Hủy
Phong Cách Sống

Trường thọ khỏe mạnh

Hằng Nguyễn Thứ Tư | 16/10/2024 07:00

Bác sĩ Phan Thanh Hào, Bệnh viện Quốc tế DNA. Ảnh: Tuyển Phan.

 
 
Tiến bộ của công nghệ sinh học sẽ đưa giấc mơ “chiến thắng tuổi già” của con người đi về đâu?

Trong lúc các tỉ phú được biết đến nhờ những dự án đầu tư đầy tham vọng, thì tỉ phú Bryan Johnson gây chú ý bằng việc đầu tư hàng triệu USD nhằm cải lão hoàn đồng. Trong một loạt bài báo đăng trên The New York Times năm 2024, ông Bryan Johnson nói đã chi ít nhất 2 triệu USD mỗi năm, từ năm 2020, để tiến hành một loạt can thiệp sinh học, “nhằm đưa tuổi sinh học từ 45 về 18”. 

Giấc mơ “chiến thắng tuổi già” là một nhu cầu không thay đổi qua nhiều thế kỷ của con người. Tiến bộ của công nghệ sinh học sẽ đưa giấc mơ này đi về đâu?

Lão hóa được ví như cơ thể con người được khấu hao theo thời gian và đi cùng với việc lão hóa là những bệnh tật nảy sinh khi tế bào già cỗi. Trong nhiều năm, giới khoa học trên thế giới đã liên tục lao vào nghiên cứu những liệu pháp sinh học chống lại quy trình tự nhiên này, không những để có nhan sắc như thời son trẻ, mà còn là những ngày tháng khỏe mạnh khi tuổi ngày càng tăng. Họ đơn giản không chỉ muốn sống lâu, mà còn muốn sống đẹp và khỏe mạnh. Thế nhưng, chống lão hóa không chỉ là mối quan tâm của người giàu, khi 1/3 nhân loại sẽ trên 60 tuổi vào năm 2050. 

Tại Việt Nam, 1/5 dân số sẽ trên 60 tuổi từ năm 2036, khi dân số đi vào giai đoạn già hóa. Trước viễn cảnh này, World Bank cho rằng các nước đang phát triển có thể cứu sống 150 triệu người, kéo dài tuổi thọ cho hàng triệu người nữa nếu thúc đẩy “hành động táo bạo” nhằm gia tăng tuổi thọ khỏe mạnh. Tiết kiệm chi phí chăm sóc sức khỏe, lối sống lành mạnh hơn, tăng năng suất lao động và giảm chi tiêu công cho các dịch vụ xã hội cũng sẽ tạo ra giá trị kinh tế to lớn.

Đến năm 2050, World Bank tính toán tổng số ca tử vong sẽ tăng từ 61 triệu vào năm 2023 lên 92 triệu, tập trung ở những người trung niên và cao tuổi và hầu hết các ca tử vong này sẽ là do các bệnh không lây nhiễm. Các bệnh không lây nhiễm (NCD), bao gồm bệnh tim, đột quỵ, ung thư, tiểu đường và bệnh phổi mãn tính, cùng nhau gây ra 74% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới.

Tuy vậy, tử vong có thể tránh được bằng cách áp dụng kiến thức phong phú về các phương pháp hiệu quả về chi phí để phòng ngừa, điều trị và làm giảm nhẹ các bệnh không lây nhiễm, trực tiếp và thông qua các yếu tố nguy cơ chính của chúng, đáng chú ý nhất là hút thuốc, béo phì và lạm dụng rượu. 

“Không thể ngăn chặn hoàn toàn quá trình lão hóa do tuổi tác”, bác sĩ Phan Thanh Hào, chuyên gia y học tái tạo và chống lão hóa, Bệnh viện Quốc tế DNA, nhận định. Tuy vậy, bác sĩ Hào cho biết có thể làm chậm tiến trình lão hóa và đảo ngược tiến trình lão hóa bệnh lý thông qua các liệu pháp chống lão hóa. “Đó là cách chăm sóc sức khỏe chủ động”, ông nói thêm.

 

Theo bác sĩ Hào, ngoài việc sử dụng tế bào gốc, các liệu pháp điều trị bổ sung khác cũng được áp dụng trong chương trình chống lão hóa tích hợp, bao gồm liệu pháp miễn dịch, liệu pháp bổ sung chất chống oxy hóa, cân bằng hormone, bổ sung dinh dưỡng và detox cơ thể. Trong lúc liệu pháp miễn dịch sử dụng tế bào miễn dịch từ máu của bệnh nhân để tăng cường hệ miễn dịch, giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư, thì liệu pháp ozone cung cấp oxy bổ sung giúp tế bào cơ thể hoạt động tốt hơn, tăng năng lượng và sức khỏe. Hormone và vitamin, khoáng chất chống oxy hóa cũng được vận dụng để duy trì trạng thái cân bằng tốt nhất và hỗ trợ cơ thể. Người bệnh còn có thể loại bỏ các chất độc tích lũy trong cơ thể thông qua các liệu pháp như lọc máu, làm sạch đại tràng.

“Khi kết hợp các liệu pháp trên, các bác sĩ đã ghi nhận được kết quả điều trị nhanh chóng và hiệu quả lâu dài hơn so với chỉ sử dụng một liệu pháp một mình”, bác sĩ Hào nói về kết luận rút ra từ hoạt động tại bệnh viện của ông.

Trong thập kỷ qua, hơn 300.000 bài báo khoa học về lão hóa đã được công bố, trong khi hàng tỉ USD đã được đầu tư vào hơn 700 công ty khởi nghiệp về tuổi thọ như Altos Labs, Human Longevity, Elysium Health và Calico.

Đầu tư trường thọ đã tăng mạnh trong thập kỷ qua, từ con số chỉ 0,57 tỉ USD vào năm 2013, lên mức cao nhất là 9,26 tỉ USD vào năm 2021 và đạt 3,01 tỉ USD vào năm 2023, theo Longevity Technology. Họ chia ngành công nghiệp trường thọ thành “trường thọ hiện tại” và “trường thọ tiếp theo”.

 

“Trường thọ hiện tại” đề cập đến các công ty trên thị trường tạo ra doanh thu, ví dụ như bán những xét nghiệm sinh học và chất bổ sung, hoặc cung cấp các dịch vụ cao cấp tại các phòng khám trường thọ. Những công ty này là những công ty “hiện tại”, xuất hiện ở khắp mọi nơi, nhưng số lượng vẫn còn nhỏ về mặt thị trường mục tiêu có thể tiếp cận, vì vậy vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng.

“Trường thọ tiếp theo” liên quan đến các công ty công nghệ sinh học đang đầu tư mạnh mẽ trong khi nỗ lực thực hiện các thử nghiệm lâm sàng thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau như lập trình lại tế bào, rối loạn chức năng ty thể, liệu pháp gen trường thọ và dược phẩm thần kinh.

“Hệ sinh thái tuổi thọ mới nổi đang thu hút đầu tư đáng kể, cho thấy sự chuyển dịch sang các chiến lược chăm sóc sức khỏe chủ động và các liệu pháp điều trị lão hóa sáng tạo”, Rajiv Ahuja, Giám đốc Viện Milken, Trung tâm Tương lai của Lão hóa, nhận xét. Báo cáo thường niên của Longevity Technology cũng nhấn mạnh khả năng phục hồi và tăng trưởng của các khoản đầu tư vào tuổi thọ trong thập kỷ qua, phản ánh cam kết chung về lão hóa lành mạnh hơn.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới