Cơ hội lớn cho các hãng xếp hạng tín nhiệm nội địa
Các đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa với chức năng hoạt động tương tự các hãng quốc tế như S&P, Moody’s, Fitch đang là một khoảng trống trên thị trường. Ảnh: TL.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp cơn “bão” khi chính quyền yêu cầu siết khâu phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp và khởi tố vụ án tại nhiều tập đoàn.
Điều này khiến cho nhiều chủ đầu tư bất động sản đối mặt với những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp và các khoản vay ngân hàng. Một số ngân hàng như Sacombank, Agribank và Techcombank đã trì hoãn hoặc hạn chế cấp tín dụng bất động sản cho khách hàng vay vốn lớn, chỉ hỗ trợ người mua nhà ở thực.
Giá như Việt Nam có hệ thống xếp hạng tín nhiệm tốt, hiện trạng bùng nổ thiếu kiểm soát và các lỗ hổng trong quản lý của thị trường trái phiếu đã có thể được kiểm soát tốt hơn. Các đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa với chức năng hoạt động tương tự các hãng quốc tế như S&P, Moody’s, Fitch đang là một khoảng trống trên thị trường.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng Việt Nam cần phải có các cơ quan xếp hạng tín nhiệm trong nước, dựa trên phản hồi từ các nhà đầu tư, tổ chức phát hành và quan chức chính phủ.
Một cơ quan xếp hạng trong nước đáng tin cậy là mảnh ghép còn thiếu cho sự phát triển ổn định, có trật tự của thị trường trái phiếu bền vững lành mạnh ở Việt Nam. Các tổ chức xếp hạng nội địa sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và quản lý rủi ro tín dụng.
Tính đến nay, mới chỉ có 2 đơn vị được thí điểm cấp phép cung cấp dịch vụ đánh giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp là Phattinh Rating (2017) và FiinRatings của FiinGroup (2020). Những đơn vị này tập trung chủ yếu vào xếp hạng tín nhiệm đối với các tổ chức phát hành và các công cụ tài chính cơ bản như trái phiếu.
Ảnh: Justin Lane/Newscom |
So với các hãng xếp hạng quốc tế như Moody’s có bề dày lịch sử và dữ liệu phong phú trên toàn cầu, tổ chức xếp hạng nội địa hiện vẫn chưa thể so sánh được. Nhưng các đơn vị nội địa cũng có ưu thế về khía cạnh am hiểu những quy tắc, thông lệ có tính riêng biệt trong môi trường kinh doanh nội địa để từ đó, có thể tập trung đánh giá sâu hơn vào các rủi ro có tính đặc thù của Việt Nam.
Tương tự như lĩnh vực kiểm toán khi vừa có nhóm Big Four quốc tế, vừa có hàng trăm công ty kiểm toán trong nước tham gia hoạt động, việc có thêm các đơn vị xếp hạng nội địa là mảnh ghép bổ sung giúp cho ngành đánh giá tín nhiệm Việt Nam phát triển sâu rộng hơn, mang đến nhiều sự lựa chọn hơn cho doanh nghiệp.
Ở đó, các tập đoàn lớn hướng tới mục tiêu huy động vốn quốc tế có thể lựa chọn những thương hiệu quốc tế để gia tăng sức hút, các doanh nghiệp khác nếu không có nhu cầu lớn có thể lựa chọn những đơn vị đánh giá tín nhiệm nội để tiết kiệm chi phí.
Thành lập từ năm 2008, FiinGroup đang hướng tới trở thành tổ chức cung cấp nguồn dữ liệu, nghiên cứu và phân tích chuyên sâu về tài chính. Năm ngoái, Hãng đã ký một thỏa thuận với S&P Global Ratings để được đào tạo kỹ thuật cho hoạt động kinh doanh xếp hạng tín dụng của mình. Được biết, mô hình kinh doanh ban đầu của FiinRatings là "nhà đầu tư trả tiền", tượng tự như giai đoạn đầu của nhiều tổ chức xếp hạng thế giới. Trong tương lai, FiinRatings dần sẽ chuyển sang mô hình “nhà phát hành trả tiền” giống như các thị trường phát triển khác.
Đánh giá về thị trường nửa cuối năm 2022 và năm 2023, FiinRatings cho rằng các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, không phải là các công ty được lập ra để huy động vốn, nhất là những công ty niêm yết vốn có sự minh bạch tốt hơn vẫn sẽ đẩy mạnh hoạt động phát hành trái phiếu.
“Khi hồ sơ kinh doanh của doanh nghiệp tốt, minh bạch trên thị trường, lượng phát hành đại chúng tăng trưởng mạnh về quy mô, chúng tôi tin sẽ có sự thay đổi lớn về chất của thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, ông Nguyễn Nhật Hoàng, Phó phòng Phân tích khối Dịch vụ Xếp hạng Tín nhiệm FiinRatings, nhận định.
Cùng với sự bùng nổ của thị trường trái phiếu và các công cụ tài chính phức tạp khác, tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm khá lớn. Tất nhiên, giá trị xếp hạng không có gì đảm bảo 100% về sức khỏe của công ty hay tính chính xác và chất lượng của việc đánh giá phụ thuộc vào nguồn dữ liệu thu thập.
Nhưng sự xuất hiện của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm non trẻ là những viên gạch đầu tiên giúp củng cố niềm tin vào một tương lai phát triển ổn định, lành mạnh của hệ thống tài chính.
Hiện trạng của thị trường trái phiếu không mấy khả quan. Mức độ công bố và chất lượng thông tin của các tổ chức phát hành còn nhiều hạn chế. Chuỗi sự kiện điều tra doanh nghiệp, đi cùng với các thay đổi chính sách đang diễn ra (như Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước về quy định mua bán trái phiếu của các tổ chức tín dụng và những thay đổi trong Nghị định 153 về phát hành riêng lẻ) có thể sẽ làm cho thị trường trái phiếu giảm nhiệt đáng kể về quy mô phát hành trong năm 2022.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư