệp sau gameshow gần như là tự bơi. “Chúng tôi có hợp đồng tài trợ với 5 nhãn hàng nhưng không có hợp đồng đào tạo bài bản cho thí sinh”, một nhà sản xuất giấu tên cho hay.
Vì thế, từng là tâm điểm truyền thông, từng khiến hàng triệu khán giả xúc động nhưng sau ánh hào quang, không ít quán quân của các gameshow Tìm Kiếm Tài Năng lại biến mất khỏi sự quan tâm của công chúng. Họ đăng quang xong là rơi vào trạng thái nghệ sĩ tự do không định hướng. Không có đội ngũ quản lý, không có sản phẩm kế tiếp, không có sân khấu để tiếp tục sáng tạo.
Trong khi đó, các nhà sản xuất, vốn quan tâm đến rating và nhà tài trợ, lại thường chỉ tập trung vào quá trình thi và đêm chung kết. Nguyễn Khánh Vy, quán quân một chương trình Tìm Kiếm Tài Năng Nhí năm 2018, chia sẻ: “Lúc thắng giải, em rất vui, nhưng sau đó gần như không có hoạt động gì nổi bật. Một thời gian dài em bị tụt cảm xúc, hoang mang không biết hướng đi tiếp theo là gì”.
![]() |
“Chúng ta thiếu hẳn khâu kết nối giữa gameshow với thị trường giải trí thực tế. Sau khi đoạt giải, các bạn không biết phải làm gì tiếp theo, không có nơi để biểu diễn, không có sản phẩm để ra mắt, không có nhà sản xuất chịu đầu tư”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thừa nhận.
Đạo diễn - MC Trấn Thành, người có nhiều năm gắn bó với các chương trình truyền hình thực tế, cũng đồng quan điểm: “Gameshow chỉ là bệ phóng. Nhưng nếu không có đường băng tiếp theo thì bệ phóng cũng vô dụng. Tài năng có đấy, nhưng môi trường để nuôi dưỡng tài năng mới là thứ chúng ta đang thiếu”.
Truyền hình vẫn là kênh hiệu quả để phát hiện tài năng, nhưng không thể là nơi duy nhất gánh cả quá trình phát triển của nghệ sĩ. Giới chuyên môn cũng đã đề xuất nhiều hướng đi: phối hợp với các hãng giải trí chuyên nghiệp để tạo hệ sinh thái phát triển sau chương trình; thiết lập trung tâm đào tạo hậu cuộc thi như mô hình ở Hàn Quốc, Nhật; đa nền tảng hóa, giúp các tài năng phát triển trên cả mạng xã hội, nền tảng số chứ không chỉ dựa vào sân khấu truyền thống...
Các gameshow Tìm Kiếm Tài Năng ở Việt Nam năm 2025 tuy đã có bước tiến nhưng chừng nào còn chạy theo lượt view hơn là giá trị, còn thiếu kế hoạch phát triển hậu chương trình, thì chừng đó tài năng vẫn dễ bị biến thành hiện tượng.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư

Tin cùng chuyên mục
-
Minh Lan
-
Hồng Thu