Tiết kiệm hay “YOLO”?

Tiết kiệm không đồng nghĩa với việc hy sinh toàn bộ sở thích cá nhân. Ảnh minh họa: Vocal.media.
Trải lòng sau hơn 3 tháng thất nghiệp, bạn Như Hoa (25 tuổi) ở TP. HCM cho hay bản thân đã rất áp lực về tài chính sau những năm tháng “YOLO”. Với mức lương 15 triệu đồng/tháng, Như Hoa cho biết mình không có thói quen tiết kiệm, ngoài tiền chi tiêu hàng tháng, Hoa thường dành toàn bộ tiền lương cho sở thích cá nhân như du lịch, mỹ phẩm và các cuộc hẹn cùng bạn bè.
Những tưởng công việc sẽ luôn thuận lợi để có thể sống thỏa sức với đam mê, nhưng khi rơi vào trạng thái thất nghiệp, với những áp lực tiền nhà, tiền sinh hoạt phí và thậm chí phải nhờ đến “trợ cấp” từ gia đình, Như Hoa cho biết mình đã thật sự ý thức được tầm quan trọng của việc tiết kiệm. Trên dòng trạng thái ở trang cá nhân, Như Hoa khuyên các bạn của mình nên nghĩ đến việc tiết kiệm thay vì dồn toàn bộ vào những cuộc vui.
Tiết kiệm hay “YOLO”?
YOLO viết tắt của cụm từ “You Only Live Once” có nghĩa là "Bạn chỉ sống một lần". Thuật ngữ này thường được sử dụng để khuyến khích việc tận hưởng cuộc sống và thúc đẩy việc làm những điều mà mình muốn mà không cần phải quá lo lắng về hậu quả.
![]() |
Sống “YOLO” có vẻ hấp dẫn, với việc chi tiêu mà không suy nghĩ và tận hưởng mọi khoảnh khắc trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi những khoảnh khắc vui vẻ kết thúc, bạn có thể phải đối mặt với những hậu quả không mong muốn. Việc chi tiêu tiền một cách không kiểm soát có thể dẫn đến tình trạng nợ nần, áp lực tài chính và đặc biệt là khi có những biến cố không may xảy ra như thất nghiệp, rủi ro về sức khỏe.
Ngược lại, việc tiết kiệm mang lại những lợi ích lâu dài. Bằng cách này, bạn có thể xây dựng một nền tài chính vững chắc cho tương lai của mình. Tiết kiệm không chỉ giúp bạn đối phó với những khó khăn tài chính ngắn hạn mà còn giúp bạn thực hiện được những ước mơ lớn hơn trong tương lai. Bạn có thể tiết kiệm để mua nhà, du lịch, đầu tư vào sự nghiệp của mình, hoặc sử dụng trong những tình huống khẩn cấp.
Việc tiết kiệm không có nghĩa là bạn phải hy sinh tất cả các khoảnh khắc vui vẻ trong cuộc sống. Điều quan trọng là tìm ra sự cân bằng giữa việc tận hưởng cuộc sống ngày hôm nay và chuẩn bị cho tương lai. Hãy tận hưởng những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc sống, nhưng đồng thời hãy cẩn thận và tỉnh táo khi quản lý tài chính của mình. Điều này sẽ giúp bạn có một cuộc sống hạnh phúc, an tâm và ổn định hơn trong tương lai.
![]() |
Nên tiết kiệm bao nhiêu?
Nguyên tắc chung là tiết kiệm 20% từ mỗi khoản tiền lương. Điều này quay trở lại quy tắc lập ngân sách phổ biến được gọi là chiến lược 50-30-20, nghĩa là bạn phân bổ 50% tiền lương của mình cho những thứ bạn cần, 30% cho những thứ bạn muốn và 20% cho tiết kiệm và đầu tư.
Nhà lập kế hoạch tài chính Shon Anderson tại Anderson Financial Strategies cho biết, “tiêu chuẩn vàng” này sẽ không áp dụng cho mọi người hoặc mọi tình huống. Ông gợi ý một phương pháp khác bao gồm việc chia 80-20, trong đó 20% tiền lương được phân bổ cho khoản tiết kiệm của bạn và 80% còn lại được phân bổ cho các chi tiêu liên quan đến nhu cầu và mong muốn của bạn. Ý tưởng là việc phân bổ 20% không đổi theo cả hai cách tiếp cận.
Cho dù bạn chọn tuân theo quy tắc nào, hãy đảm bảo tìm được sự cân bằng linh hoạt giữa tiết kiệm và chi tiêu. Ông Anderson nói: “Điểm mấu chốt của cả hai phương pháp này là tiết kiệm 20% vẫn là ưu tiên hàng đầu".
Và nếu bạn đang tự hỏi mình nên đầu tư bao nhiêu trong số 20% đó, thì trước tiên bạn nên có mục tiêu tiết kiệm khoảng 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt, đó cũng là số tiền mà các chuyên gia thường khuyên bạn nên tiết kiệm cho một năm.
Có thể bạn quan tâm
Hơn 401.600 tài khoản chứng khoán được mở mới trong quý I/2024
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
