Bóng đá Việt Nam còn cần chấn hưng?
Dù có chút tiếc nuối khi chỉ cách chức vô địch U23 châu Á một vài phút ngắn ngủi nhưng Đội tuyển U23 Việt Nam, bằng tinh thần quả cảm và tài năng, đã tạo nên một kỳ tích trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Vị trí á quân bóng đá châu Á là một giấc mơ may rủi hay bằng chính nội lực thực tại của bóng đá Việt Nam?
"Ai phải chịu trách nhiệm về huấn luyện viên Park Hang Seo?” là dòng tít của một tờ báo lớn cách đây 3 tháng, sau khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) giới thiệu chiến lược gia người Hàn Quốc dẫn dắt tuyển Việt Nam. Thật ra, cách đặt vấn đề của bài báo trên không phải không có lý. Bởi dù được tiếng là từng làm trợ lý cho huấn luyện viên huyền thoại Guus Hiddink ở World Cup 2002, khi Hàn Quốc còn lập nên kỳ tích ghê gớm hơn là vào tới bán kết giải vô địch thế giới, song bảng thành tích của ông Park chỉ dừng lại ở đó.
Đấy là chưa kể, trước khi lên đường sang Việt Nam nhậm chức, câu lạc bộ gần nhất mà ông Park dẫn dắt chỉ xếp... cuối bảng ở giải hạng 3 Hàn Quốc. Dĩ nhiên, trong bóng đá thì cũng khó nói trước được điều gì. May mắn cũng luôn đóng vai trò quan trọng. Đúng là ông Park đang được tung hô đấy, song nếu vào cuối năm nay, huấn luyện viên người Hàn Quốc không giúp đội tuyển Việt Nam vô địch, hay chí ít là vào tới chung kết AFF Cup thì ông vẫn có khả năng bị chỉ trích, hay thậm chí bị sa thải.
Song điều đáng nói ở đây là bài báo đặt nghi vấn về ông Park lại muốn nhắm vào những người... thuê ông. Đấy là lý do mà ngay trước khi đội U23 lập chiến công ở Thường Châu (Trung Quốc), làng bóng đá nội cũng đã dậy sóng với cuộc họp bàn phương sách “chấn hưng bóng đá Việt”, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Chính giải vô địch U23 châu Á vừa diễn ra cũng đã trả lời phần nào những yêu cầu mà Phó Thủ tướng đã đặt ra. Và hình như bóng đá Việt Nam cũng đang đi... đúng hướng!
Đó là việc những người hùng như Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Lương Xuân Trường, Hà Đức Chinh... đều trưởng thành từ những lò đào tạo trẻ được coi là hình mẫu trong những năm qua như Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội T&T, Viettel, PVF... Họ đều có cơ hội được thử lửa ở V-League, được cập nhật những kiến thức chuyên môn, phương pháp đào tạo bài bản, theo kịp xu hướng chung của thế giới. Trên cái nền tảng đó, nếu có được sự dẫn dắt của một huấn luyện viên tầm cỡ, họ có thể bay cao, mà chiến tích hạ gục hàng loạt đội bóng mạnh ở giải U23 châu Á là bằng chứng rõ nét nhất.
Người hâm mộ cổ vũ cho Đội tuyển U23 |
Không những thế, cơ cấu tổ chức của đội tuyển ở giải đấu trên cũng nhận được nhiều lời khen ngợi. Chẳng hạn như việc giữa huấn luyện viên trưởng người Hàn Quốc Park Hang Seo và Giám đốc Kỹ thuật người Đức Juergen Gede có sự phối hợp rất tốt. Mà ông Gede đã được VFF thuê từ 2 năm nay, có ảnh hưởng đáng kể trong những chiến công khác của bóng đá Việt Nam, như vô địch giải U15 Đông Nam Á ở Thái Lan và hơn hết là chiến tích dự World Cup U20 thế giới ở Hàn Quốc hồi năm ngoái.
Một nền bóng đá liên tục gặt hái thành công ở các giải đấu trẻ cấp châu lục như thế có phải là một nền bóng đá đang khủng hoảng, cần cải tổ tận gốc? Công bằng mà nói, nhóm (tạm gọi là đối lập) với Ban Lãnh đạo VFF cũng đã tạo được sức ép cần thiết để những người có trách nhiệm phải thể hiện đúng trọng trách của mình như yêu cầu. Bởi mâu thuẫn có kiểm soát chính là động lực của phát triển.
Bóng đá Việt Nam cần xã hội hóa sâu rộng, như cái cách mà bầu Đức, bầu Hiển, hay Tập đoàn Vingroup đang làm với các câu lạc bộ cũng như trung tâm đào tạo trẻ. Nhưng cũng cần có sự định hướng rõ ràng, quản lý trong khuôn khổ từ VFF, mà cao hơn nữa là từ Tổng cục Thể dục Thể thao, để làm sao vừa hài hòa lợi ích của các ông bầu, vừa tránh được tiếng là Nhà nước không can thiệp vào bóng đá như khuyến cáo của FIFA.
Ở tầm khu vực Đông Nam Á thì cuộc cạnh tranh vẫn còn rất khốc liệt. Thực tế cho thấy, người Thái vẫn là một thế lực lớn tại khu vực, còn bóng đá trẻ Malaysia, Indonesia đang có những tiến bộ vượt bậc. Thậm chí, Myanmar có truyền thống vượt trội với 7 lần vô địch U19 châu Á (cùng nhiều lần lọt vào vòng bán kết) và từng giành quyền tham dự World Cup U20 thế giới năm 2015.
Tám năm nữa, World Cup 2026 dự kiến sẽ có 48 đội tuyển tham dự với khoảng 8 xuất chính thức đến từ Châu Á so với 4 xuất chính thức ở các kỳ World Cup trước đó. Đó cũng là thời điểm lứa cầu thủ U23 vàng với Quang Hải, Tiến Dũng, Xuân Trường, Công Phượng... sẽ bước sang tuổi 28 là độ tuổi ở đỉnh cao nhất của phong độ.
Câu trả lời cho bóng đá của Việt Nam vẫn nằm ở đào tạo bóng đá trẻ. Do vậy chúng ta hãy nên coi thành công hiện tại như một cú huých và là phần thưởng xứng đáng ban đầu sau nhiều năm đào tạo bóng đá trẻ.
Nếu làm tốt được những điều đó, bóng đá Việt chẳng cần chấn hưng gì cả. Cứ nhìn cảnh hàng triệu người đổ xuống đường ăn mừng chiến thắng của đội tuyển U23 thì rõ.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Thanh Hằng
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn