Cổ phiếu dệt may “nóng lạnh” với virus
Ảnh: Quý Hòa.
Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng dệt và may mặc chỉ tăng 2,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 11,8%). Sự suy giảm này đến từ các thị trường chính như Mỹ và EU, cùng tác động tiêu cực từ Trung Quốc, thị trường cung ứng 70% nguyên liệu đầu vào. Xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn duy trì tương đối tốt sản lượng vào thị trường châu Á, trong đó Nhật là chủ chốt.
Lo ngại về những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã liên tục bán ròng trong thời gian qua. Kết quả, VN-Index ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong 5 năm trở lại đây. Thống kê từ đầu mùa dịch đến nay (30.1-6.4), chỉ số VN-Index đã giảm hơn 254 điểm, cùng với sự lao dốc của hơn 90% cổ phiếu trên thị trường. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngành dệt may.
Cổ phiếu May Sông Hồng (HoSE: MSH) bốc hơi nửa giá trị
Từ đầu mùa dịch cho đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục chứng kiến sự bán tháo của nhà đầu tư cùng việc rút vốn của nhà đầu tư ngoại. Theo đó, giá cổ phiếu MSH đã giảm hơn 45% trong thời gian qua.
Tháng 3, tình hình dịch bệnh bắt đầu chuyển biến phức tạp tại Mỹ và EU, nhiều khách hàng ở hai thị trường này đã thông báo giãn hoặc hủy các đơn hàng may mặc. Do đó, những doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu xuất khẩu sang Mỹ và EU cao sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Theo cơ cấu doanh thu năm 2019, 2 thị trường trên đóng góp chủ yếu trong cơ cấu doanh thu của MSH.
Thêm khẩu trang chống dịch, TNG vẫn giảm gần 39%
Công ty Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) được biết đến là một doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc, chuyên cung ứng cho thị trường Mỹ và EU.
Đầu tháng 2, TNG đã dùng toàn bộ số lượng vải nano kháng khuẩn mà công ty dùng để may áo chuyển sang may khẩu trang. Theo đó doanh thu tiêu thụ nội địa quý I/2020 của Công ty đạt 63,3 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Đối với doanh thu xuất khẩu, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong quý I/2020, doanh thu mảng này đã giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kết quý I/2020, tổng doanh thu tiêu thụ của TNG đạt 773 tỷ đồng, giảm hơn 4% so với cùng kỳ năm 2019.
Dù đã linh hoạt sản xuất những mặt hàng không thường xuyên như khẩu trang để "chống dịch". Tuy nhiên, cổ phiếu TNG cũng "nhiễm virus" và giảm gần 39% kể từ đầu mùa dịch tới nay.
Mỹ, EU vỡ trận, lợi nhuận của Thành Công tụt dốc
Mỹ và EU vốn là 2 thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Năm 2019, 2 thị trường này đóng góp hơn 29% trong cơ cấu doanh thu của Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE: TCM). Do đó, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp ở 2 thị trường này đã có tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của TCM.
Lũy kế hai tháng đầu năm 2020, doanh thu của TCM đạt gần 21,3 triệu USD, giảm 21% và lợi nhuận sau thuế đạt 0,82 triệu USD, giảm 63% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh kết quả kinh doanh, dịch bệnh Covid-19 còn thổi bay hơn 37,5% giá trị cổ phiếu TCM từ đầu mùa dịch tới nay.
Sợi Thế Kỷ chi tiền "đỡ giá" cổ phiếu
Từ đầu mùa dịch tới nay, giá cổ phiếu STK trên thị trường đã giảm hơn 15% so với những doanh nghiệp còn lại thì đây là mức giảm không quá mạnh.
Trước những diễn biến của cổ phiếu trên thị trường, ngày 24.3, HĐQT của Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) đã thông qua phương án mua lại cổ phiếu quỹ. Theo đó, Công ty có kế hoạch mua lại tối đa 5 triệu cổ phiếu STK. Phía Công ty cho biết do thị giá cổ phiếu STK đang ở mức thấp hơn giá trị thực, nên việc mua lại cổ phiếu nhằm bảo vệ quyền lợi cho Công ty và cổ đông. Được biết, giao dịch dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian 03-29.04. Ước tính, STK sẽ chi khoảng 76,8 tỷ đồng cho thương vụ này.
Về kết quả kinh doanh của STK, Công ty chứng khoán FPT (FPTS) ước tính, trong quý I/2020, doanh thu của STK đạt 600 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,8% so với quý I/2019. Lãi sau thuế của Công ty ước đạt 57 tỷ đồng trong quý đầu tiên của năm 2020, tương ứng tăng 10% so với năm 2019.
Nhìn nhận về nhóm cổ phiếu dệt may, ông Nguyễn Kim Chi, Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng, giai đoạn hiện tại không phải là thời điểm thích hợp để đầu tư vào nhóm cổ phiếu này.
Dệt may là ngành hàng thiết yếu và sẽ sớm hồi phục. Tuy nhiên, quá trình hồi phục sẽ chậm do gián đoạn chuỗi cung ứng và tổng cầu bị chia cắt theo chương trình của chính phủ các nước.
Giai đoạn này thị trường đang ở những nhịp hồi phục khi trước đó rơi vào trạng thái quá bán. Ở giai đoạn hiện tại, việc nhìn nhận thị trường chung dường như không có nhiều ý nghĩa, mà phụ thuộc phần nhiều vào nội tại của các doanh nghiệp.
* Có thể bạn quan tâm
►Mục tiêu 42 tỉ USD tuột khỏi tầm tay dệt may?
►Dòng vốn ETF quay lại chứng khoán Việt sau 5 tuần rút ròng
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Nhật Lệ
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Tuấn Thịnh