Hủy
Phong Cách Sống

Tinh thần kinh doanh đang lao dốc

Thứ Bảy | 26/07/2014 17:55

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã than thở rằng tinh thần kinh doanh của giới doanh nhân Việt Nam đang trở nên bi quan hơn bao giờ hết. Ông kể, một doanh nhân có tên tuổi trước khi qua đời đã tâm sự rằng, nếu chọn lại thì ông không chọn con đường này...
 

Nguyễn Công Hòa hờ hững bật máy tính trong văn phòng chật chội thuê trên con phố nhỏ Nguyễn Tuân ở Hà Nội. “Tôi thường chơi game để giết thời gian”, vị giám đốc không nhân viên cho biết như vậy. Ở tuổi 41, Hòa đang bắt đầu lại sự nghiệp của mình với ý tưởng mở siêu thị. “Giờ khó quá, nên cũng chẳng vội gì”, anh nói như lý giải về cách tiêu thời gian cho game.

Thực ra Hòa đã tương đối thành công khi anh và các bạn mở được hai siêu thị ở khu Trung Hòa - Nhân Chính ở Hà Nội. Hơn 10 năm trước, ở tuổi 30, Hòa quyết định rời bỏ một doanh nghiệp nhà nước để ra mở siêu thị nhờ làn sóng mở công ty tư nhân do Luật Doanh nghiệp năm 2000 mang lại. Trong thời gian dài sau đó, Hòa kể, cổ tức mà anh được chia hàng tháng lên tới “cả chục ngàn đô”. Anh cho con học ở những trường tư với học phí lên tới 200 triệu đồng/năm. Song, tất cả những điều tốt đẹp đó đã chấm dứt hơn hai năm trước đây. Quản trị yếu kém, các cổ đông bất đồng, rồi sức mua kém hẳn và nợ nần cá nhân đã làm Hòa phải chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần. Nay, Hòa vẫn dự định mở lại siêu thị, nhưng đã hai năm trôi qua, mà mọi thứ vẫn còn trong đầu. Anh thành người chán nản.

Câu chuyện của Hòa cũng chẳng là gì so với của bạn anh, là Tuấn. Hòa kể, Tuấn đã phất lên nhanh chóng từ bất động sản vào năm 2009. Có những lúc, xe hơi của các nhân viên làm việc tại văn phòng bất động sản của Tuấn đậu kín cả phố. Nhưng tất cả chỉ như bong bóng khi thị trường bất động sản đổ bể. Tuấn đã bỏ trốn được hai năm nay và Hòa không thể liên lạc được với người bạn từ hồi đại học.

Đóng cửa, giải thể, phá sản, vỡ nợ, đi tù, tâm thần, thậm chí là tự sát như trường hợp ở Đà Nẵng mới đây - chưa bao giờ, kể từ khi khu vực kinh tế tư nhân sống lại khi đất nước đổi mới, những câu chuyện về các doanh nghiệp tư nhân lại trải qua nhiều cung bậc bi kịch như vậy trên báo chí trong vài năm qua. Trong nửa đầu năm nay, tổng số doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động được Tổng cục Thống kê ghi nhận là 33.454, gần tương đương với số đăng ký thành lập mới là 37.315. Như vậy, đà phá sản của doanh nghiệp vẫn chưa dừng lại, và ước tính có khoảng 200.000 doanh nghiệp đã đóng cửa trong bốn năm gần đây.

Ngay cả những doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động cũng đang gặp vấn đề. Một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phỏng vấn khoảng 500 doanh nghiệp trong nửa đầu năm nay cho thấy điều này. Trả lời câu hỏi về kế hoạch doanh thu trong nửa đầu năm 2014, chỉ có gần 22% doanh nghiệp cho biết họ hoàn thành kế hoạch, 28% doanh nghiệp đạt trên 90% kế hoạch, hơn 16% doanh nghiệp đạt trên 70% kế hoạch; và có hơn 34% doanh nghiệp đạt dưới 70% kế hoạch.

Khi Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc gặp hơn 20 doanh nhân gần đây ở Hạ Long, ông đã than thở rằng tinh thần kinh doanh của giới doanh nhân Việt Nam đang trở nên bi quan hơn bao giờ hết. Ông kể, một doanh nhân có tên tuổi trước khi qua đời đã tâm sự rằng, nếu chọn lại thì ông không chọn con đường này...

Chứng kiến những bước thăng trầm như trên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, nói rằng ông cảm thấy buồn. Ông nhớ lại, những năm 2002-2006, tinh thần khởi nghiệp của người dân, đặc biệt là những người trẻ rất “hồ hởi”. “Nhưng rồi tinh thần đó cứ thui chột đi”, ông nói. Chỉ vào một bảng biểu, nơi khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm tỷ trọng hơn 11% GDP năm 2012, thấp hơn nhiều so với khu vực kinh tế nhà nước là gần 33% và khu vực FDI hơn 18%; và tăng không đáng kể so với tỷ trọng của nó là hơn 8% GDP vào năm 2002, ông đặt câu hỏi: “Tại sao khu vực kinh tế tư nhân trong nước tăng không đáng kể, không lớn lên được”. Rồi ông tự trả lời: “Hệ thống thể chế này không khuyến khích. Nhà nước chiếm hết cơ hội, Nhà nước hút toàn bộ nguồn lực về, sau đó chia theo nguyên tắc không có chi phí vốn. Rồi họ lại lập công ty con, công ty cháu. Tôi là người làm về chính sách mà không thấy có lối ra...”.

Hàng ngày, Nguyễn Công Hòa vẫn dành nhiều thời gian để chơi game và anh đã phải chuyển con về học ở trường công lập, nơi chi phí thấp hơn nhiều. Hòa nói rằng như vậy là vẫn còn may, so với nhiều người khác mà anh biết, cái giá họ phải trả lớn hơn nhiều.

Nguồn thesaigontimes


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới