Làm mới nghệ thuật
Những mẫu lồng đèn từ hơn 100 năm trước được phỏng dựng lại qua đôi bàn tay khéo léo của cặp vợ chồng tại TP.HCM. Ảnh: TL
Trong giai đoạn chuyển giao cũ và mới, giữa cơn lốc công nghệ, mạng xã hội và sự du nhập mạnh mẽ của các loại hình nghệ thuật tại các quốc gia đang phát triển, nghệ thuật truyền thống luôn cần một gạch nối dài hơn để có thể chuyển mình, tiếp biến.
Sau quá trình tiếp nhận quá nhiều văn hóa du nhập, người trẻ đang từng bước quay về và tìm kiếm những giá trị bền vững từ chính văn hóa bản địa. Chất liệu dày dặn từ các loại hình nghệ thuật truyền thống đang được nhiều người trẻ nhiệt huyết và đầy sáng tạo chọn làm cảm hứng, bằng cách này hay cách khác, đưa trở lại đời sống. Vừa kế thừa, phát huy, vừa chọn lọc, làm mới bằng tư duy đương thời, vẻ đẹp từ văn hóa, nghệ thuật truyền thống giống như một chiếc kén, từng ngày lột xác và bung cánh để phù hợp với thời đại và con người hiện đại.
Hồi sinh lồng đèn trăm tuổi
Những mẫu lồng đèn từ hơn 100 năm trước được phỏng dựng lại qua đôi bàn tay khéo léo của cặp vợ chồng tại TP.HCM.
Vài năm trước, tình cờ xem bộ ảnh Trung thu chụp từ thập niên 20 của thế kỷ trước, chị Nguyễn Thị Kim Thủy lập tức ấn tượng trước những chiếc lồng đèn giấy kiếng hình cá chép, con cua, tiến sĩ giấy... Vẻ đẹp uyển chuyển, sinh động của những chiếc lồng đèn cổ với màu sắc tinh tế khiến chị Thủy say mê. Vốn có niềm yêu thích văn hóa cổ truyền, chị rủ chồng - anh Nguyễn Hoàng Sơn - thử phục dựng lại những chiếc lồng đèn ấy. Mong mỏi của chị Thủy là có thể lưu giữ một phần nào vẻ đẹp đang mai một và bị áp đảo trước hàng loạt loại lồng đèn hiện đại bắt mắt, gắn nhạc xập xình từ Trung Quốc.
Vợ chồng Nguyễn Hoàng Sơn và Nguyễn Thị Kim Thủy. |
Vì không còn nhiều tài liệu nên chị Thủy chỉ có thể phỏng dựng lại sao cho giống nhất thay vì phục chế nguyên bản một sản phẩm như cách đây hàng thế kỷ. Vợ chồng chị tìm đến làng lồng đèn Phú Bình (quận Tân Bình) - nơi những chiếc lồng đèn cổ đầu tiên được phục dựng, cũng là làng nghề làm lồng đèn nổi tiếng - để tham khảo. Khi trực tiếp theo dõi tiến độ làm lồng đèn, chị Thủy nhận thấy để làm ra được một sản phẩm hoàn chỉnh, cần rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, công phu.
Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, cả 2 không gặp nhiều khó khăn trong việc tạo hình khối, phỏng đoán và thiết kế lại lồng đèn từ hình ảnh. Tuy nhiên, khâu nguyên vật liệu khiến vợ chồng chị bối rối vì không rõ nghệ nhân xưa dùng loại giấy nào, màu gì và làm khung từ chất liệu nào. Sản phẩm lại được phủ vẽ lên toàn bộ, độ khó lại càng tăng lên.
Qua nhiều lần thử đủ các loại vật liệu từ mây, tre, kẽm, chị Thủy chọn sợi trúc để làm khung sườn, các mối nối đều được uốn cong bằng nhiệt dù giá thành cao hơn. Ưu điểm của lồng đèn làm bằng trúc là để được nhiều năm, vẫn giữ được bộ khung dù mối nối có bung ra. Khung cố định với dây rút nhựa hoặc chỉ, giúp thợ giảm rủi ro trầy xước tay khi làm bằng dây thép. Do giấy kính mỏng, có lúc sản phẩm gặp nước sẽ nhăn hoặc rách, có nhiều sản phẩm phải làm lại, chờ khô rồi vẽ lại, việc kiểm soát màu cũng ngốn của cả 2 không ít thời gian. Giai đoạn đầu, 2 vợ chồng phải bỏ dở nhiều sản phẩm cho đến khi làm được chiếc lồng đèn hoàn chỉnh.
Sản phẩm đầu tiên hoàn thiện là chiếc đèn lý ngư hóa long dài gần 1 m. Sau khi lên mẫu trên máy tính, vợ chồng chị mất 3 ngày hoàn thiện và nhiều giờ để vẽ thủ công gần 200 vảy cá, phối màu cho sinh động. Khi giới thiệu lồng đèn trên mạng xã hội, vợ chồng chị bắt đầu có những đơn hàng đầu tiên từ các doanh nghiệp lớn.
Gần 2 năm nay, chị Thủy và anh Sơn tập trung vào làm lồng đèn xưa. Vì là sản phẩm thủ công lại có kích thước lớn nên mọi công đoạn đều tỉ mỉ. Như bộ khung một người làm mất ít nhất 9 tiếng để uốn cong, ghép mối nối, cố định từng bộ phận với nhau. Lồng đèn dán bằng loại giấy kiếng phổ thông như nhiều xưởng khác nhưng nhiều chi tiết, bề mặt cong nên mất thời gian hơn, từ vài tiếng đến 3 ngày. Nếu giấy dán không căng sẽ ảnh hưởng tới việc vẽ tạo hình.
Phức tạp nhất là lồng đèn hình con cua, cần 2 ngày mới có thể làm xong khung và dán 2 lớp giấy. Riêng phần khung cua, có những bộ phận phải dùng loại mũi khoan siêu nhỏ vào thanh trúc để tạo mối nối. Tùy theo hình dáng, họa tiết mà người thợ mất từ 12-18 tiếng để vẽ xong. Lồng đèn tiến sĩ giấy phỏng dựng theo hình ảnh quan thời Nguyễn cần 3 ngày để hoàn thành.
Bắt tay vào nghiên cứu lồng đèn cổ xưa từ tháng 7/2022, đến nay anh Sơn, chị Thủy đã hoàn thiện gần 500 chiếc lồng đèn. Công việc được làm quanh năm, cao điểm vào 2 tháng trước Trung thu. Thời gian này có khoảng 50 đơn hàng mỗi tháng, gấp 10 lần ngày thường và cần 10 người phụ việc. Loại đèn hình cá chép chiếm hơn một nửa số đơn. Mỗi sản phẩm có giá từ gần 400.000 đồng đến 7 triệu đồng. Rẻ nhất là lồng đèn vọng nguyệt. Đèn cá chép, cua tùy theo hình dáng, độ tinh xảo có giá trung bình 4 triệu đồng.
Mặc dù dần dần có thể làm “kinh tế” từ văn hóa nhưng với chị Thủy, niềm hạnh phúc nhất là có thể làm sống lại một thú chơi tao nhã, một vẻ đẹp văn hóa lâu đời tưởng chừng đã bị đứt gãy. Trong quá trình thực hiện lồng đèn, nhiều sinh viên vì đam mê và yêu thích văn hóa cổ truyền cũng đã tìm đến góp sức cùng vợ chồng chị Thủy, vừa học hỏi vừa sáng tạo thêm. Sự tiếp bước này khơi lên hy vọng cho nghề lồng đèn cổ truyền đang dần có sức hút với thế hệ trẻ.
Cải lương tiếp bước trăm năm
Ra đời vào năm 2018, Yume Art Project, nổi bật nhất là dự án cải lương “Tiếp bước trăm năm” do Tiến sĩ Đào Lê Na khởi xướng với mong mỏi nâng cao trình độ cảm thụ nghệ thuật cho lớp khán giả trẻ, đồng thời giúp mỗi cá nhân tham gia dự án có thể phát triển tiềm năng nghệ thuật.
Sau 5 năm, dự án “Phát triển nghệ thuật và sáng tạo cho cộng đồng” này đã gặt hái được không ít thành quả, đặc biệt với cải lương - loại hình sân khấu ra đời cách đây hơn trăm năm.
Chương trình “Cải lương và bạn trẻ” cũng là một trong những hoạt động của Yume Art Project từ buổi đầu. Ảnh: TL |
Yume Art Project gồm 2 phần. Yume Courses là những khóa học chia sẻ kiến thức nghệ thuật chuyên sâu từ các chuyên gia (mỹ học, triết học, nghiên cứu văn hóa, điện ảnh, âm nhạc, sân khấu...) và cung cấp những kỹ năng sáng tác cho học viên. Tiến sĩ Đào Lê Na, Trưởng Bộ môn Sáng tác và Phê bình sân khấu - điện ảnh, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, nhấn mạnh, mục tiêu tổ chức các hội thảo không phải để bàn giải pháp cho các bộ môn nghệ thuật truyền thống mà nhằm đối thoại với người trẻ.
“Chỉ có lắng nghe tiếng nói của người trẻ, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của các bạn trẻ thì chúng tôi mới biết cách nên làm gì để bộ môn nghệ thuật đó đến gần họ. Chúng ta không thể dùng cách giáo điều để ép họ phải hiểu, cảm thụ nghệ thuật mà hãy hướng dẫn để người trẻ cảm nhận và phát huy theo cách của họ, đầy tự nguyện và hào hứng”, Tiến sĩ Đào Lê Na nói.
Sau quá trình tiếp nhận quá nhiều văn hóa du nhập, người trẻ đang từng bước quay về và tìm kiếm những giá trị bền vững từ chính văn hóa bản địa. Ảnh: TL |
Việc đào tạo khán giả cần dựa trên sự tiếp nhận thông tin 2 chiều. Phần học phí thu được từ các khóa học Yume Courses sẽ được đưa vào Quỹ Yume Fund nhằm tổ chức hoặc hỗ trợ phát triển nghệ thuật và sáng tạo để phục vụ cộng đồng. Đến nay Quỹ đã hỗ trợ cho các hoạt động như chiếu phim miễn phí, in ấn sách nghệ thuật, talk show, dạy nghệ thuật miễn phí cho bệnh nhi và trẻ em khuyết tật...
Chương trình “Cải lương và bạn trẻ” cũng là một trong những hoạt động của Yume Art Project từ buổi đầu. “Dự án tập trung đào tạo khán giả cho cải lương nên chúng tôi mong muốn từng bạn trẻ hiểu được cải lương hay như thế nào, có giá trị ra sao, cần thay đổi và điều chỉnh điều gì để bản thân mỗi người tự nâng cao ý thức gìn giữ và chia sẻ những hiểu biết của họ về cải lương cho bạn bè, cộng đồng”, Tiến sĩ Đào Lê Na cho biết.
Không giống với điện ảnh, sự tiếp cận của những loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống như cải lương đến người trẻ tồn tại rất nhiều thách thức. Để trả lời cho câu hỏi “Cải lương có thể tồn tại và phát triển như thế nào trong thời hiện đại?”, sau 2 năm rút tỉa từ kinh nghiệm thực tế, Yume đã điều chỉnh lại một số nội dung cho phù hợp và chính thức đổi tên thành “Tiếp bước trăm năm” như một sự khẳng định về sự đồng hành và phát triển của dự án cùng cải lương. Dự án nhận được sự đồng hành từ nhiều bạn trẻ cùng say mê như Bùi Thiên Huân (điều hành Yume), Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết... hay sau này là Tiến sĩ Lê Hồng Phước, nghệ sĩ Lê Mai Anh, Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Khải, Nghệ sĩ Ưu tú Toàn Thắng, nhóm Humm và nhiều nghệ sĩ trẻ khác.
“Tiếp bước trăm năm” không chỉ phát động cuộc thi lan tỏa sâu rộng đến những người trẻ yêu nghệ thuật từ 15-35 tuổi khi kết hợp với các hình thức hiện đại như podcast (chương trình phát thanh), video, nhiếp ảnh, đồ họa... lan tỏa trên các nền tảng mạng xã hội mà còn thổi làn gió mới vào cải lương khi kết hợp với các loại hình biểu diễn hiện đại như múa bóng, tân nhạc... Đợi Kiều, vở cải lương thể nghiệm gây được tiếng vang trong 2 năm qua, ra đời từ chính những cuộc đối thoại, làm mới đó.
Tiến sĩ Đào Lê Na nhấn mạnh, di sản muốn giữ gìn và phát huy hiệu quả, cần phải đồng hành cùng đời sống hiện đại, đặc biệt là đời sống của người trẻ. Muốn như vậy, cần tiếp cận người trẻ một cách chuyên nghiệp, bài bản nhưng không phải bê nguyên những gì đã có. Việc làm mới là điều đương nhiên.
Đợi Kiều quy tụ rất nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp đồng hành. Ảnh: TL |
Đó là lý do Đợi Kiều quy tụ rất nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp đồng hành. Sự thành công của dự án không dừng ở con số gần 1.000 khán giả, phần đông là khán giả trẻ tiếp cận với Đợi Kiều và vài ngàn sinh viên tại các trường đại học qua các buổi nói chuyện về cải lương mà còn nằm ở việc khơi lên sự tò mò với loại hình nghệ thuật này ở thế hệ trẻ. Song song đó là sự chung tay của nhiều cá nhân tâm huyết với cải lương. Một ngọn đuốc nhỏ nhóm lên, nhiều ngọn đuốc khác bừng sáng, sẽ nhìn thấy rõ con đường đang đi.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư