Hủy
Phong Cách Sống

Một bước ngoặt mới trong việc phát triển vaccine COVID-19 trên toàn cầu

Mai Nam Thứ Năm | 30/07/2020 14:10

ads

Nguồn ảnh: Reuters.

Chính phủ Nga đang muốn xây dựng hình tượng hàng đầu về nghiên cứu khoa học.
 

Nga tham vọng xây dựng hình tượng hàng đầu về nghiên cứu khoa học

Nga đặt mục tiêu trở thành nước đầu tiên trên thế giới cấp phép lưu hành vaccine COVID-19 vào tuần thứ 2 của tháng 8, bất chấp những lo lắng về mức độ an toàn, tính hiệu quả và tâm lý hoài nghi.

Liệu Nga có cắt đi những bước quan trọng trong quá trình phát triển vaccine hay không. Tuy nhiên, nếu quy trình phê duyệt được thông qua thì thế giới sẽ trải qua một bước ngoặt quyết định trong công cuộc chống lại cơn ác mộng COVID-19. 

Chia sẻ trên CNN, một quan chức Nga cho biết, họ đang hướng đến mục tiêu chấp thuận lưu hành vaccine COVID-19 vào ngày 10.8.2020 hoặc sớm hơn. Đây là vaccine được phát triển bởi viện Gamaleya tại Moscow, Nga.

Theo vị này, vaccine sẽ sớm được xét duyệt bởi những vấn đề của đại dịch COVID-19 gây ra quá nhiều lên kinh tế toàn cầu, ngoài ra cũng cần phải tính đến những vấn đề của riêng nước Nga. Hiện tại, Nga đang có hơn 800.000 ca nhiễm COVID-19, trong đó có hơn 13.000 ca tử vong.

Một khi vaccine được chấp thuận sử dụng trong cộng đồng, những nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch sẽ được tiêm vaccine đầu tiên. Ông Kirill A. Dmitriev - Giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư trực tiếp Nga khẳng định: “Đó thực sự sẽ là khoảng thời gian vô cùng quan trọng”. Quỹ đầu tư trực tiếp Nga là một quỹ tài sản có chủ quyền trị giá 10 tỉ USD do chính phủ Nga tạo ra để hợp tác đầu tư vào nền kinh tế Nga cùng với các quỹ tài sản có chủ quyền của các quốc gia khác. Các công ty danh mục đầu tư từ Quỹ đầu tư trực tiếp Nga sử dụng hơn 800.000 người lao động và tạo ra doanh thu tương đương với hơn 6% GDP của Nga. Quỹ đầu tư trực tiếp của chính phủ Nga cũng đang đầu tư vào việc phát triển vaccine COVID-19.

Hiện tại trên thế giới đã có rất nhiều loại vaccine COVID-19 đang được nghiên cứu và phát triển. Một số loại vaccine cũng đã được thử nghiệm trên quy mô lớn. Nhưng phần lớn các tổ chức phát triển vaccine cảnh báo: Cần phải làm rất nhiều việc trước khi vaccine có thể được cấp phép lưu hành.

Chính phủ Nga đang muốn xây dựng hình tượng hàng đầu về nghiên cứu khoa học. Theo quan điểm của các nhà khoa học Nga, một số loại vaccine có thể phát triển nhanh chóng bởi nó là phiên bản biến thể của loại vaccine dùng để điều trị bệnh khác. Cách tiếp cận này đã được nhiều nước và doanh nghiệp khác áp dụng.

 

Vaccine Gamaleya được phát triển dựa trên nguồn tài chính từ quỹ đầu tư trực tiếp thuộc chính phủ Nga và được sự ủng hộ của quân đội. Bộ Quốc phòng Nga công bố: Một số binh lính trong quân đội Nga đang tình nguyện để thử nghiệm vaccine. Giám đốc dự án vaccine của Nga, ông Alexander Ginsburg cho biết, bản thân ông cũng đã tiêm thử vaccine.

Theo ông Kirill A. Dmitriev, “Tạo một loại vaccine hiệu quả chống lại virus Corona là một trong những ưu tiên trong cuộc chiến chống COVID-19. Cơ sở nghiên cứu  Gamaleya của Nga về phát triển vaccine là một trong những cơ sở tốt nhất trên toàn cầu và chúng tôi hy vọng rằng vaccine Nga sẽ là một trong những sản phẩm đầu tiên trên thế giới sẵn sàng được sử dụng”.

Viện nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh học Gamaleya cho biết, việc thử nghiệm vaccine giai đoạn 3 sẽ khởi động từ ngày 3.8.2020 với hàng nghìn người Nga. Vaccine có thể lưu hành trên toàn nước Nga từ đầu tháng 9.2020. Vaccine sẽ tiêm 2 lần cho những người tham gia, nhằm tạo ra phản ứng miễn dịch trong khoảng 2 năm. Người tham gia không phải đóng phí và phải ký vào biên bản cam kết cho thấy họ hiểu về những rủi ro tiềm tàng.

Nỗ lực hoàn chỉnh mức độ an toàn và hiệu quả của vaccine

Hiện, các nhà nghiên cứu phương Tây đang thử nghiệm vaccine COVID-19 giai đoạn 3 để hiểu hơn về độ an toàn và tính hiệu quả của nó.

Đáng chú ý, công ty Moderna, một trong một số những đơn vị nhận được hỗ trợ từ Chiến dịch Warp Speed, chương trình vaccine COVID-19 của chính phủ liên bang Mỹ vừa bắt đầu giai đoạn thử nghiệm lâm sang giai đoạn III từ ngày 27.7. Theo WHO, vaccine Moderna là một trong 25 thử nghiệm lâm sàng trên toàn thế giới.

Thử nghiệm dự kiến sẽ tuyển khoảng 30.000 tình nguyện viên trưởng thành và đánh giá sự an toàn của vaccine Moderna.

Những người tình nguyện sẽ nhận hai mũi tiêm vaccine 100 microgam hoặc giả dược cách nhau khoảng 28 ngày. Nguồn ảnh: AP.
Những người tình nguyện sẽ nhận hai mũi tiêm vaccine 100 microgam hoặc giả dược cách nhau khoảng 28 ngày. Nguồn ảnh: AP.

Moderna hy vọng có kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III của vaccine ngay trong năm nay. Ông Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ cho biết: “Đến tháng 11 hoặc tháng 12 thử nghiệm này sẽ cho chúng ta câu trả lời”. Nhưng ông Anthony Fauci cũng hy vọng kết quả sẽ đến sớm hơn.

Ông Anthony Fauci chia sẻ: “Mặc dù đeo khẩu trang, giãn cách và cách ly xã hội có thể giúp chúng ta giảm thiểu sự lây lan của COVID-19, nhưng chúng ta rất cần một loại vaccine phòng ngừa an toàn và hiệu quả để kiểm soát đại dịch này”.

Dù điều này giúp đẩy nhanh quá trình công bố vaccine ra thị trường, các nhà quản lý Mỹ và châu Âu vẫn yêu cầu việc thử nghiệm hoàn chỉnh mức độ an toàn và hiệu quả của vaccine.

Hiện, tại Việt Nam, xuất hiện một số ca  lây nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm ở Việt Nam lên tới 459 ca và hiện không có bất kì 1 ca tử vong nào bởi COVID-19. Tại cuộc họp được Bộ Y tế và Tổ chức PATH tổ chức 22.7, bốn nhà sản xuất vắc xin của Việt Nam đều công bố tham vọng sản xuất được vaccine ngừa COVID-19.  4 nhà sản xuất này gồm Công ty TNHH MTV vắcxin và sinh phẩm y tế (VABIPTECH), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC), Viện vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty TNHH Dược Nanogen.

Nguồn ảnh: Bộ Y tế
Số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam. Nguồn ảnh: Bộ Y tế

Có thể bạn quan tâm: 

► Việt Nam dự kiến có vaccine COVID-19 vào tháng 10.2021


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới