ESG quan trọng nhưng không đặc biệt hơn
Một cuốn sách quan trọng và kịp thời
Vài năm trở lại đây, tại Việt Nam, ESG (Environmental - Môi trường; Social - Xã hội; Governance - Quản trị) và phát triển bền vững (Sustainable development) đã trở thành một chủ đề được quan tâm hàng đầu. Từ khóa “ESG”, “phát triển bền vững” (cũng như từ khóa “chuyển đổi số” vốn đi trước vài năm) trở thành một từ khóa “hot” trong hầu hết các hoạt động truyền thông đại chúng, thảo luận ở nhiều cấp bậc khác nhau của giới quản lý; giới kinh doanh và truyền thông tại Việt Nam.
Tương tự như mức độ được nhắc đến, thì mức độ nhất quán, rõ ràng về khái niệm, nội hàm và tầm quan trọng của ESG trong tổng thể các bài toán quản trị ở cấp độ vĩ mô (quốc gia) và cấp độ doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, vừa vẫn là điều gây nhiều thắc mắc, tranh cãi. Ngoài hiện tượng mơ hồ về khái niệm, dẫn đến việc lạm dụng khái niệm, còn có những hiện tượng bối rối, trì hoãn, đối phó hoặc “nói quá” về việc thực thi ESG đang dần trở nên phổ biến tại Việt Nam.
Nhận thức về ESG tại thị trường Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu. Việc đào tạo chuyên ngành này tại Việt Nam gần như chưa được triển khai chính quy, và các thiết chế hỗ trợ cho việc tạo ra nền móng nhận thức đúng đắn về ESG nói riêng và phát triển bền vững ở Việt Nam nói chung vẫn trong khuôn khổ khuyến khích tự nguyện. Gần như chưa có một tài liệu tổng quan và chính thức nào tại Việt Nam làm nền tảng cho những hiểu biết nhất quán và sâu sắc về chủ đề này.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, một cuốn sách giàu tính phản biện về ESG và đề xuất dành cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách được giới thiệu với các nhận định có thể “gây sốc”, gây bất ngờ, hoặc chưa quen thuộc với nhiều người. Nhiều câu hỏi được đặt ra sẽ khiến nhiều người suy nghĩ cẩn trọng:
"ESG không phải là phát triển bền vững"; đúng hơn, ESG là công cụ giúp doanh nghiệp Phát triển kinh doanh bền vững.
"ESG quan trọng nhưng không đặc biệt hơn"
Nghịch lý ESG: Thay vì chỉ nói về mặt tốt đẹp, đã đến lúc phải bàn về những thách thức, nguy cơ cũng như cạm bẫy của ESG.
Trách nhiệm đầu tiên và quan trọng nhất của doanh nghiệp là tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, lợi nhuận có được phải dựa trên sự tuân thủ pháp luật và đạo đức, bao gồm: đạo đức xã hội và đạo đức môi trường.
Làm thế nào để cân bằng giữa việc đạt được các mục tiêu kinh doanh và trách nhiệm đối với môi trường, xã hội?
ESG là một xu hướng tiến bộ và không thể đảo ngược. Tuy nhiên, DN khi tham gia ESG cần phải khôn ngoan để tránh rơi vào "bẫy": bẫy năng lực, bẫy chi phí. Nếu làm ít, nói nhiều, tuyên bố vượt quá năng lực thì DN trở thành gian dối (tẩy xanh, tẩy xã hội).
Một cuốn sách nghiên cứu khoa học nghiêm cẩn, được viết bởi chuyên gia giàu kinh nghiệm về thương hiệu, quản trị doanh nghiệp và được đào tạo chính quy bởi các tổ chức thuộc định chế Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững.
Với hơn 300 trang sách, ESG Quan trọng nhưng không đặc biệt hơn có gần 500 trích dẫn từ các nguồn, các chuyên gia nghiên cứu quốc tế và trong nước. Tác giả sử dụng phương pháp tổng hợp, phân tích, phản biện và từ đó đưa ra các đề xuất riêng.
Với vị thế là một nhà tư vấn và quản lý cấp cao cho nhiều tổ chức trong nước và quốc tế tại Việt Nam về chiến lược tăng trưởng và thương hiệu tổ chức trong hơn 25 năm, từ năm 2010, ông Phạm Việt Anh dần chuyển trọng tâm sang lĩnh vực phát triển kinh doanh bền vững và hiện là Cố vấn bền vững, ESG-S cho một số tổ chức có cùng mục tiêu. Ông là tiến sĩ về quản lý bền vững (DBA) và hiện đang tiếp tục làm nghiên cứu sinh (PhD) về phát triển bền vững và ngoại giao tại một định chế đại học liên chính phủ theo hiệp ước Liên Hợp Quốc.
Lĩnh vực ông quan tâm và nghiên cứu chính là chiến lược chuyển đổi kinh doanh bền vững và giáo dục sớm về tính bền vững. Một trong số những quan điểm nổi bật của ông chính là: Không có chính phủ toàn cầu; chỉ có doanh nghiệp toàn cầu. Điều đó mang hàm ý nếu các tổ chức kinh tế tư nhân khi cùng đồng lòng hợp tác, công cuộc chuyển đổi xã hội bền vững sẽ rất nhanh và hiệu quả. Ngược lại, việc tẩy xanh để kiếm lời ngắn hạn sẽ làm trầm trọng thêm tình hình, cản trở sứ mệnh phát triển bền vững chung của nhân loại.
Trong vài năm trở lại đây, TS. Phạm Việt Anh là một nhà báo cộng tác và là diễn giả uy tín và quen thuộc của các diễn đàn ESG, phát triển bền vững tại Việt Nam. Ông chính là người Việt hóa khái niệm Nội khử (Insetting) và Ngoại bù (Offsetting) carbon; cũng đồng thời là người đầu tiên đưa ra khái niệm ESG-S tại Việt Nam. Trong cuốn sách này, lần đầu tiên, TS. Phạm Việt Anh giải thích vì sao lại là ESG -S, mà không phải là ESG như thế giới vẫn đang sử dụng.
Là một trong những chuyên gia có trải nghiệm sâu sắc từ bên trong doanh nghiệp, đồng thời với việc được đào tạo bởi định chế Liên hiệp quốc về kinh tế học sinh thái và quản trị bền vững, có thể nói, tác giả Phạm Việt Anh là một trong số ít các chuyên gia Việt Nam có cái nhìn toàn cảnh về ESG và phát triển bền vững. Những nhận định, quan điểm và đề xuất của ông rất có giá trị cho Việt Nam không chỉ trong giai đoạn có tính “bản lề” này, và có giá trị tham chiếu cho nhiều năm tới.
Một số nội dung nổi bật:
Cuốn sách bao gồm 16 chương, giúp độc giả có được cái nhìn hệ thống về lịch sử ra đời của ESG và phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế thế giới, bao gồm việc giới thiệu các nhận định khoa học về biến đổi khí hậu, một trong những tác nhân và động lực chính của phát triển bền vững, từ đó giới thiệu về lịch sử ESG và toàn cảnh phát triển của ESG trên thế giới, bao gồm các phương pháp luận, các trường phái, các quan điểm và cách tiếp cận và thực trạng thực hành ESG trên thế giới và Việt Nam.
Một phân tích rất quan trọng của tác giả, cũng là một bước tiến mới về mở rộng nhận thức trong phạm trù ESG và phát triển bền vững tại Việt Nam, chính là nêu rõ sự khác biệt và mối liên quan giữa Tính bền vững, Phát triển bền vững và ESG. Tác giả Phạm Việt Anh cũng là người đầu tiên khái niệm hóa mô hình Ngôi nhà bền vững (The House of Sustainability), trong đó tiêu thụ bền vững là nền móng vững chắc, là động lực chuyển đổi bền vững sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn, tái tạo, công bằng và nhân bản.
Với khối doanh nghiệp lớn, bằng sự am hiểu sâu sắc về thương hiệu, nội lực và đặc tính của doanh nghiệp Việt Nam, tác giả đưa ra những khuyến nghị thẳng thắn về việc trang bị tầm nhìn bền vững, nhấn mạnh tầm quan trọng của “nội khử”, thay vì “ngoại bù” như cách một số doanh nghiệp, tổ chức đang theo đuổi hiện nay. Đồng thời, tác giả cũng gợi ý về cách tiếp cận để xây dựng “năng lực động” cho doanh nghiệp, từ đó xây dựng được khả năng “cân bằng động” cho doanh nghiệp. Tác giả cũng đề xuất những cách tiếp cận cho quản trị nhà nước và doanh nghiệp nhỏ, vừa.
Một điều nổi bật thông qua cuốn sách chính là: Tác giả khẳng định ESG không phải là câu trả lời cuối cùng cho tương lai bền vững của doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp cần có cách tiếp cận toàn diện hơn, bao gồm việc thay đổi mô hình kinh doanh, văn hóa tổ chức và chính sách. Trong bối cảnh đó, triết lý “cân bằng động” đóng vai trò quan trọng. Với các trụ cột E-S-G, doanh nghiệp cần linh hoạt điều chỉnh trọng tâm dựa trên bối cảnh kinh doanh và nguồn lực sẵn có. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp cần kết hợp hài hòa giữa các giá trị cốt lõi như nguồn lực, bí quyết kinh doanh, R&D và tiếp thị với các mục tiêu ESG để tạo ra giá trị bền vững lâu dài.
Thay vì đuổi theo tăng trưởng vô hạn, tác giả gợi mở khái niệm “thịnh vượng không tăng trưởng”. Tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng diễn ra đồng thời trong quá khứ, nhưng trong tương lai cái này sẽ phải trả giá bằng cái kia. Nếu chúng ta tiếp tục theo đuổi tăng trưởng vô hạn mà không để ý tới các “điểm tới hạn sinh thái” của hành tinh, sự thịnh vượng sẽ suy giảm. Ông luận giải rằng sự thịnh vượng thực sự không chỉ được đo lường bằng số liệu kinh tế mà còn bằng chất lượng cuộc sống, công bằng xã hội và môi trường bền vững.
Cuốn sách đề cập đến những thách thức mà các doanh nghiệp và quốc gia phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi xanh, như sự không nhất quán trong các tiêu chuẩn ESG, áp lực cạnh tranh và các vấn đề về chính sách,... Tác giả cũng đưa ra những gợi ý để doanh nghiệp tích hợp ESG vào hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả, từ đó tạo ra giá trị lâu dài cho cả doanh nghiệp và xã hội.
Trong thời đại của thông tin phong phú, đa chiều, bao gồm cả thông tin sai lệch này, đòi hỏi một quá trình tổng hợp và chắt lọc khoa học để có được thông tin hữu ích, có thể sử dụng được. Bằng phương pháp tổng hợp, phân tích và phản biện, tác giả Phạm Việt Anh đã lật mở nhiều vấn đề bị lầm tưởng hoặc còn bỏ ngỏ, như đâu là sự khác biệt giữa quản trị bền vững và phát triển bền vững, tại sao kinh tế sinh thái và phát triển bền vững không thể tách rời, doanh nghiệp có đang cố tình “tẩy xanh” hay không. Quý độc giả sẽ tìm thấy những câu trả lời với góc nhìn mới mẻ trong ESG quan trọng nhưng không đặc biệt hơn.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Bình Nguyễn