Cần thêm thời gian để thu hút dòng tiền tham gia thị trường
Hình ảnh tại Công ty Chứng khoán Mirae Asset. Ảnh: Quý Hòa.
Thị trường đối mặt với đợt bán tháo lớn trong tháng 10 đưa chỉ số VN-Index xuống mức thấp nhất (kể từ 2021) là 962,45 điểm trước khi đóng cửa ở mức 1.027,94 điểm. Tính đến cuối tháng 10/2022, chỉ số VN-Index đã ghi nhận mức giảm hơn 31,4% lũy kế từ đầu năm 2022.
Bên cạnh các rủi ro liên quan đến suy thoái kinh tế ở một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, áp lực từ việc Fed tăng lãi suất, đồng USD mạnh, lạm phát trong nước gia tăng, thị trường trong tháng 10 còn thể hiện thêm những lo ngại xoay quanh những vụ vi phạm trên thị trường tài chính nói chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản nói riêng.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, lãi suất tăng (nhằm ổn định tỉ giá và kiểm soát lạm phát) có tác động đến các ngành và công ty có tỉ lệ đòn bẩy tài chính cao như dịch vụ tài chính, xây dựng cơ bản, nguyên vật liệu, và bất động sản.
Đối với sự sụt giảm mạnh của ngành bán lẻ trong tháng 10, Mirae Asset lý giải qua sự kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của ngành sẽ chậm hơn một chút so với quý III trong bối cảnh lạm phát gia tăng, cũng như đến từ nỗi lo về suy thoái kinh tế toàn cầu, chẳng hạn ở khu vực châu Âu nơi có mức lạm phát đặc biệt cao và doanh số bán lẻ các tháng 6, 7, 8 đều sụt giảm mạnh so với cũng kỳ.
Tích cực hơn, trong tháng 10, bên cạnh ngành tiện ích và bảo hiểm, ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) có suất sinh lời vượt trội hơn thị trường chung. “Chúng tôi kỳ vọng giá hàng hóa hạ nhiệt sẽ thúc đẩy tỉ suất lợi nhuận của các công ty F&B trong quý IV; từ đó, kỳ vọng ngành này đang trên đà phục hồi”, Mirae Asset nhìn nhận.
Hiện tại, P/E dự phóng cuối năm của thị trường Việt Nam khá thấp so với các nước trên thế giới, theo mức dự phóng đồng thuận của thị trường được thống kê bởi Bloomberg. Mirae Assett cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững hơn trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu gia tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất gia tăng, định giá hiện tại của VN-Index đang đối mặt với nhiều sự bất định. Do đó, công ty chứng khoán này cho rằng vẫn cần thêm thời gian để thu hút dòng tiền tham gia vào thị trường.
Hiện nay, chỉ số P/E của VN-Index giảm xuống mức thấp nhất kể từ đợt suy thoái liên quan đến đại dịch COVID-19 vào năm 2020. Theo Mirae Asset, chỉ số định giá P/E của VN-Index quanh mức 10-10,7 lần (tức là, ngưỡng trung bình 10 năm trừ đi hai độ lệch chuẩn) là cơ hội tốt để tích lũy các cổ phiếu có tính chất phòng thủ và có định giá hấp dẫn.
Mirae Asset kỳ vọng thị trường sẽ tìm được điểm cân bằng trong tháng 11 trên cơ sở: 1) Sự phục hồi gần đây của các thị trường tài chính trên thế giới; 2) Tâm lý nhà đầu tư cải thiện; 3) Kỳ vọng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong tháng 12; và 4) Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ phục hồi sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp thực hiện zero-COVID, cũng như được thúc đẩy bởi chuyến thăm Trung Quốc gần đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Có thể bạn quan tâm:
Mục tiêu đến năm 2025, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp tối thiểu đạt 20% GDP
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư