Cửa mới của tín dụng xuất khẩu

Trong trường hợp đường sắt cao tốc, đây là một dự án có thời gian hoàn vốn rất dài và các hạng mục chi trả bằng ngoại tệ lớn. Ảnh: Shutterstock.com.
Một buổi chiều cuối tháng 2, tại sảnh trước phòng hội nghị ở một khách sạn 5 sao trong trung tâm quận 1, TP.HCM, Nguyễn Đỗ Hòa giới thiệu về hình thức tín dụng xuất khẩu vào cuối phiên chiều của buổi tọa đàm về nguồn vốn TOD để phát triển metro do Lãnh sự quán Anh tổ chức. Ông Hòa vừa được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Quốc gia phụ trách 3 nước Việt Nam, Campuchia, Lào tại UK Export Finance (UKEF), cơ quan tín dụng xuất khẩu lâu đời nhất thế giới.
“Chúng tôi ưu tiên lĩnh vực y tế, giáo dục, hạ tầng và các dự án năng lượng sạch”, ông Hòa nói với NCĐT về hạn mức 6,5 tỉ USD cho thị trường Việt Nam. UKEF là một cơ quan thuộc Bộ Tài chính của Vương quốc Anh, có hạn mức trên toàn cầu là 80 tỉ bảng Anh (khoảng 100 tỉ USD). Theo dòng lịch sử thương mại, thị trường đang được UKEF cho vay nhiều nhất đến giờ là Trung Âu, kế đến là châu Phi. Hiện nay, họ đang đặt trọng tâm đa dạng thị trường đầu tư, đặc biệt chú tâm tới châu Á - Thái Bình Dương.
![]() |
Trong trường hợp đường sắt cao tốc, đây là một dự án có thời gian hoàn vốn rất dài và các hạng mục chi trả bằng ngoại tệ lớn như tư vấn, công nghệ và nhập khẩu thiết bị. “Sau khi chọn được nhà thầu, một phần chi phí ngoại tệ sẽ được hỗ trợ bằng nguồn tín dụng xuất khẩu của chính quốc gia nơi nhà thầu hoạt động”, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, gợi ý về phương án huy động vốn từ tín dụng xuất khẩu, bên cạnh việc Chính phủ phát hành trái phiếu quốc tế.
Tồn tại trên đấu trường toàn cầu trong gần 100 năm, tài chính xuất khẩu đóng vai trò là nguồn bổ sung quan trọng cho thị trường tư nhân. “Bản chất hoạt động kinh doanh của cơ quan tín dụng xuất khẩu chính thức (ECA) là bổ sung cho thị trường, lấp đầy khoảng trống thị trường và trong một số trường hợp là bên cho vay hoặc người bảo hiểm cuối cùng”, Export Finance Lab (ExFi Lab) của EU cho biết.
Thời hạn vay dài hơn, có thể lên đến 25 năm. Một khi khoản vay được bảo lãnh, như trường hợp của UKEF, thì “dự án được xếp hạng AA, tương ứng với không có rủi ro và vì vậy, được tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất ưu đãi hơn”, ông Hòa nói.
ECA và tài chính xuất khẩu công giúp duy trì hoạt động của xuất khẩu và thương mại, ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng, khi thị trường tư nhân trở nên sợ rủi ro hơn hoặc rút khỏi thị trường. Điều này đã từng xảy ra trước đây, ví dụ như trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và gần đây nhất là trong đại dịch COVID-19, khi EU, các chính phủ và ECA của họ đã phản ứng nhanh chóng bằng các biện pháp tạm thời bổ sung. Trong những cuộc khủng hoảng như vậy, ECA đặc biệt có thể cung cấp giá trị gia tăng của mình, tức can thiệp để tránh tình trạng các bên tham gia rút khỏi thị trường.
![]() |
Theo Sách Trắng được ExFi Lab thực hiện vào năm 2021, hệ thống tài chính xuất khẩu công toàn cầu đang chịu áp lực nặng nề trên nhiều mặt trận khác nhau. Tài chính xuất khẩu do các quốc gia thành viên EU cung cấp diễn ra trên các thị trường ngày càng toàn cầu hóa và cạnh tranh.
Đáng chú ý, sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi như Trung Quốc và các nước không thuộc OECD khác với tư cách là những nhà cung cấp tài chính xuất khẩu quan trọng. ExFi Lab cho biết Trung Quốc nằm trong số 3 nhà cung cấp tài chính xuất khẩu hàng đầu và thực tế, các nước mới nổi, trước đây là bên nhận ròng tài chính xuất khẩu, hiện trong nằm trong những nhà cung cấp lớn nhất (bao gồm Ấn Độ và Brazil). Năm 2018 Trung Quốc đã cung cấp 39,1 tỉ USD hỗ trợ tín dụng xuất khẩu trung - dài hạn vào năm 2018, hiện ngang bằng với mức hỗ trợ của EU, nhưng không tuân theo các quy tắc nghiêm ngặt mà EU áp dụng cho tài chính xuất khẩu.
Các nước có thể yêu cầu khách hàng phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ từ quốc gia mình (có ràng buộc) mới được vay vốn, nhưng cũng có nước không yêu cầu (không ràng buộc). Tỉ lệ ràng buộc mà cơ quan tài chính UKEF của Vương quốc Anh đưa ra là 20% tổng giá trị khoản vay, trong khi Sinosure của Trung Quốc yêu cầu ít nhất 50%.
“Khi các nhà cung cấp tài chính xuất khẩu chính thức lớn không hỗ trợ theo cùng các điều khoản, sức mạnh cạnh tranh phụ thuộc vào ngân sách chính phủ và rủi ro về một cuộc chạy đua xuống đáy liên quan đến các quy tắc, tiêu chuẩn và cạnh tranh sẽ được tạo ra”, ExFi Lab phân tích. Vào năm 2021 đơn vị này đề xuất đưa ra một bộ quy tắc toàn cầu mới.
Năm 2013 UKEF đã bảo lãnh cho khoản vay trị giá 215 triệu USD phát triển nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Khi đó, UKEF bảo lãnh cho nhóm người đi vay, bao gồm Chính phủ Việt Nam, Kuwait và Nhật, là những chủ đầu tư của dự án. Dự án đi vào hoạt động từ năm 2018 nhưng vẫn còn lỗ. “Trong trường hợp dự án lỗ và không thể trả nợ, chúng tôi sẽ trả nợ thay cho khách hàng”, ông Hòa phân tích.
Hiện nay, hoạt động chính của UKEF là bảo lãnh cho các khoản vay. Họ còn cho vay những ngành ngách như năng lượng sạch (điện gió ngoài khơi...). Ông Hòa cho biết trong trương lai gần, một gói tài trợ trị giá 300 triệu USD cho sân bay Long Thành đang được thảo luận.
Có thể bạn quan tâm
Khoảng trống của thương hiệu quốc gia
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư

Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn
-
Công Sang