Sức mạnh của tĩnh lặng
Học sinh trường Vinschool làm quen với thiền. Ảnh: Quý Hòa
Chiến dịch giải cứu thầy trò đội bóng nhí Moo Pa thoát khỏi hang Tham Luang (Thái Lan), sau 18 ngày căng thẳng, tưởng chừng bất khả thi nhưng cuối cùng đã thành công mỹ mãn. Nhưng để đi đến kết quả tốt đẹp này, 13 con người ở đội bóng đã phải kiên cường chiến đấu để sống sót qua 9 ngày đêm nơi hang sâu, trước khi được tìm thấy. Đối với nhiều người, đó là kỳ tích, là phép màu. Ngoài nỗ lực tuyệt vời của đội giải cứu, chính người trong cuộc thừa nhận, việc biết cách bảo toàn được năng lượng, giữ vững tinh thần cũng giúp những em nhỏ tăng khả năng sống sót trước nguy hiểm chưa từng trải qua trong đời.
Đời sống tu tập đã giúp huấn luyện viên đội bóng là Ekapol vững chãi hơn trước cánh cửa sinh tử, qua đó trở thành chỗ dựa vững chắc cho 12 đứa trẻ. Phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Werachon Sukondhapatipak cũng xác nhận huấn luyện viên Ekapol đã là chỗ dựa tinh thần cho đội bóng nhí. “Anh đã khuyên các em nằm xuống, thực hành thiền định, không di chuyển quá nhiều và cố không lãng phí năng lượng”, theo tường thuật của The Washington Post.
Khi John Volanthen, một thợ lặn người Anh, bất ngờ phát hiện ra đội bóng, ông nhìn thấy trong ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn pin, dù hốc hác xanh xao vì đói khát sau nhiều ngày mắc kẹt trong hang nhưng cả đội vẫn rất trật tự và bình tĩnh. Chính thần sắc ấy của họ, không khóc lóc than van, giữa sống chết kề cận đã làm cho John Volanthen rất đỗi kinh ngạc.
Ông biết rõ, người lớn tuổi nhất của đội bóng, huấn luyện viên Ekapol Chantawong chỉ mới 25 tuổi, còn các học trò đều đang ở tuổi vị thành niên, từ 14-16 tuổi, có em chỉ mới 11 tuổi. Đây là lứa tuổi của sự sốc nổi và ít có khả năng kiềm chế bản thân, nhất là khi đối diện với hiểm nguy như vậy. Nhưng điều John Volanthen nhìn thấy ở đội bóng, trong lần đầu tiên gặp gỡ là một khả năng kiểm soát cảm xúc tuyệt vời. “Đó là sự khác nhau rất lớn giữa người biết thiền và không biết thiền khi gặp các vấn đề trong cuộc sống”, bà Trần Lan Hương, Huấn luyện viên dinh dưỡng và sức khỏe, cho biết.
Trước đó, đã có nhiều minh chứng cho thấy sức mạnh của thiền giúp con người vượt qua được các nỗi sợ hãi chết chóc. Harry Winter, một vị thiền giả, lúc 74 tuổi bị bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi sắp chết. Nhưng nhờ thiền định sâu mỗi ngày, qua 5 năm, ông hết hẳn bệnh. Bác sĩ Đỗ Quốc Hùng, nguyên Trưởng phòng C7 - Viện Tim Mạch (Bệnh viện Bạch Mai), cũng đồng tình, tinh thần có ý nghĩa quyết định, giúp ông chiến thắng bệnh ung thư phổi. Không mấy khi ông để bản thân buồn, hễ rảnh là ông thiền.
Trong một nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí Emotion vào năm 2012, nhà thần kinh học Richard Davidson của Đại học Wisconsin, đã chỉ ra, ý tưởng thiền có thể giúp chúng ta đương đầu với các nhiễu động từ bên ngoài. Vì thế, dù lạnh, sợ hãi và đơn độc ở sâu 4 km bên trong một mê cung hang động nhưng nhờ biết thiền, các em trong đội bóng vẫn cảm thấy được nâng đỡ về tinh thần. Bên cạnh đó, thiền còn liên quan đến việc gia tăng sự cảm thông, một nhân tố quyết định cho việc sống sót của một nhóm nhỏ bị cô lập, đây là lúc các em cần có nhau nhất.
Khoa học ngày nay còn chứng minh được rằng, suy nghĩ và cảm xúc cũng gây hao tổn năng lượng. Bộ não tuy nhỏ nhưng sử dụng tới 20% năng lượng cơ thể. Nếu một người gặp nguy nan, lại liên tục lo sợ sẽ sản sinh nhiều cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực. Khi đó, năng lượng trong bản thân mau bị đốt sạch, còn người gặp nạn không có nguồn nào, từ không khí, thực phẩm để bù đắp lại số năng lượng đã mất.
Bà Trần Lan Hương giải thích thêm, càng lo âu, hốt hoảng, các hormon căng thẳng như adrenalin và cortisol sẽ được tiết ra nhiều hơn để điều phối các hoạt động “đối phó” và sẽ càng thúc đẩy các cơ quan như não, tim, phổi… hoạt động mạnh hơn, làm cơ thể càng nhanh chóng kiệt sức. Khi đó, hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch... dễ bị suy yếu, khiến cơ thể dễ bị các vi khuẩn tấn công gây bệnh. Các hormon này nếu kéo dài còn trở thành những độc tố cho cơ thể.
Như vậy, khi gặp tai ương bất ngờ, đe dọa đến sinh mạng, thay vì chìm đắm trong dòng suy nghĩ và cảm xúc hoảng loạn liên tục, những người biết thiền sẽ chọn cách tập trung tâm trí của mình vào hơi thở hay cơ thể, hoặc tập trung vào bất cứ việc gì họ đang làm trong phút giây hiện tại, để tâm trí dịu lại, không lãng phí năng lượng bản thân và kéo dài sự sống.
Thực hành thiền chánh niệm cũng giúp điều chỉnh rối loạn tâm trạng và lo âu. Đây cũng là kết luận của hơn 20 nghiên cứu kiểm soát ngẫu nhiên lấy từ PubMed, PsycInfo và Cochrane Databases, liên quan đến các kỹ thuật thiền định, Yoga... Một nghiên cứu của Đại học Wisconsin - Madison cũng chỉ ra rằng thực hành Thiền Minh Sát (như Vipassana) làm giảm mật độ chất xám ở các vùng não liên quan đến lo lắng và căng thẳng.
Trong khi đó, Tiến sĩ tâm lý học Ron Alexander báo cáo trong cuốn sách Wise Mind, Open Mind rằng, thiền có tác dụng giảm đau còn hơn cả morphine hoặc các loại thuốc giảm đau khác. Một giờ tập thiền có thể làm giảm 40% cường độ đau và giảm cảm giác khó chịu do đau tới 57%.
Thực tế, theo nghiên cứu của Khoa Thể chất và Tinh thần tại Đại học Harvard, thiền giúp gia tăng hoạt động sóng não bộ, giác quan, tập trung tốt hơn và làm suy giảm các cơn đau, co thắt bên trong và bên ngoài cơ thể. Đó cũng là lý do thiền trở thành một trong những phương pháp tốt nhất để thư giãn, tập trung toàn bộ năng lượng, giúp con người đạt trạng thái cân bằng giữa cơ thể và tinh thần. Nhưng để đạt đến khả năng chỉ luôn tập trung vào phút giây hiện tại, “quan sát, nhận biết các suy nghĩ và cảm xúc”, theo bà Trần Lan Hương, mỗi người cần thực hành thiền hằng ngày, mỗi ngày khoảng 20 phút trở lên.
Trước những lợi ích này của thiền, những năm gần đây, nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Nhật nở rộ các khóa yoga, lớp học về thiền. Ở Mỹ, đến năm 2017, đã có khoảng 500 công ty, trường tiểu học và các đội nhóm thể thao tổ chức các lớp học thiền tập miễn phí nhằm nỗ lực thúc đẩy hiệu suất và chất lượng lao động, học tập, kết quả tập luyện.
Đặc biệt, các công ty đa quốc gia như Google, Yahoo, P&G, Nike... đều đưa thiền vào công ty nhằm tăng hiệu quả làm việc và cân bằng cuộc sống cho nhân viên. Giám đốc điều hành P&G A.G. Lafley từng xây dựng một chương trình hướng dẫn thiền dành cho nhân viên ngay tại công ty với quan điểm: “Nếu bạn không thể giải quyết vấn đề, hãy tĩnh tâm và suy ngẫm về nó”.
Khi ngày càng nhiều người theo đuổi thiền như một giải pháp về tinh thần và sức khỏe, theo nghiên cứu của IBISWorld, thiền định và tỉnh thức nổi lên như một hình thức thay thế cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã thu về gần 1 tỉ USD...
Cuộc giải cứu các thiếu niên Thái Lan mắc kẹt trong hang một lần nữa chứng minh cách luyện tập cổ xưa này vẫn rất cần thiết trong cuộc sống hiện đại.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư